Richard Liu là một trong những người giàu nhất Trung Quốc
Tuần này, tỉ phú Richard Liu - nhà sáng lập đồng thời là CEO của JD.com (JD) đã lên trang nhất các mặt báo ở mọi nơi trên thế giới sau khi bị bắt giữ ở Mỹ bởi cáo buộc có hành vi sai trái tình dục.
Tập đoàn JD khẳng định ông Liu, người sau đó đã trở về Trung Quốc, đã bị buộc tội sai. Nhưng không vì thế mà sự chú ý đổ dồn vào người đàn ông này có thể biến mất. Cái tên Richard Liu tiếp tục là chủ đề thịnh hành hàng đầu trên Weibo, nền tảng truyền thông xã hội giống với Twitter của Trung Quốc, nơi rất nhiều người dùng đang chia sẻ tấm ảnh chụp Liu tại cơ quan cảnh sát trong trang phục màu cam đặc trưng của phạm nhân Mỹ, cũng như bàn luận về tương lai tập đoàn 45 tỉ USD của ông ta.
Benjamin Cavender, một nhà phân tích thuộc Nhóm nghiên cứu thị trường Trung Quốc tại Bắc Kinh cho biết: "Những nhà sáng lập các tập đoàn lớn ở Trung Quốc giống như những siêu sao nổi tiếng. Người tiêu dùng nước này có nhiều khả năng để ý đến các vấn đề của Richard Liu hơn ở hầu hết các thị trường khác."
JD.com là trang mua bán trực tuyến lớn thứ hai Trung Quốc, chỉ đứng sau Alibaba của tỉ phú Jack Ma. Nhập cuộc sớm trong quá trình đi lên của thương mại điện tử ở Trung Quốc đã giúp cho Liu, ở tuổi 45, trở thành một trong những ông trùm công nghệ giàu có nhất Trung Quốc với giá trị tài sản ước tính hơn 7 tỉ USD.
Trong một nỗ lực nhằm làm nổi bật bản thân trên thị trường cạnh tranh, Liu nói ông muốn tập đoàn của mình bán các sản phẩm chính hãng và hoàn toàn kiểm soát việc giao hàng.
JD đã xây dựng một mạng lưới hậu cần rộng khắp, khai thác hàng trăm cửa hàng và kho hàng trên toàn đất nước. Sử dụng mọi thứ từ xe đạp đến máy bay không người lái, công ty tự hào rằng 90% hàng hóa mua trên JD.com được giao trong ngày hoặc ngày hôm sau.
Bán ô tô BMW và đồng hồ trên mạng
JD.com bán các sản phẩm từ thời trang cao cấp đến các mặt hàng tạp hóa tươi sống, nhắm mục tiêu đến những người mua sắm giàu có hơn của Trung Quốc. Các thương hiệu lớn như nhà bán lẻ Muji của Nhật Bản, nhà sản xuất đồng hồ sang trọng Chopard và nhà sản xuất ô tô BMW (BAMXF) đều sở hữu các cửa hàng hàng đầu trên trang web, với hơn 300 triệu người dùng hoạt động.
Cụm từ thương hiệu của tập đoàn - Authentic Products, Delivered Today (Sản phẩm chính hãng, giao hàng hôm nay) - đánh thẳng vào điểm yếu của Alibaba và các đối thủ khác, những hãng bán lẻ đã nhận được vô số lời phàn nàn về việc chưa thể loại bỏ hàng nhái ra khỏi nền tảng mua sắm của mình.
Cũng giống như Alibaba, JD.com đang cố gắng tiếp cận đối tượng khách hàng mới ở nước ngoài. Tập đoàn của Richard Liu đã chi tiêu rất mạnh để mở rộng hoạt động sang khu vực Đông Nam Á và châu Âu.
Các nhà đầu tư lớn của JD gồm có Tencent (TCEHY), một "gã khổng lồ" công nghệ khác ở Trung Quốc và nhà bán lẻ Walmart (WMT) của Mỹ. Google (GOOGL) cũng đã đầu tư 550 triệu USD vào tập đoàn này hồi tháng sáu.
Liu sở hữu khoảng 16% của JD nhưng kiểm soát tới 79,5% quyền biểu quyết, điều này có nghĩa là một vụ bê bối gắn với ông có thể có những tác động to lớn đối với tập đoàn.
Giấc mơ nhỏ bé
Richard Liu là một tỉ phú có sự khởi đầu rất khiêm tốn. Ông sinh ra tại Tú Thiên, một ngôi làng cách Thượng Hải khoảng 400 cây số về hướng tây bắc. Ông lớn lên khi Trung Quốc đang bắt đầu một chương trình cải cách kinh tế sâu rộng. Trong khi đất nước này trải qua sự tăng trưởng bùng nổ trong những thập kỷ sau này, quê hương và gia đình của Liu vẫn nghèo trong hầu hết những năm tháng tuổi trẻ của ông. Trong một bài phát biểu tại trường trung học thời thơ ấu của mình năm ngoái, Liu nói với trẻ em nơi đây rằng ông đã từng mơ được ăn thịt, bởi vì đã có lúc ông chỉ có thể ăn thịt lợn một hoặc hai lần một năm.
Khi bắt đầu theo học Đại học Renmin, một trường đại học hàng đầu ở Bắc Kinh, Liu nhớ lại việc cả làng đã chung tay giúp ông trước khi lên đường. Ông viết trong một bài blog: "Mọi người đã quyên góp tổng cộng 76 quả trứng và 500 yên để đưa tôi đến với cơ hội đổi đời."
Sau khi tốt nghiệp đại học, hầu hết các bạn cùng lớp của Liu muốn vào làm cho chính phủ hoặc đi du học. Liu không muốn trở thành một viên chức quan liêu và cũng không đủ tiền để đi ra nước ngoài. Ông cũng nhận thức sâu sắc về thực tế là gia đình ông lúc đó quá nghèo để đủ tiền mua thuốc cho bà của ông. Liu chia sẻ ở Diễn đàn Kinh tế Thế giới hồi tháng một vừa qua ở Davos: "Tôi cần phải kiếm tiền để chi trả chi phí chăm sóc y tế cho bà." Và thế là năm 1998, ông thành lập một doanh nghiệp kinh doanh phụ kiện máy tính ở Trung Quan Thôn, một trung tâm công nghệ ở tây bắc Bắc Kinh.
Dịch SARS bùng phát đẩy Liu đến với thị trường trực tuyến
Đến năm 2003, công việc kinh doanh của Liu đã phát triển mạnh khi ông sở hữu hàng chục cửa hàng. Cho đến khi dịch SARS tấn công Trung Quốc, khách hàng và nhân viên của ông đều không muốn ra ngoài trời, nơi mà họ có thể tiếp xúc với loại virus hô hấp gây chết người. Liu đóng các cửa hàng của mình và nói với các nhân viên ở nhà, trong khi ông tập hợp các quản lý lại để cùng tìm ra phương án xử lý hàng tồn trong kho.
"Rồi một ngày, một trong những quản lý của chúng tôi nói: "Tại sao chúng ta không bán sản phẩm trên mạng Internet? Như thế chúng ta sẽ không cần phải gặp trực tiếp khách hàng nữa và sẽ không có rủi ro gì nữa cho cả hai bên.", Liu nói tại một hội nghị bán lẻ diễn ra vào đầu năm nay.
Ngay trong năm tiếp theo, Liu thành lập tiền thân của JD.com, vào thời điểm thương mại điện tử mới bắt đầu "cất cánh" ở Trung Quốc khi càng ngày càng có nhiều người có khả năng tiếp cận với Internet.
Theo ICT News