Theo kết luận số 2222/KL TTCP ngày 26/8, về việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR). Trong 36 trang, TTCP vừa chỉ ra những sai phạm nghiêm trọng tại đơn vị này.
Thiếu trách nhiệm, gây lãng phí
Thứ nhất, kết luận đề cập việc VNR đã thiếu trách nhiệm trong việc quyết định và quản lý thực hiện các dự án đầu tư máy móc thiết bị và dự án kết cấu hạ tầng, gây lãng phí. Cụ thể, trong 3 dự án mua sắm máy móc thiết bị với tổng giá trị 408 tỷ đồng (2003-2009), VNR đã quyết toán các dự án vượt tổng mức đầu tư được phê duyệt hơn 29 tỷ đồng.
Thứ hai, Tổng công ty này cũng đã phê duyệt giá không đúng thẩm quyền, sai căn cứ, giảm hiệu quả đầu tư, lãng phí ngân sách, điển hình là dự án mua ray bảo trì, sửa chữa đường sắt bằng nguồn vốn vay của Chính phủ Áo với giá cao bất thường so với loại có tính năng tương tự cùng thời điểm.
VNR cũng đã để xảy ra nhiều bất cập trong việc lựa chọn các nhà thầu trong dự án đóng mới 300 đầu máy toa xe. Công ty Đầu máy TNHH Tư Dương (Trung Quốc) được lựa chọn là nhà cung cấp thiết bị tổng thành, phụ kiện lắp giáp với giá trị lên tới 14,5 triệu USD nhưng không có kế hoạch đấu thầu.
Buông lỏng quản lý, xem thường lợi ích nhà nước
Thứ ba, Thanh tra Chính phủ cho rằng, VNR đã xem thường lợi ích của nhà nước, lợi dụng thủ tục góp vốn và thực hiện việc góp vốn trái chủ trương để hợp thức hóa việc chuyển trưởng tài sản có giá trị lớn không qua đấu giá đấu thầu.
Cụ thể, đối với 2 thửa đất tại 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bộ Châu (Hà Nội), sau khi hết hạn hợp đồng liên danh với TCT Du lịch Sài Gòn (10/2012), VNR có chủ trương góp vốn bằng tài sản và giá trị thương mại quyền thuê sử dụng đất để thành lập pháp nhân mới đầu tư khách sạn. Đối tác lựa chọn là Công ty TNHH MTV Hà Thành. Tuy nhiên, theo kết luật thành tra, VNR đã không xây dựng phương án thành lập pháp nhân mới, không có phương án đầu tư khai thác có hiệu quả nhưng vẫn tiến hành ký biên bản thỏa thuận hợp tác với Công ty TNHH MTV Hà Thành. Hội đồng thành viên VNR đã quyết định giá trị vốn góp là 47 tỷ đồng thiếu cơ sở, trong khi VNR thuê thẩm định giá có chứng thư xác định là 67,4 tỷ đồng. Sau khi đi vào hoạt động, 6 tháng cuối năm 2013 doanh nghiệp lỗ 588 triệu đồng và 9 tháng đầu năm 2014 lỗ 2,5 tỷ đồng.
Bản chất của sự việc là Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kêu gọi đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư để khai thác cơ sở kinh doanh đang quản lý sử dụng chứ không hẳn là góp vốn với đối tác.
“Do đó phải thực hiện đấu giá, đấu thầu để đảm bảo minh bạch, tránh thất thoát tài sản và lựa chọn được nhà đầu tư tốt nhất. Tuy nhiên, VNR đã thực hiện thủ tục góp vốn thành lập doanh nghiệp mới để thỏa thuận đầu tư kinh doanh khách sạn 4 sao. Đối tác được lựa chọn chưa có khả năng, kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn” – Thanh tra Chính phủ kết luận.
Ngay sau khi có thỏa thuận góp vốn, VNR lại gấp rút đứng tên thực hiện thủ tục thuê đất rồi thanh lý hợp đồng thuê đất để chuyển quyền thuê cho DN góp vốn với lý do tài sản trên đất đã mang đi góp vốn. Việc chuyển giao này không thực hiện theo quy định về đấu thầu và đấu giá.
TTCP xác định, việc góp vốn của VNR là trái với nghị quyết 94/NQ-CP ngày 27/9/2011 của Chính Phủ, trái với quy định về việc chấm dứt đầu tư ngoài ngành được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong đề án tái cơ cấu ngành đường sắt giai đoạn 2012-2015.
Ngoài ra, cơ quan thanh tra cũng đánh giá VNR vi phạm quy định quản lý vốn, tài sản dẫn đến lãng phí tiền vốn, cơ sở vật chất, đất đai được giao; hoạt động kinh doanh trì trệ, kém hiệu quả; việc quản lý tài chính, tài sản còn để xảy ra khuyết điểm, vi phạm.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Tài chính xem xét để xử lý các khoản tiền có tính sai phạm theo kết luận thanh tra với tổng số tiền 131 tỷ đồng.