|
ThS. Trần Thị Trang – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế (Ảnh: Minh Thúy) |
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên – cho hay: Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), rượu, bia là nguyên nhân thứ 5/10 nguyên nhân gây tử vong cao nhất trên toàn cầu. Rượu, bia không chỉ tiềm ẩn nhiều tác hại với sức khỏe, mà còn gây ra hậu quả lâu dài đối với gia đình và xã hội.
Do ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và gây ra các vấn đề xã hội nghiêm trọng nên rượu, bia, là loại hàng hóa được hầu hết các quốc gia đưa vào kiểm soát chặt chẽ, không khuyến khích tiêu dùng. Với Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia, lần đầu tiên Việt Nam có một đạo luật hoàn chỉnh để thay đổi thói quen uống rượu, bia của người dân.
|
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên (Ảnh: Minh Thúy)
|
Gần 100% quảng cáo rượu, bia không có nội dung cảnh báo tác hại
Theo ThS. Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế - việc kinh doanh rượu, bia trên mạng đang rất phổ biến. Để tăng cường phòng, chống tác hại của rượu, bia, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Nghị định quy định một số nội dung liên quan đến Luật phòng, chống tác hại rượu, bia với 5 chương 27 điều, gắn chặt với nội dung của Luật phòng, chống tác hại rượu, bia.
Về phạm vi điều chỉnh, Nghị định đã quy định thêm về các địa điểm công cộng không sử dụng rượu, bia gồm: công viên, rạp chiếu phim, nhà hát,… Đặc biệt, Nghị định cũng quy định hạn chế việc sử dụng hình ảnh của diễn viên sử dụng rượu, bia trong các tác phẩm truyền hình, điện ảnh, sân khấu.
Về vấn đề quảng cáo rượu, bia, bà Trang cho biết: Nghị định đã bổ sung thêm quy định quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình, đài phát thanh, không được quảng cáo rượu, bia trong khoảng thời gian từ 18-21h. Quảng cáo rượu, bia trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối, thiết bị viễn thông phải có công nghệ chặn lọc, kiểm soát tuổi người truy cập, để ngăn ngừa tình trạng người chưa đủ 18 tuổi tiếp cận, tìm kiếm thông tin về rượu, bia.
"Gần 100% quảng cáo chưa thể hiện rõ nội dung cảnh báo tác hại của rượu, bia gồm: “uống rượu bia có thể gây tai nạn giao thông”, “uống rượu, bia gây ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi”, “người dưới 18 tuổi không được uống rượu, bia”. Thay vì quảng cáo trên các phương tiện truyền thống như trước thì rượu, bia đang được quảng cáo trên mạng xã hội rất nhiều" – bà Trang nói.
|
ThS. Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế (Ảnh: Minh Thúy)
|
Vì thế, bà Trang đề nghị các đơn vị cần nêu rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia để từng địa phương triển khai có hiệu quả. Các cơ quan, tổ chức phải có trách nhiệm tổ chức thông tin, truyền thông về phòng, chống tác hại rượu, bia.
Chi trả bảo hiểm gặp khó vì đo nồng độ cồn
Đại tá Nguyễn Quang Nhật – Trưởng phòng Tuyên truyền và Điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an – cho hay: Trong quá trình làm nhiệm vụ, cảnh sát giao thông đã phải đương đầu với nhiều khó khăn, đặc biệt là tình trạng người dân sử dụng rượu, bia có xu hướng gia tăng khi các nhà hàng, quán bia,… được mở cửa trở lại.
|
Đại tá Nguyễn Quang Nhật – Trưởng phòng Tuyên truyền và Điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an (Ảnh: Minh Thúy)
|
Sau gần 9 tháng thực hiện Luật phòng, chống tác hại rượu bia cùng Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, ông Nhật khẳng định: Luật và Nghị định đóng vai trò vô cùng quan trọng để lực lượng bảo đảm trật tự an toàn giao thông vận dụng và thực hiện. Qua ghi nhận thực tế, khi tai nạn giao thông xảy ra, nhiều người không hợp tác, không thổi nồng độ cồn.
Theo ông Nhật, đến nay đã xuất hiện trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông gặp tai nạn giao thông không có nồng độ cồn trong máu khi được đo nhưng đến khi vào bệnh viện thì lại phát hiện có nồng độ cồn. Ngoài ra, một số bệnh viện chưa xét nghiệm được nồng độ cồn trong máu (ở khu vực Tây Bắc, Yên Bái) dẫn đến việc chi trả bảo hiểm gặp khó khăn.
Vì thế, ông Nhật kiến nghị Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện thực hiện có hiệu quả việc xét nghiệm nồng độ cồn trong máu đối với người tham gia giao thông, để giải quyết vướng mắc về vấn đề bảo hiểm.