Rúng động bê bối hối lộ để phê duyệt vaccine của Sinovac

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc

VietTimes –  Hãng chế tạo vaccine COVID-19 của Trung Quốc, Sinovac Biotech, rất giỏi đưa các sản phẩm ra thị trường. Họ là công ty đầu tiên thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa SARS năm 2003 và cũng là hãng đi đầu trong vaccine cúm lợn năm 2009.

Sinovac đã hối lộ cho các quan chức để đẩy nhanh quá trình phê duyệt vaccine của họ suốt nhiều năm qua (Ảnh: Washington Post)
Sinovac đã hối lộ cho các quan chức để đẩy nhanh quá trình phê duyệt vaccine của họ suốt nhiều năm qua (Ảnh: Washington Post)

Và gần đây người ta phát hiện ra rằng Giám đốc điều hành của Sinovac Biotech đã hối lộ các nhà quản lý dược phẩm Trung Quốc để phê duyệt các loại vaccine của họ; theo các ghi chép tại tòa án.

Sinovac hiện đang tìm cách cung cấp vaccine ngừa COVID-19 của họ tới các nước đang phát triển, từ Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ cho tới Indonesia. Trong khi sự thiếu minh bạch từ lâu đã tràn ngập ngành dược phẩm ở Trung Quốc, thì việc một hãng dược duy nhất dính tới vụ việc tương tự lại hiếm khi thu hút được sự quan tâm của dư luận toàn thế giới đến như vậy.

Sinovac là một trong số hai hãng dược Trung Quốc đang đi đầu trong phát triển vaccine ngừa COVID-19, và vaccine của họ đã bước vào giai đoạn thử nghiệm cuối cùng, giống với các hãng nổi tiếng khác như Moderna và Pfizer-BioNTech. Ở trong nước, vaccine của Sinovac xếp thứ hai, bởi vaccine của hãng dược nhà nước Sinopharm được sử dụng rộng rãi hơn nhờ một chương trình sử dụng khẩn cấp. Một chủng vaccine khác, được phát triển bởi CanSino và một viện nghiên cứu quân đội, cũng được quân đội Trung Quốc cho phép sử dụng khẩn cấp.

Vaccine của Sinovac, có tên Coronavac, có thể được phân phối tới nhiều thị trường đang phát triển. Giới chức Brazil và Indonesia – hai quốc gia đông dân nhất ở khu vực Mỹ Latin và Đông Nam Á – nói rằng Coronavac có thể được phê duyệt trong những tuần tới. Ở Brazil, Thị trưởng Sao Paulo Joao Doria đã mô tả Coronavac là chủng vaccine an toàn nhất mà nước này từng thử nghiệm.

Sinovac đến nay vẫn chưa đưa ra dữ liệu về tính hiệu quả của vaccine, điều này khiến người ta không rõ liệu vaccine của họ có bảo vệ được người dùng như các chủng vaccine của Moderna hay Pfizer – với tính hiệu quả lên tới trên 90% - hay không.

Thêm nữa, Sinovac vốn đã biết về vụ hối lộ có liên quan tới Giám đốc điều hành (CEO) của họ, nói rằng ông đã hợp tác với các công tố viên và không bị buộc tội. Vị CEO này nói trong một phiên điều trần rằng ông không thể từ chối khi một quan chức quản lý yêu cầu ông chi tiền hối lộ.

Sinovac không dính líu tới các vụ bê bối về an toàn dược phẩm, cũng không có bằng chứng cho thấy các chủng vaccine của họ được phê duyệt nhờ tiền hối lộ có vấn đề gì. Nhưng một số chuyên gia y tế nói rằng việc xem xét kỹ lưỡng các tuyên bố về sản phẩm của họ là cần thiết.

