REE nới room ngoại lên 49%

VietTimes -- Công ty Cổ phần Cơ Điện Lạnh (HSX: REE) vừa có thông báo số 31/CĐL.2016 ngày 29/0/2016, thông báo về việc đã được UBCKNN đồng ý cho nới room ngoại lên 49%.
REE nới room ngoại lên 49%

Thông báo đính kèm văn bản số 854/UBCK-QLCB do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) phát hành ngày 24 tháng 02 năm 2016.

Theo văn bản 854, UBCKNN đồng ý nới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu REE đang niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh từ 43,7% lên 49%.

“Đề nghị Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh REE phối hợp với Trung tâ Lưu ký Chứng khoán để thực hiện các thủ tục liên quan đến nới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài”, UBCKNN chỉ đạo.

Theo BCTC mới nhất được REE công bố, tính đến hết năm 2015, doanh nghiệp này đạt tổng doanh thu 2.643.4 tỷ đồng, nhích nhẹ so với năm 2014. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 888 tỷ đồng, giảm tới 19,2%. EPS cả năm đạt 3.171 đồng/cổ phiếu trong khi EPS năm 2014 là 4.004 đồng/cổ phiếu.

So sánh với mục tiêu doanh thu 2.777 tỷ đồng và lãi ròng 937 tỷ đồng mà Đại hội đồng cổ đông REE đã đề ra cho năm 2015 thì kết quả thực hiện của công ty chỉ lần lượt 95,2% kế hoạch doanh thu và 94,8% kế hoạch lợi nhuận.

Tại ngày 31/12/2015, tổng tài sản của REE đạt gần 9.609 tỷ đồng, tăng 14,35% so với hồi đầu năm.

Ngày 26/6/2015, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định 60/2015/NĐ-CP, trong đó có nội dung quan trọng liên quan đến sở hữu của NĐTNN. Cụ thể, cho phép nhà ĐTNN được đầu tư không hạn chế vào các doanh nghiệp đại chúng không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Bằng – Chủ tịch UBCKNN, mặc dù Nghị định 60 chính thức ra mắt vào giữa năm 2015, nhưng đến hết năm 2015, vẫn chưa có công ty nào thực sự mở room.

Chủ tịch UBCKNN chỉ ra 2 điểm khiến thông tư này chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng:

Thứ nhất, là danh mục đầu tư có điều kiện và Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối – vẫn chưa chính thức được ban hành.

Thứ hai, nếu nới room lên mức 51% trở lên, theo quy định hiện hành, doanh nghiệp sẽ được xác định là Doanh nghiệp nước ngoài, với những quy chế đối xử riêng biệt – có thể nảy sinh những bất lợi so với trước. Điều này gây sự lúng túng không nhỏ cho các doanh nghiệp dự kiến nới room.

N.G