Samsung: đã qua thời "lên voi", giờ đang "xuống chó"?

Chiếm giữ ngôi vương smartphone xét về doanh số bán, từng được đánh giá là công ty có sự đổi mới tốt hơn cả Apple khi khai sinh ra thị trường phablet, thế nhưng Samsung đang dần bị chính Apple và các đối thủ khác vượt mặt.
Samsung: đã qua thời "lên voi", giờ đang "xuống chó"?

Nếu cần dùng một từ để tổng kết tình hình của Samsung trong những năm qua, thì có lẽ thành ngữ "lên voi xuống chó" chính là từ phù hợp nhất. Công ty Hàn Quốc phải trải qua không ít những thăng trầm biến động, từng rất thành công với các mẫu smartphone của mình, nhưng rồi đã và đang mất dần vị thế và liên tục bị các đối thủ vượt mặt.

"Galaxy" ra đời

Sau khi Apple cho ra mắt thế hệ iPhone đầu tiên làm thay đổi lại định nghĩa về smartphone, Samsung cùng hàng loạt các công ty khác chỉ biết nuốt nước bọt đứng nhìn miếng bánh di động màu mỡ bị Apple "đánh chén" một mình. Thậm chí, thời điểm này Samsung gần như cũng chưa hề có chỗ đứng trên thị trường. Có chăng chỉ Nokia và BlackBerry là những cái tên cạnh tranh với iPhone mà thôi. 

Samsung không chịu buông cờ trắng và quyết định tìm cách chen chân vào thị trường di động. Năm 2009, hãng nhận thấy rằng mình cần phải tạo dựng một thương hiệu mới cho loạt smartphone cao cấp sẽ ra mắt trong tương lai. Samsung lúc này đang có cho mình một công nghệ màn hình mới có tên Super Amoled. Ban đầu, công ty Hàn Quốc dự định sẽ bán công nghệ màn hình này cho các đối tác để sử dụng trên điện thoại của họ. Samsung từng là nhà cung cấp chip xử lý, màn hình cho các nhà sản xuất điện thoại khác, và Super Amoled những tưởng cũng sẽ đi theo con đường đó.

Tuy nhiên, cuối cùng Samsung quyết định tự mình sản xuất smartphone để cạnh tranh với iPhone. Lúc này, một khó khăn mà Samsung gặp phải đó là hãng không biết làm cách nào để marketing sản phẩm. Cái tên "Samsung" có quá nhiều bất ổn bởi nó gắn liền với những chiếc TV và điện thoại nắp gập chứ không phải cái gì đó liên quan tới smartphone cao cấp. Thời điểm đó, Samsung chưa bao giờ là một cái tên sánh ngang được với Apple, Nokia, hay BlackBerry. Một sự thay đổi là điều cần thiết, nếu không muốn nói là bắt buộc.

Cái tên mỹ miều "Galaxy" (ngân hà) cuối cùng đã được chọn ra. 

Tháng 3/2010, Samsung trình làng Galaxy S, chiếc smartphone cao cấp đầu tiên, đặt nền tảng cho thành công của dòng điện thoại và máy tính bảng Android về sau. Galaxy S sở hữu cấu hình đủ mạnh để ngang ngửa với iPhone, tuy nhiên, nó cũng bị chỉ trích vì đã copy phần mềm cũng như phần cứng của Apple. Thế nhưng, với các nhà mạng viễn thông thì điều đó không quan trọng. Họ vẫn hỗ trợ Samsung bán sản phẩm để cùng kiếm lời. Samsung cũng ký kết các thỏa thuận với nhà mạng để quảng cáo Galaxy S trong các cửa hàng, thậm chí, họ còn thuyết phục được các nhà mạng đang bán iPhone để bán cả Galaxy S. 

Tấn công Apple

Tháng 11/2011, Samsung cho phát hành những video quảng cáo đầu tiên và gửi gắm những bức thông điệp về tương lai công ty trong ba năm tiếp theo. Trong quảng cáo, Samsung thuê một loạt "nam thanh, nữ tú" đứng bên ngoài một cửa hàng Apple Store giả để chờ vào mua iPhone. Ngay lúc đó, họ bắt gặp một nhóm khác ở cạnh mình đang sử dụng một sản phẩm tốt hơn. Đó chính là Galaxy S II, smartphone cao cấp trong 2011 của Samsung. Máy có màn hình lớn, kết nối 4G tốc độ cao: hai tính năng lớn mà chiếc iPhone 4S của Apple còn thiếu. Và khác với iPhone, người dùng không phải xếp hàng dài chờ đợi để mua được Galaxy S II. 