“Việc một công ty có lịch sử hối lộ đã làm dấy lên sự ngờ vực về những tuyên bố chưa công khai, không có đủ dữ liệu thẩm định của họ về vaccine”

“The fact that the company has a history of bribery casts a long shadow of doubt over its unpublished, non-peer-reviewed data claims about its vaccine” – Arthur Caplan, Giám đốc đạo đức y tế thuộc Trung tâm Y tế Lagone ĐH New York, nói – “Ngay cả trong bối cảnh dịch bệnh, một công ty có lịch sử mơ hồ về đạo đức cần phải phaixem xét một cách thận trọng, nhất là về các tuyên bố của họ”.

Nhân viên điều chết vaccine COVID-19 tại một cơ sở sản xuất của Sinovac ở Bắc Kinh (Ảnh: AFP)
Nhân viên điều chết vaccine COVID-19 tại một cơ sở sản xuất của Sinovac ở Bắc Kinh (Ảnh: AFP)

Mặc dù tiền sử hối lộ của Sinovac làm dấy lên quan ngại trong giới đầu tư, chỉ những tháng gần đây sự việc này mới được thế giới quan tâm. Chính phủ nhiều nước giờ đang xem xét những rủi ro của các chủng vaccine mới đến từ các công ty như Sinovac.

Một bản nghiên cứu cùng những lời khai trước tòa mà tờ The Washington Post đăng tải mới đây cho thấy, sự trỗi dậy mạnh mẽ của Sinovac trong ngành công nghiệp vaccine ở Trung Quốc là nhờ vào các dự án được ưu tiên của chính phủ và “tiền lại quả” dành cho các quan chức đã giúp họ phê duyệt vaccine hay có được các thương vụ.

Trong phiên tòa năm 2016, nhà sáng lập kiêm CEO của Sinovac, Yin Weidong, đã thừa nhận chi hơn 83.000 USD tiền hối lộ trong khoảng 2002 – 2011 cho một quan chức quản lý phê duyệt vaccine, Yin Hongzhang, và vợ của ông này. Yin Hongzhang cũng thú nhận cấp chứng nhận cho vaccine của Sinovac sau khi nhận tiền.

Đó cũng là khoảng thời gian phát triển đột phá của Sinovac, khi mà công ty công nghệ sinh học mới thành lập năm 2001 này được giới chức Bắc Kinh giao cho nhiệm vụ tiên phong trong phát triển các chủng vaccine ngừa SARS, cúm gia cầm và cúm lợn.

Yin Hongzhang, người có cùng họ với CEO của Sinovac nhưng không có quan hệ họ hàng, đã bị kết án vào năm 2017 vì nhận tiền hối lộ từ Sinovac và 7 công ty khác. CEO của Sinovac, ông Yin Wendong, giờ 56 tuổi, không bị buộc tội và tiếp tục quản lý công ty.

Đối với Sinovac, vụ việc năm đó không chỉ dính líu tới một vài ngườ: Ít nhất 20 quan chức chính phủ và quan chức quản lý bệnh viện ở khắp 5 tỉnh thừa nhận trước tòa rằng họ đã nhận tiền hối lộ của Sinovac trong giai đoạn 2008 – 2016.

“Bóng tối trải dài”

Thùng lạnh chứa vaccine COVID-19 của Sinovac tại sân bay Sao Paulo, Brazil ngày 19/11 (Ảnh: Bloomberg News)

Thùng lạnh chứa vaccine COVID-19 của Sinovac tại sân bay Sao Paulo, Brazil ngày 19/11 (Ảnh: Bloomberg News)

Năm 2017, Sinovac nói rằng họ đã mở một cuộc điều tra nội bộ sau khi các vụ hối lộ xảy ra. Đến nay họ vẫn chưa công bố kết quả điều tra.

Trong báo cáo thường niên gần đây nhất, công bố vào tháng 4/2020, Sinovac nói rằng ông Yin Wendong “không bị cáo buộc tội danh hay có hành động sai trái nào, và ông hợp tác với tư cách nhân chứng trong quá trình điều tra. Theo hiểu biết của chúng tôi, chính quyền các cấp Trung Quốc không có quy trình pháp lý hay tố tụng nào nhằm vào ông Yin”.

