Rủi ro mua lại suất nhà ở xã hội

Nhiều người không đủ điều kiện mua nhà ở xã hội đang tìm cách mua lại các suất nhà ở xã hội của những người khác. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro về mặt pháp lý, và không chừng cả người bán và người mua sẽ gặp rắc rối.
Khách hàng tham quan một căn hộ nhà ở xã hội tại TP HCM.
Khách hàng tham quan một căn hộ nhà ở xã hội tại TP HCM.

Âm thầm giao dịch

Từ một mẩu rao vặt trên mạng, anh Ng., một kỹ sư cơ khí ở quận Tân Phú, TP HCM, đã liên lạc với một người môi giới để tìm hiểu về một căn hộ của một dự án nhà ở xã hội nằm trên đường Lạc Long Quân, quận Tân Bình.

Theo lời người môi giới thì chủ nhân căn hộ này mua nhưng không có nhu cầu ở nên muốn tìm người bán lại. Căn hộ có diện tích khoảng 60 m², có giá bán khoảng 1,2 tỉ đồng và người mua được vay gói 30.000 tỉ đồng.

Người môi giới nói trên cho biết việc mua bán chỉ được thực hiện bằng giấy tay, sau đó chủ nhà sẽ làm giấy ủy quyền cho người mua được toàn quyền sử dụng căn hộ. Sở dĩ hai bên bán-mua phải theo quy trình này là vì căn hộ trên là suất nhà ở xã hội nên không được chuyển nhượng khi thời gian người chủ mua căn hộ chưa tới một năm.

Thấy anh Ng. băn khoăn, nhân viên môi giới này trấn an, rằng “cứ yên tâm, có gì chủ nhà sẽ làm cả di chúc để lại căn hộ cho anh”. Theo tìm hiểu của SGTT, dự án có khoảng 500 căn hộ, trong số đó có khoảng 100 căn là nhà ở xã hội. Số căn hộ này đã được bàn giao cho khách hàng từ đầu năm.

Còn tại quận 6, người viết gặp ông L., một người đang rao bán một căn hộ của một dự án nhà ở xã hội nằm trên địa bàn quận này. Ông L. là người lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước nên có được một suất mua nhà ở xã hội. Với lý do muốn chuyển nơi ở, vợ chồng ông bán căn hộ này cho người khác để lấy tiền mua nhà mới.

Ông L. cho biết giá cả có thể thỏa thuận, thậm chí ông có thể bán ở mức hòa vốn dù hiện trạng của ngôi nhà còn khá mới do mới sử dụng được hơn một năm nay. Tương tự như trường hợp trên, phương thức làm hợp đồng mua bán mà ông L. đưa ra vẫn là giấy tay. “Ai mua cứ dọn vào ở. Sau này tới hạn tôi sẽ làm giấy bán chính thức để sang tên” - ông L. cho hay.

Theo tìm hiểu, sở dĩ nhiều người tìm mua nhà ở xã hội vì giá bán của căn hộ này thường rẻ hơn vài triệu đồng trên mỗi mét vuông so với một dự án căn hộ thương mại trên cùng địa bàn. Thậm chí, có người còn cho rằng nhà ở xã hội sở hữu nhà nước mang đến sự an tâm hơn so với nhà ở thương mại bên ngoài.

Rủi ro tiềm ẩn

Luật sư Hoàng Văn Sơn, Đoàn Luật sư TP HCM, cho biết theo quy định của Luật Nhà ở 2014, thời hạn của hợp đồng thuê nhà ở xã hội tối thiểu là năm năm và thời hạn thanh toán tiền thuê mua nhà ở xã hội tối thiểu là năm năm, kể từ ngày ký hợp đồng thuê mua nhà ở. Đồng thời, luật cũng quy định rõ bên thuê, thuê mua nhà ở xã hội không được bán, cho thuê lại, cho mượn nhà ở trong thời gian thuê, thuê mua. Nếu bên thuê, thuê mua không còn nhu cầu thuê, thuê mua nhà ở thì chấm dứt hợp đồng và phải trả lại nhà ở này.

Luật Nhà ở 2014 cho phép người mua, thuê mua nhà ở xã hội được bán lại nhà ở này theo cơ chế thị trường cho các đối tượng có nhu cầu sau thời hạn năm năm, kể từ khi đã thanh toán hết tiền mua, tiền thuê mua nhà ở này, đồng thời đã được cấp giấy chứng nhận. Nhà ở này khi bán phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định của Chính phủ và nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật thuế.

Do vậy, việc mua bán nhà ở xã hội trong thời hạn dưới năm năm này là trái pháp luật. Cả người mua lẫn người bán sẽ chịu nhiều rủi ro. Cụ thể, khi bị phát hiện sai phạm, nhiều khả năng người được hưởng suất nhà ở xã hội trên sẽ bị thu hồi lại nhà.

“Chưa kể, việc mua bán chỉ được thực hiện qua giấy tay và giấy ủy quyền, trong khi giấy chứng nhận vẫn mang tên người bán. Khi có tranh chấp, mâu thuẫn nào xảy ra với căn hộ đó, người mua không được pháp luật công nhận, nên số tiền người mua đưa cho người bán có nguy cơ mất trắng” - ông Sơn cảnh báo.

Một cán bộ ở Sở Xây dựng TP HCM khuyên những người có nhu cầu nên tìm hiểu kỹ các dự án nhà ở xã hội trước khi mua. Cách tốt nhất là đến phòng quản lý đô thị tại các quận, huyện có dự án hoặc đến Sở Xây dựng thành phố để biết được căn hộ đó có đủ điều kiện để bán lại hay chưa và bản thân khách hàng có thuộc nhóm đối tượng được mua hay không.

Doanh nghiệp không mặn mà làm nhà ở xã hội

Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa có báo cáo sơ lược tình hình và kết quả thực hiện chương trình phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn TP HCM. Theo đó, chương trình phát triển nhà ở xã hội chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp phát triển bất động sản.

Một trong những lý do đó là thiếu tính hấp dẫn, cơ chế chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội còn rườm rà. Hơn nữa, lợi nhuận định mức cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được tính khoảng 10%, trong khi lợi nhuận của doanh nghiệp thực tế thấp hơn, thậm chí có trường hợp bị lỗ.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho biết thời gian vừa qua, một số dự án nhà ở thương mại chuyển thành dự án nhà ở xã hội do thị trường bất động sản bị đóng băng, doanh nghiệp xin chuyển đổi để xử lý hàng tồn kho, nợ xấu và để cắt lỗ. Nhưng nay thị trường bất động sản đang phục hồi nên sẽ khó tiếp tục thu hút doanh nghiệp chuyển dự án nhà ở thương mại sang dự án nhà ở xã hội.

Theo NLĐ