Cụ thể, theo HoREA nhận định: “Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp làm các dự án nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ, có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Nếu có cơ chế, chính sách hỗ trợ về tiền sử dụng đất, tín dụng, thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp... thì còn có thể giảm giá bán loại nhà này cho người thu nhập thấp đô thị, và có thể xem đây là loại hình nhà ở xã hội theo phương thức hợp tác công - tư hiệu quả nhất”, .
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có báo cáo sơ lược tình hình và kết quả thực hiện chương trình phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố. Trong đó, đáng chú ý HoREA đã đề xuất cơ chế chính sách để xã hội hóa, thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia chương trình phát triển nhà ở xã hội.
Cụ thể, hiệp hội đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định 188/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 về phát triển nhà ở xã hội để thực hiện Luật Nhà ở 2014; đặc biệt, cần xác định nguồn vốn tín dụng dài hạn, ổn định (cách tạo lập nguồn vốn tín dụng này cũng nên tương tự gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng hiện nay) để thực hiện chương trình phát triển nhà ở xã hội; và cần có cơ quan điều phối cấp quốc gia như mô hình "Tổng cục phát triển nhà ở xã hội" để quản lý và thực hiện hiệu quả chương trình này.
Do nguồn ngân sách có hạn, đề nghị ngân sách nhà nước chỉ nên tập trung đầu tư cho 02 chương trình nhà ở xã hội cụ thể là chương trình nhà ở xã hội cho thuê; và chương trình nhà ở xã hội thuê mua (bán trả góp dài hạn). Đối với loại nhà ở xã hội xây xong rồi bán thu tiền ngay thì nên hoàn thiện cơ chế chính sách riêng để mời gọi các doanh nghiệp, các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia theo phương thức xã hội hóa.
“Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp làm các dự án nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ, có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Nếu có cơ chế, chính sách hỗ trợ về tiền sử dụng đất, tín dụng, thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp... thì còn có thể giảm giá bán loại nhà này cho người thu nhập thấp đô thị, và có thể xem đây là loại hình nhà ở xã hội theo phương thức hợp tác công - tư hiệu quả nhất”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết.
Phía hiệp hội cũng đề nghị gia hạn thời hạn giải ngân gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng lên ít nhất 60 tháng (05 năm), đến hết ngày 31/05/2018, thay vì 31/05/2016.
Đề nghị lãi suất cho vay gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng là 4% - 4,5% áp dụng cho năm 2016 đối với nhà ở thương mại có giá bán dưới 1,05 tỷ đồng; đối với nhà ở xã hội thì đề nghị mức lãi suất là 3 - 3,5% để phù hợp với thu nhập phổ biến của các đối tượng và thực tế tình hình kiểm soát lạm phát của Nhà nước (Đây cũng là mức lãi suất phổ biến ở nhiều nước).
Theo quy định hiện nay, thời hạn cho vay của gói tín dụng ưu đãi là 15 năm áp dụng cho cả nhà ở thương mại và nhà ở xã hội. Hiệp hội kiến nghị đối với nhà ở xã hội thì thời hạn cho vay là 20 năm thì hợp lý và phù hợp khả năng tài chính của người mua nhà và thông lệ quốc tế (các nước cho vay mua nhà ở xã hội thông thường từ 20 đến 30 năm).
HoREA đề nghị ân hạn 3 năm đầu người tiêu dùng chưa phải trả lãi vay và nợ gốc; bổ sung đối tượng gồm các cặp vợ chồng mới kết hôn; người mới mua căn nhà đầu tiên; người lao động ngoại tỉnh chưa có hộ khẩu thường trú cũng được vay gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng.
Hiệp hội cho rằng đối tượng mua nhà ở xã hội vẫn phải chứng minh thu nhập theo quy định tại Nghị định 188/2013/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển nhà ở xã hội là chưa hợp lý. Hiệp hội đề nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng, NHNN cho phép đối tượng mua nhà ở xã hội cũng không phải chứng minh thu nhập vì trên thực tế khi mua nhà ở xã hội thì người mua đã dùng chính căn hộ này để thế chấp cho hợp đồng mua căn nhà này, và dự án nhà ở xã hội hình thành trong tương lai khi chủ đầu tư bán cho người tiêu dùng vẫn phải thực hiện bảo lãnh ngân hàng theo điều 56 Luật Kinh doanh bất động sản.
Về quy hoạch phát triển nhà ở xã hội tại TP.HCM, hiện nay, thành phố đã phủ kín quy hoạch phân khu chi tiết 1/2000, cần xác định phát triển nhà ở xã hội phải theo dự án. Thành phố cần quy hoạch phát triển các cụm dân cư nhà ở xã hội, nhà ở bình dân dành cho người có thu nhập thấp và đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội trên địa bàn từng quận, huyện hoặc theo khu vực có tính liên quận, ở tất cả các hướng của thành phố, có đầy đủ tiện ích (bệnh viên, trường học, thương mại, dịch vụ, vui chơi giải trí), có cự ly đến chỗ làm việc hợp lý, giao thông thuận tiện.
Về trách nhiệm của chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại phải dành 20% quỹ đất kinh doanh của dự án để tham gia chương trình phát triển nhà ở xã hội.
Đây là nguồn lực rất lớn để phát triển nhà ở xã hội, cần được sử dụng hiệu quả. Hiệp hội đề nghị cho phép doanh nghiệp được thực hiện một trong ba phương thức để thực hiện nghĩa vụ này gồm: xây dựng nhà ở xã hội tại dự án; hoán đổi quỹ đất hoặc quỹ nhà ở xã hội có giá trị tương đương tại vị trí khác; hoặc thanh toán bằng tiền, tùy theo điều kiện của từng dự án cụ thể do Ủy ban Nhân dân thành phố xem xét quyết định.
Theo Bĩlive