Bản báo cáo này nói rằng Sinovac vẫn duy trì các chính sách chống tham nhũng cực kỳ khắt khe, nhưng thừa nhận rằng các chính sách này “chưa hoàn toàn hữu hiệu”.

Nạn tham nhũng trong ngành công nghiệp dược phẩm ở Trung Quốc vốn đã tồn tại như một thứ bệnh dịch. Dali Yang, chuyên gia nghiên cứu khoa học chính trị thuộc ĐH Chicago, nói rằng sự chuyển dịch từ phê duyệt phi tập trung (những năm 1990) sang phê duyệt tập trung (những năm 2000) đã tạo cơ hội cho nạn tham nhũng.

Nhưng tệ nạn này không còn hoành hành như trước đây, đặc biệt là sau khi nhiều vụ bê bối liên quan tới an toàn dược phẩm bị phanh phui. Năm 2007, Trung Quốc đã tuyên án tử hình Zheng Xiaoyu, cựu lãnh đạo Cơ quan An toàn Thực phẩm và Dược phẩm nhà nước, như một lời cảnh tỉnh tới toàn ngành dược. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng khởi động thêm một chiến dịch chống tham nhũng khác vào năm 2012.

Nhưng bê bối trong ngành điều chế vaccine vẫn xảy ra trong những năm gần đây. Năm 2018, đối thủ lớn của Sinovac, Sinopharm, đã phải thu hồi 400.000 mũi vaccine bạch hầu, uốn ván và ho gà vì lý do chất lượng kém.

Tại tòa án ở Bắc Kinh năm 2016, Yin Hongzhang, cựu Phó Giám đốc Trung tâm thử nghiệm thuốc thuộc Cơ quan An toàn Thực phẩm và Dược phẩm, khai nhận rằng Yin Wendon (Sinovac) đã đưa ông khoản hối lộ bằng tiền mặt trong suốt hơn 9 năm liền để ông phê duyệt các chủng vaccine ngừa viêm gan A, SARS, cúm gia cầm, bệnh chân tay miệng và cúm A của công ty này.

Đổi lại, ông Yin Hongzhang giúp “đẩy nhanh tiến trình phê duyệt” các chủng vaccine của Sinovac.

CEO của Sinovac nói trong phiên tòa rằng ông “không thể khước từ” đề nghị chi tiền của một quan chức quản lý.

Trước đây Trung Quốc chỉ công khai danh tính của bên nhận tiền hối lộ, nhưng điều này đã thay đổi vào năm 2014, sau khi có một vụ việc liên quan tới hãng GlaxoSmithKline (GSK). GSK đã bị phạt 490 triệu USD vì hối lộ các bác sĩ và quan chức nhằm tăng doanh số bán hàng, và một vị quan chức hàng đầu của hãng này ở Trung Quốc bị tuyên treo.

Các cuộc thử nghiệm chớp nhoáng

Yin Wendong, CEO của Sinovac, giới thiệu vaccine COVID-19 của công ty vào ngày 24/9/2020 tại Bắc Kinh (Ảnh: Getty)

Yin Wendong, CEO của Sinovac, giới thiệu vaccine COVID-19 của công ty vào ngày 24/9/2020 tại Bắc Kinh (Ảnh: Getty)

Trong cuộc phỏng vấn với tờ China Youth Daily năm 2012, Yin Wendong cho hay, ông quyết định thi vào trường đại học sau khi tham gia một chương trình hướng nghiệp ngành dịch tễ học. Vài năm sau, ở tuổi 21, ông được tuyên dương là người đầu tiên ở Trung Quốc cô lập được virus viêm gan A. Ông bỏ ra một thập kỷ rưỡi sau đó phát triển và thử nghiệm vaccine viêm gan A, và sau đó thành lập Sinovac ở Bắc Kinh vào năm 2001.