Samsung tung quảng cáo chê bai người dùng iPhone phải xếp hàng mới được mua máy.

Samsung tung quảng cáo chê bai người dùng iPhone phải xếp hàng mới được mua máy.

Cách tấn công Apple của Samsung cũng rất giống với cách Apple từng sử dụng để "dìm" Microsoft và nâng tầm máy Mac của mình. Apple từng tung ra clip quảng cáo "I'm a Mac" thời điểm những năm 2000 trong đó có một anh chàng xuất hiện và hết lời chê bai máy tính Windows - hệ điều hành phổ biến nhất ở thời điểm đó (và cả hiện tại). Để nâng tầm mình, Samsung cũng chọn tấn công vào thương hiệu smartphone tốt nhất thế giới: Apple. Và những con số thống kê sau đó cho thấy nó mang lại hiệu quả rõ rệt. 

Tính đến cuối 2012, lợi nhuận của Samsung tăng 76%, chủ yếu nhờ vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của mảng mobile. Di động cũng đột nhiên trở thành mảng có lợi nhuận cao nhất của công ty. Thời điểm này, trên thị trường chỉ có Apple và Samsung là thu được lợi nhuận từ di động. Tính đến thời điểm Galaxy S4 ra mắt (vào tháng 3/2013), cuộc đua trên thị trường này chỉ còn là cuộc chạy đua giữa Apple và Samsung. Người ta bắt đầu dự đoán về viễn cảnh Samsung vượt mặt Apple trong tương lai không xa.

Cơ sở cho những dự đoán như vậy nằm ở những sự đổi mới mà Samsung tạo ra. Samsung chịu không ít chỉ trích khi sao chép Apple trong nhiều sản phẩm. Tuy nhiên, công ty Hàn Quốc cũng chứng tỏ rằng họ không phải là không có sự sáng tạo của riêng mình. Mùa thu năm 2011, Samsung công bố Galaxy Note, chiếc smartphone có kích thước màn hình cực lớn, lên tới 5,3 inch (iPhone 4S chỉ có màn hình 3,5 inch). Những chiếc smartphone màn hình lớn này thường được gọi bằng một khái niệm chung là phablet. Samsung chính là công ty đã tạo ra xu hướng phablet mà cho tới nay nó vẫn đang rất "hot". Galaxy Note không phải thu được thành công ngay lập tức, khi mà nó bị đánh giá là quá to (khiến người dùng khó cầm). Theo một số báo cáo, các nhà mạng tại Mỹ tỏ ra không hứng thú với sản phẩm này. Tuy nhiên, Galaxy Note bất ngờ bán chạy tại các quốc gia châu Á, giúp Samsung có được một thị trường đầy màu mỡ và tha hồ kiếm lời.

Galaxy Note mở đường cho thị trường phablet.

Galaxy Note mở đường cho thị trường phablet.

Thời điểm này, iPhone của Apple vẫn chỉ trung thành với kích cỡ màn hình 3,5 inch, trong khi điện thoại Samsung thì ngược lại. Chúng ngày càng to ra. Công nghệ màn hình cũng được Samsung cải tiến để ngày một tốt hơn. Trên các mặt báo bắt đầu xuất hiện những nhận định rằng Apple sẽ "lâm nguy", hụt hơi nếu không đuổi theo Samsung và cho ra mắt những mẫu iPhone màn hình lớn. Giá cổ phiếu Apple rớt thê thảm, có lúc chỉ còn 380 USD/cổ phiếu trong khi trước đó có lúc đạt mức 705 USD.

Thế nhưng, con đường không trải đầy hoa hồng cho Samsung. 

Giống như với hàng loạt công ty khác, sau một thời gian thu được những thành công đáng kể, công ty Hàn Quốc có dấu hiệu chững lại và đi xuống. Samsung đã bị Apple và các đối thủ khác cạnh tranh như thế nào, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu trong phần hai của bài viết. 

Theo Ictnews