Thị trường chứng khoán thế giới đã phục hồi hơn 90% kể từ đáy trong làn sóng Covid-19 đầu tiên, theo chỉ số MSCI World Equity theo dõi cổ phiếu tại 50 quốc gia. Tuy nhiên, đà tăng này đang ngày càng khó giữ.
Sự lây lan của biến chủng Delta và kế hoạch của Fed về siết chương trình mua tài sản khả năng cao sẽ khiến thị trường chứng khoán biến động trong những tháng tới.
“Xúc tác mùa lợi nhuận tích cực đã ở phía sau đồng nghĩa một số tín hiệu tiêu cực vĩ mô đang lan dần sang cổ phiếu”, Emmanuel Cau, giám đốc chiến lược cổ phiếu châu Âu tại Barclays, London, Anh, nói.
“Về trung hạn, tăng trưởng kinh tế/lợi nhuận bền bỉ cùng thanh khoản vượt mước dường như vẫn là động lực chính của thị trường, theo quan điểm của chúng tôi. Yếu tố này sẽ tiếp tục thúc đẩy tâm lý ‘bắt đáy’ dù nhà đầu tư lúc này có thể chọn quan sát thị trường, bởi vẫn chưa có đợt điều chỉnh đáng chú ý nào trong 12 tháng qua”.
Nhà giao dịch tại sàn chứng khoán New York ngày 28/7. Ảnh: Reuters. |
Tuần trước, chứng khoán thế giới ghi nhận mức giảm sâu nhất kể từ tháng 6 nhưng nhanh chóng phục hồi gần như toàn bộ.
Dù vậy, 2/3 số nhà phân tích tham gia khảo sát của Reuters – tức 66 trong số 107 người – nói thị trường chứng khoán thế giới có thể đối mặt một đợt điều chỉnh vào cuối năm. 41 người còn lại cho rằng kịch bản đó khó xảy ra.
“Tình hình cơ bản vẫn rất hỗ trợ ngay cả khi thị trường đã tăng mạnh. Tuy nhiên, động lực kinh tế mạnh nhất đang đạt đỉnh, sẽ dẫn đến một kịch bản bất ổn nào đó”, theo Tomas Hildebrandt, nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại Evli Bank, Helsinki, Phần Lan.
“Liệu đòn bẩy tăng trưởng có đủ giữ thị trường?”, ông đặt câu hỏi.
Kích thích không dài mãi
Hầu hết trong 17 chỉ số được khảo sát đều cho thấy thị trường sẽ giữ được mức tăng trưởng 2 con số đạt được năm nay, theo quan điểm trung bình của hơn 250 nhà phân tích cổ phiếu đưa ra giai đoạn 11 – 24/8.
Tuy nhiên, số phận bất ổn của đề xuất chi tiêu 3.500 tỷ USD tại Mỹ cùng nguy cơ lạm phát tăng khiến ngân hàng trung ương các nước phải thu hồi chính sách hỗ trợ có thể ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.
“Thị trường đang được thúc đẩy bởi lượng lớn kích thích từ chính phủ và lãi suất thấp. Nhưng điều đó không kéo dài mãi mãi”, Dan Morgan, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Synovus Trust, Atlanta, bang Georgia, nói.
15 chỉ số dự báo thị trường sẽ giữ ở mức hiện tại hoặc tăng chưa đến 4% vào cuối năm nay, bất chấp các nhà phân tích đều nâng kỳ vọng với gần như các thị trường chứng khoán so với khảo sát hồi tháng 5.
Tuy nhiên, giới phân tích tin lợi nhuận doanh nghiệp sẽ được giữ vững, nhờ đà phục hồi kinh tế toàn cầu.
Gần 90% nhà phân tích tham gia khảo sát – tức 97 trong 110 người trả lời câu hỏi bổ sung – nói lợi nhuận doanh nghiệp còn tăng trong 12 tháng tới. 7 người chọn “giữ nguyên” và người cho rằng “sẽ giảm”.
Nếu các dự báo từ giới phân tích thành hiện thực, chỉ có chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản, được cho là sẽ vượt trội trong năm nay, có thể tăng tiếp năm 2022.
Chỉ số S&P 500, vừa lập đỉnh lần thứ 51 năm nay trong phiên 25/8, được dự báo chốt năm ở quanh mức hiện tại và tăng 5% đến cuối năm 2022.
Trung bình các dự báo còn cho thấy đà tăng của thị trường chứng khoán mới nổi (EM) sẽ giảm dần vào đầu năm sau.
“Chúng tôi cho rằng lợi suất thấp là yếu tố chính đang hỗ trợ đà tăng vốn hóa thị trường cổ phiếu năm 2020, thúc đẩy giá cổ phiếu EM”, theo Thomas Mathews, kinh tế gia thị trường tại Capital Economics tại London, Anh.
“Chúng tôi không dự báo có mức tăng lớn đáng kể trong cổ phiếu EM trong vài năm tới, ngay cả khi các nền kinh tế đó phục hồi từ đại dịch”.
Theo NDH