Lời tiết lộ về việc ông Trump đưa ra đề nghị như trên trong một cuộc họp căng thẳng tại Phòng Bầu dục hôm đầu tuần này cho thấy Tổng thống Mỹ rất nghiêm túc khi dọa sẽ triển khai binh sĩ đang làm nhiệm vụ để dập tắt làn sóng biểu tình, bất chấp sự phản đối của các lãnh đạo Lầu Năm Góc.
Trong cuộc họp đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley và Tổng chưởng lý William Barr đã phản đối việc triển khai binh sĩ, theo quan chức giấu tên mà Reuters dẫn nguồn. Theo vị quan chức, cuộc họp này rất "căng thẳng".
Nhà Trắng hiện chưa đưa ra bình luận nào liên quan tới sự việc này.
Kể từ sau cuộc họp đó, Tổng thống Trump dường như tạm hài lòng với việc triển khai binh sĩ thuộc lực lượng Vệ binh Quốc gia, một lựa chọn được Lầu Năm Góc ủng hộ và là một công cụ trueyenf thống hơn khi đối phó với các cuộc khủng hoảng trong nước. Giới lãnh đạo Lầu Năm Góc đã nhanh chóng kêu gọi các Thống đốc bang đề nghị triển khai Vệ binh Quóc gia tới Washington. Các lực lượng hành pháp liên bang cũng được triển khai.
Tuy nhiên, ông Trump vẫn đặt các binh sĩ thuộc Sư đoàn Dù 82 trong tư thế sẵn sàng, bất kỳ lúc nào cũng có thể được triển khai tới Washington D. C. nếu cần. Những binh sĩ này sau đó được lệnh giải tán, không tham gia vào việc trấn áp biểu tình. "Việc đặt lực lượng binh sĩ này vào tư thế sẵn sàng là chưa đủ đối với Tổng thống vào thời điểm đó" - vị quan chức giấu tên cho hay.
Kế hoạch quân sự hóa cách phản ứng trước làn sóng biểu tình của ông Trump đã vấp phải nhiều lời chỉ trích từ các cựu quan chức quân đội, trong đó có cựu Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis và các vị tướng 4 sao nghỉ hưu.
Những bình luận của giới cựu quan chức Mỹ đã phản ánh sự không đồng tình cả ở bên trong lẫn bên ngoài Lầu Năm Góc về ý định triển khai binh sĩ của Tổng thống Trump nhằm giải quyết một cuộc khủng hoảng trong nước có liên quan tới vấn đề sắc tộc. Làn sóng biểu tình ở Mỹ dấy lên sau khi George Floyd, 46 tuổi, tử vong ngày 25/5 do bị một sĩ quan cảnh sát da trắng dùng đầu gối ghì cổ suốt gần 9 phút.
Cái chết của Floyd đã dẫn tới làn sóng biểu tình rộng khắp, trong đó người biểu tình đòi công lý cho Floyd, yêu cầu ngừng đối xử bạo lực đối với người dân Mỹ gốc Phi và nhóm người thiểu số khác.
Bộ trưởng Esper có thể bị sa thải?
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper công khai thể hiện quan điểm phản đối kế hoạch điều binh của ông Trump (Ảnh: CNN)
|
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã thể hiện rõ lập trường phản đối của ông trước việc kích hoạt Đạo luật Chống nổi dậy để triển khai binh sĩ trong quân đội ngăn chặn biểu tình. Quan điểm của ông Esper khiến ông rơi vào thế đối đầu với Tổng thống Trump cùng các cố vấn hàng đầu của ông.
Theo lời quan chức cấp cao mà Reuters dẫn nguồn, Tổng thống Trump đã quát ông Esper trong cuộc họp báo đó, làm dấy lên nhiều lời đồn thổi rằng ông Trump có khả năng sẽ sa thải ông Esper trong thời gian tới. Tuy nhiên, phát ngôn viên Nhà Trắng Kayleigh McEnany nói rằng ông Trump "vẫn rất tin tưởng vào Bộ trưởng Esper".
"Bộ trưởng Esper luôn là người giữ vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh trên các tuyến phố khắp đất nước chúng ta và đảm bảo người dân Mỹ có được hòa bình, niềm tin vào an ninh ở những nơi có hoạt động kinh doanh, những nơi thờ cúng và ở nhà của họ" - bà McEnany nói trong một tuyên bố.
Trong tuần này, Bộ trưởng Esper đã đưa ra một biên bản ghi nhớ để nhắc nhân viên trong Bộ Quốc phòng rằng: "Chúng tôi cam kết bảo vệ quyền tự do ngôn luận và tuần hành hòa bình của người dân Mỹ".
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley cũng đưa ra một tuyên bố tương tự, nhắc nhở các binh sĩ về lời tuyên thệ của họ trước Hiến pháp Mỹ, trong đó bảo vệ quyền được tuần hành hòa bình của người dân.