|
Ảnh minh họa |
Mặc dù cho đến hiện tại, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vẫn chưa công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2015 và chưa tổ chức ĐHCĐ sau nhiều lần viện đủ mọi lý do để hoãn, nhưng việc công bố báo cáo tài chính chưa soát xét 6 tháng đầu năm 2016 đã hé lộ những mối lo ngại về chất lượng tài sản và khả năng thực hiện dự phòng trái phiếu VAMC trong 10 năm sẽ giới hạn việc trả cổ tức.
Lợi nhuận giảm mạnh
Quý 2/2016, Sacombank có lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt đạt 164 và 147 tỷ đồng, giảm lần lượt 76% và 74% so với cùng kỳ năm ngoái, do thu nhập lãi ròng giảm, trong khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng. Ghi nhận nợ xấu gia tăng nhưng vẫn chưa có nhiều thay đổi. Tín hiệu tích cực là ngân hàng vẫn tăng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng thêm 5% trong bối cảnh lợi nhuận trước dự phòng giảm 51%. Sacombank cũng báo cáo tỷ lệ nợ xấu tăng lên 2,83% từ 1,85% hồi cuối năm 2015, động thái này cho thấy Sacombank đã phần nào sẵn sàng đối diện với vấn đề nợ xấu. Tuy nhiên, Sacombank vẫn chưa hoàn toàn sẵn sàng đối diện với toàn bộ vấn đề khi lãi phải thu vẫn quá cao so với tài sản sinh lãi.
Theo ước tính của bà Trịnh Ngọc Hoa, chuyên viên cao cấp ngành ngân hàng thuộc CTCK VietCapital, tỷ lệ lãi phải thu chia cho dư nợ nhóm 1 của Sacombank lên đến 13% trong quý 2/2016, trong khi của các ngân hàng khác chưa đến 1%-2%. Đây là một chỉ báo quan trọng, cho thấy lãi sinh ra từ các khoản cho vay chưa được thu về trong một thời gian dài. Điều này đồng nghĩa với việc nợ xấu được đảo nợ, hoặc lãi được trả vào cuối kỳ đáo hạn cho các khoản vay trung dài hạn. Dù trong trường hợp nào thì tình hình tài chính của ngân hàng vẫn bị ảnh hưởng theo chiều hướng không tốt.
Tỷ lệ lãi cận biên (NIM) theo báo cáo của Sacombank trong 6 tháng đầu năm là 2,3%, cao hơn so với quý 4/2015 là 1,7%. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có báo cáo tài chính kiểm toán 2015 nên báo cáo tài chính đã kiểm toán có thể sẽ có nhiều điều chỉnh lớn, nhằm phản ánh lãi phải thu và thu nhập lãi.
Sacombank là một trong những ngân hàng TMCP có dư nợ VAMC cao nhất, tạo gánh nặng dự phòng lớn. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép “các ngân hàng có điều kiện tài chính gặp khó khăn” dự phòng trong 10 năm, nhưng dư nợ VAMC khá cao, đặc biệt khi so với các ngân hàng cỡ vừa như ACB, sẽ ảnh hưởng đến Sacombank.
Gánh nặng SouthernBank?
Ngoài việc có thêm 141 điểm giao dịch, tổng tài sản được nâng lên 290.000 tỷ đồng và vốn điều lệ đạt hơn 18 nghìn tỷ đồng, “con tàu” Sacombank dường như đã bị kéo chậm lại kể từ khi sáp nhập với ngân hàng Phương Nam (SouthernBank) vào năm 2015.
Theo báo cáo tài chính chưa kiểm toán của năm 2015, ảnh hưởng bởi dự phòng đã hạn chế tăng trưởng của Sacombank khi số dư trái phiếu VAMC thuộc nhóm cao dẫn đầu so với các ngân hàng khác; lãi phải thu và khoản phải thu tăng mạnh; khoản cho vay khách hàng có thời gian đáo hạn kéo dài tăng cao trong vài năm qua và số dư dự phòng khá thấp. Do vậy, ngân hàng này sẽ còn phải trích lập dự phòng và xóa nợ trong vài năm tới.
Việc sáp nhập với SouthernBank khiến lợi nhuận của Sacombank giảm mạnh. Con số nợ xấu chính thức đã tăng từ 1,2% lên 1,9%, lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm 2015 giảm còn 5,1% so với 10,2% năm 2014, dư nợ của khoản vay khách hàng chỉ tăng 8,5% so với mức tăng chung 17,5 của ngành và tỷ lệ lãi cận biên (NIM) năm 2015 giảm còn 3% so với 4,3% năm 2014. Khoản mục có nhiều vấn đề nhất bảng cân đối kế toán là lãi phải thu khi chỉ kết thúc năm 2015 với mức 6,1 lần so với mức trung bình của các ngân hàng chúng tôi theo dõi.
Tỷ lệ vốn an toàn tối thiểu riêng lẻ (CAR) là 9,5% vào cuối năm 2015 khiến việc tăng vốn trở nên cấp bách đối với Sacombank, nhưng giá trị sổ sách trên cơ sở điều chỉnh năm 2015 chỉ đạt 6.257 đồng/cổ phiếu khiến khả năng huy động vốn trở nên khó khăn khi Ủy ban Chứng khoán không cho phép huy động cổ phần dưới mệnh giá 10.00 đồng.
Năm 2015, lãi lũy kế liên quan đến nợ nhóm 1 tăng từ 5.149 tỷ đồng vào cuối năm 2014 trước khi thực hiện thương vụ sáp nhập với SouthernBank, lên 25.230 tỷ đồng vào cuối năm 2015, sau khi sáp nhập. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, chỉ số tương đối giữa lãi lũy kế và nợ nhóm 1 sau sáp nhập của Sacombank năm 2015 đã tăng đáng báo động. Sacombank không công bố giá trị trái phiếu VAMC mà ngân hàng nắm giữ trong báo cáo tài chính 2015 chưa kiểm toán. Tuy nhiên, theo ước tính, con số này vào khoảng 13.405 tỷ đồng, nghĩa là ngân hàng đã bán thêm 6.407 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC trong năm 2015.
Tỷ lệ xóa nợ tiếp tục là 0,5% tổng dự nợ tín dụng trong năm 2014 và 2015, thấp hơn so với Eximbank (từ 0,4% năm 2014 tăng lên 0,8% năm 2015). Điều này cho thấy Sacombank hiện đang chịu áp lực mang lại lợi nhuận và sẽ cần thêm thời gian để cải thiện bảng cân đối kế toán.
Việc sáp nhập với SouthernBank đã khiến tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR) tăng mạnh lên 59% năm 2015 từ mức 54,1% năm 2014. Bà Trịnh Ngọc Hoa cho rằng kết quả này phản ánh việc sáp nhập và chỉ bắt đầu xu hướng giảm khi Sacombank có thể hợp nhất đội ngũ nhân viên cũng như mạng lưới chi nhánh.
Sacombank hiện có 9 thành viên HĐQT do ông Kiều Hữu Dũng làm chủ tịch và ông Phan Huy Khang làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc. Ông Trầm Bê và con trai là Trầm Khải Hòa là thành viên HĐQT. Ban Tổng giám đốc có tới 23 thành viên, bao gồm Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng và 21 thành viên cùng giữ chức danh Phó Tổng Giám đốc.
Theo Infonet