Bước đột phá của ông xuất hiện vào tháng 4/2003: Khi dịch SARS lây lan, Yin Wendon gọi điện cho các quan chức thành phố và tự nguyện hỗ trợ phát triển một chủng vaccine. Vài ngày sau, Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc chỉ định ông làm người đứng đầu một dự án quốc gia nhằm phát triển một chủng vaccine ngừa SARS, trao cho ông nguồn vốn đầu tư nhà nước và một đội ngũ nghiên cứu dưới quyền.

Mặc dù dự án này thất bại ban đầu, nhưng nó lại cho đội ngũ của Sinovac kinh nghiệm thực tế trong phát triển chủng vaccine ngừa virus corona.

Khi dịch SARS bùng phát, Yin Wendong vốn đã bỏ tiền hối lộ quan chức Yin Hongzhang trong suốt 1 năm.

Trong lời khai tại tòa, Yin Hongzhang nói rằng ông đã nói với Yin Wendong vào năm 2002 rằng ông muốn mua một chiếc xe hơi, và nhận được khoản tiền 15.200 USD từ vị CEO này. Cùng năm đó, sản phẩm đáng chú ý đầu tiên của Sinovac, vaccine ngừa viêm gan A có tên Healive, được phê duyệt bán ra thị trường.

Năm 2016, Yin Wendong tăng Yin Hongzhang và vợ của ông khoản tiền mặt 7.600 USD, nói rằng đó là tiền ông tặng để trang bị cho căn hộ mới của họ. Yin Wendong khai trước tòa rằng khi ông được mời tới căn hộ đó vài tháng sau, ông đã tặng cặp đôi này thêm 15.200 USD tiền mặt.

Trong khoảng thời gian đó, Sinovac được cấp phép bán ra thị trường các chủng vaccine cúm gia cầm, cúm lợn và cúm ở Trung Quốc. Vaccine cúm lợn của Sinovac được phê duyệt bán ở Trung Quốc chỉ nửa năm sau khi virus này được phát hiện ở Mexico.

Năm 2011, Yin Hongzhang đề nghị Yin Wendong cho ông vay 45.600 USD để mua một khu biệt thự ở vùng ngoại ô phía Bắc thủ đô Bắc Kinh; theo lời khai tại tòa. Yin Wendong khai rằng ông đã giàn xếp chuyển tiền hối lộ qua một người trung gian vì sợ vụ việc bị bại lộ nếu trao trực tiếp.

Vợ của Yin Hongzhang – chỉ được nêu tên là Guo – khai rằng bà và chồng bà đã nhận số tiền trên tại một hành lang trong một khách sạn, và chưa bao giờ có ý định trả lại “khoản vay” này.

Nhân viên điều chế vaccine COVID-19 trong một cơ sở sản xuất của Sinovac (Ảnh: Getty)

Nhân viên điều chế vaccine COVID-19 trong một cơ sở sản xuất của Sinovac (Ảnh: Getty)

Sau vụ bê bối hối lộ

Ở các cấp thấp hơn, ít nhất 20 quan chức và nhân viên bệnh viện thừa nhận trước tòa rằng họ đã nhận tiền hối lộ từ Sinovac trong khoảng 2015 – 2018.

“Trong ngành công nghiệp vaccine, chúng tôi thường đưa tiền hoa hồng cho người chịu trách nhiệm quản lý để thúc đẩy họ phê duyệt vaccine của chúng tôi” – một nhân viên kinh doanh của Sinovac có tên Yang, thừa nhận.

Yang thú nhận đã đưa tiền “lại quả” 2.441 USD cho nhân viên một bệnh viện, sau khi bệnh viện này đặt mua 5.351 liệu vaccine ngừa viêm gan A của Sinovac trong khoảng 2011 – 2015.

Caplan, giáo sư chuyên về đạo đức y tế, nói rằng lịch sử hối lộ của Sinovac sẽ xua đuổi một số khách hàng tiềm năng của công ty này. Tuy nhiên, một số quốc gia có thể vẫn sử dụng vaccine của Sinovac, bởi nó có thể lưu trữ ở nhiệt độ gần với nhiệt độ phòng hơn, so với vaccine COVID-19 của Moderna và Pfizer-BioNTech.