Giới bảo mật CNTT đang xôn xao với vụ việc WikiLeaks tiết lộ những tài liệu mật của CIA và những chương trình theo dõi bí mật có khả năng ăn cắp thông tin từ hàng loạt ứng dụng, thiết bị công nghệ phổ biến.
Tất nhiên, dữ liệu mà WikiLeaks công bố chưa đủ tính hệ thống, thuyết phục để đưa ra những kết luận về tính tin cậy, an toàn của các sản phẩm chống virus này, và những ý kiến sau đây của CIA cũng chưa hẳn là những bài đánh giá về các phần mềm diệt virus. Tuy nhiên, chúng cũng rất đáng để xem xét.
Comodo
CIA dường như “toàn chê” giải pháp chống virus của Comodo, hãng tự xưng là “dẫn đầu toàn cầu về giải pháp an ninh mạng”.
Một bài đăng của một hacker CIA được WikiLeaks đưa ra cho thấy Comodo là “một nỗi đau khổng lồ. Nó gần như xem mọi thứ là virus cho đến khi bạn dừng chạy chương trình”.
Đừng cập nhật lên Comodo 6. Phiên bản này “không bắt kịp được thời đại”, hacker cho biết và còn mô tả một lỗ hổng đặc biệt rõ rệt như “Gaping Hole of DOOM” nhưng Comodo không cập nhật.
Melih Abdulhayoglu, giám đốc điều hành của Comodo, cho rằng cái mà CIA gọi là “nỗi đau khổng lồ” chính là “một huy hiệu danh dự mà chúng tôi sẽ tự hào”, bởi Comodo dò ra hầu hết virus. Đồng thời, ông cho biết Comodo 6 được phát hành vào năm 2013 còn Comodo 10 mới được phát hành vào tháng 1/2017 gần đây.
Kaspersky
Đây là một trong những nhà cung cấp thế giới hàng đầu về bảo mật an ninh, nhưng nó cũng không thể đảm bảo an toàn cho bạn khỏi các hacker CIA.
Một lỗ hổng trong mã "đã cho phép chúng tôi vượt qua sự bảo vệ của Kaspersky”.
Người sáng lập Eugene Kaspersky đã bác bỏ bình luận trên, và nói trong một tin nhắn trên Twitter rằng lỗ hổng được CIA xác định đã được vá từ “cách đây nhiều năm”.
Một tuyên bố của Kaspersky cho biết lỗ hổng thứ hai mà CIA đã dò ra cũng đã được vá vào tháng 12/2015.
Avira
Một hacker CIA nói rằng sản phẩm diệt virus Avira của Đức "vượt qua cực dễ”. Trong khi đó, Avira nói ở một thông cáo rằng họ đã vá “một lỗ hổng nhỏ” (theo công ty miêu tả) trong vòng vài giờ sau khi WikiLeaks công bố tài liệu về hacker CIA. Avira còn nói thêm rằng không hề có bằng chứng cho thấy người dùng bị ảnh hưởng bởi lỗ hổng này.
AVG
CIA rõ ràng có mẹo đánh bại AVG một cách “rất ngọt ngào”. Tuy nhiên, Ondrej Vlcek, giám đốc công nghệ của công ty Avast ở Hà Lan, hãng sở hữu phần mềm diệt virus AVG, nói rằng “chúng tôi không xem điều này là quan trọng” và ông cho biết “mẹo” để qua mặt AVG kia đã “lâu rồi”.
“Thực tế, mẹo này không còn dùng được nữa với các sản phẩm AVG hiện nay”, ông nói.
F-Secure
Một hacker CIA tỏ ra rất phàn nàn về phần mềm bảo mật của hãng Phần Lan này. Đó là “một sản phẩm cấp thấp không gây khó khăn gì mấy cho chúng tôi”, một hacker nói.
F-Secure lưu ý rằng phần mềm của họ, cùng với Avira, là một sản phẩm “khiến những kẻ muốn xâm nhập phải khó chịu”. Họ cho biết ý kiến của CIA không đủ sức cảnh báo các công ty diệt virus về các lỗi và lỗ hổng trong sản phẩm của họ.
Bitdefender
Như trên đã nói, lời nhận xét của CIA không đủ để đảm bảo mọi thứ, song Bitdefender, một phần mềm diệt virus của Romania, có vẻ đã khiến các hacker CIA gặp nhiều khó khăn nhất.
Đại diện Marius Buterchi của Bitdefender nói rằng nhận xét trên có nghĩa là “chúng tôi đã dò ra các công cụ của CIA”.
Theo AP