|
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet) |
Hai hợp phần quan trọng còn lại, là báo cáo lưu chuyển tiền tệ và thuyết minh – bộ phận không thể tách rời của mỗi báo cáo tài chính, hiện chưa được Sacombank công bố. Đáng nói, thời gian trước đây, Sacombank vẫn được đánh giá là nhà băng đi đầu trong công tác minh bạch thông tin.
Tuy vậy, thông tin từ ba trang tài liệu mà Sacombank công bố cũng tạm cho người xem hình dung phần nào về năng lực và sức khỏe tài chính hiện thời tại ngân hàng này. Tất nhiên, đây là số liệu mà ngân hàng tự cung cấp, chưa có sự kiểm định của đơn vị kiểm toán độc lập.
Không nằm ngoài dự đoán, trong quý cuối năm – với áp lực lớn từ việc phải chốt các nghĩa vụ trích lập và xử lý dự phòng rủi ro tín dụng – STB đã báo lỗ. Trước đó, lũy kế đến 30/09/2016, ngân hàng báo lãi sau thuế 459 tỷ đồng (riêng quý III/2016 lãi 150 tỷ đồng).
Cụ thể, theo báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, sau chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp, quý IV/2016, Sacombank lỗ 87 tỷ đồng (đặc biệt, riêng hoạt động kinh doanh ngoại hối, STB đã lỗ tới 275 tỷ đồng). Qua đó, kéo lợi nhuận sau thuế lũy kế của cả năm 2016 về 372 tỷ đồng, giảm 68% so với năm 2015.
Tuy vậy, nhìn nhận theo hướng tích cực, số lỗ trong quý IV/2016 của STB đã được thu hẹp đáng kể so với mức lỗ kỷ lục 521 tỷ đồng của cùng kỳ 2015.
Các dữ liệu ít ỏi từ báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh mà STB công bố cho thấy kết quả lợi nhuận suy thoái sâu ở ngân hàng đến chủ yếu từ hai nguyên nhân: (1) Sự suy giảm của thu nhập thuần từ lãi; (2) Sự phình to quá mức của chi phí hoạt động.
Năm 2016, thu nhập thuần từ lãi (khoản thu nhập lãi từ hoạt động kinh doanh cốt lõi là tín dụng và đầu tư) của Sacombank đạt 5.119 tỷ đồng, giảm 22,6% so với năm 2015. Cần thiết phải nói rằng, hiện tượng suy giảm thu nhập thuần từ lãi của Sacombank không đến từ việc thu hẹp quy mô hoạt động tín dụng và đầu tư của của ngân hàng. Tính đến cuối năm 2016, dư nợ cho vay khách hàng của Sacombank là 198.860 tỷ đồng, tăng 7% so với thời điểm đầu năm.
Ngược lại, chi phí hoạt động ở Sacombank trong năm 2016 lại “phình ra” gần 1.000 tỷ đồng so với 2015, lên mức 5.820 tỷ đồng. Trong khi so sánh với trước đó 1 năm, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng ở ngân hàng này lại được hạn chế đáng kể, về chỉ còn 700 tỷ đồng so với 2.132 tỷ đồng của 2015 (chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong quý IV/2016 chỉ là 23 tỷ đồng).
Với cơ cấu thu nhập - chi phí như trên, có thể suy đoán rằng, Sacombank đã rất tích cực sử dụng các nguồn lực nội tại để tham gia xử lý nợ xấu và thoái thu các khoản lãi “treo” trong năm 2016 (kết chuyển vào chi phí hoạt động). Nhìn về dài hạn, đây là một tín hiệu khá tích cực.
Một điểm không mới nhưng rất đáng chú ý trong cơ cấu tài sản của Sacombank, đó là giá trị lớn bất thường của khoản mục Tài sản có khác. Tính đến hết ngày 31/12/2016, Sacombank đang còn 17.352 tỷ đồng các khoản phải thu và 26.389 tỷ đồng các khoản lãi, phí phải thu. Trong một bài viết trước đây, VietTimes từng phân tích về nguy cơ của những món nợ xấu tiềm tàng này.
Vì STB không công bố thuyết minh nên chưa rõ số liệu nợ xấu của ngân hàng này hiện ra sao.
Song cũng phải nhìn nhận khách quan, rằng các kết quả kinh doanh không thuận lợi cũng như cơ cấu tài sản rủi ro ở Sacombank hiện tại phần lớn đến từ hệ quả của việc nhận sáp nhập ngân hàng yếu kém Southern Bank. Theo tính toán, Sacombank sẽ còn phải mất nhiều năm nữa để khắc phục “di sản xấu xí” mà Southern Bank để lại.
Trong một chia sẻ gần đây với báo giới, ông Kiều Hữu Dũng – Chủ tịch HĐQT Sacombank - từng tiết lộ nếu không phải trích lập dự phòng cho các khoản tài sản không sinh lời, nợ xấu của Southern Bank, lợi nhuận của Sacombank năm 2016 có thể lên tới 4.000 tỷ đồng, thậm chí cao hơn cả năm 2015.
“Tôi rất tiếc là ở Việt Nam không có mô hình ngân hàng xấu nằm trong ngân hàng tốt. Ở nước ngoài, khi cho phép sáp nhập để xử lý ngân hàng yếu kém, các nhà băng tốt nhận sáp nhập có thể vẫn được tách bạch những hạch toán kinh doanh của mình, đồng thời vẫn trích một phần để xử lý nợ xấu cho ngân hàng kia”, ông Dũng nói./.