“Rẻ” như chứng chỉ tiền gửi MBBank

Viettimes – Trong 3 tháng đầu năm 2020, MBBank hút ròng 5.085 tỷ đồng từ phát hành giấy tờ có giá, mà chủ yếu là chứng chỉ tiền gửi, tương ứng tăng 19,3% so với đầu năm. Động thái này diễn ra trong bối cảnh tiền gửi của khách hàng tại MBBank giảm 11,7%, xuống mức 240.737 tỷ đồng vào cuối tháng 3/2020.
Ảnh minh họa (Nguồn: MBBank)
Ảnh minh họa (Nguồn: MBBank)

Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank - Mã CK: MBB) vừa thông báo hoàn tất phát hành riêng lẻ 1.235 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi ghi danh trong tháng 4/2020 cho khách hàng tổ chức.

Số chứng chỉ này có kỳ hạn 1 đến 12 tháng, mệnh giá từ 5 tỷ đồng đến 16,5 tỷ đồng. Lãi suất phát hành từ 3,3 - 5%/năm. Đây là mức lãi suất thấp hơn nhiều so với các tháng trước đó.

Cụ thể, tháng 1/2020, MBBank huy động 3.000 tỷ đồng từ chứng chỉ tiền gửi, với lãi suất 5,9%/năm. Các tháng 2 và 3 thu về lần lượt 359 tỷ đồng và 3.755 tỷ đồng với lãi suất từ 4,0-6,2%/năm.

Kết quả phát hành chứng chỉ tiền gửi 4 tháng đầu năm 2020 của MBBank
Kết quả phát hành chứng chỉ tiền gửi 4 tháng đầu năm 2020 của MBBank

Lũy kế 4 tháng đầu năm, ngân hàng này đã huy động gần 8.350 tỷ đồng qua kênh chứng chỉ tiền gửi từ các khách hàng tổ chức.


Đây là con số đáng chú ý nếu biết rằng lượng chứng chỉ tiền gửi 4 tháng đầu năm 2020 đã bằng gần một nửa so với lượng chứng chỉ phát hành năm 2019 (số dư ngày 31/12/2019) và gấp đôi so với năm 2018 (số dư ngày 31/12/2018).

Biểu đồ chứng chỉ tiền gửi phát hành của MBBank (Giai đoạn: 2018 – 4T 2020)
Biểu đồ chứng chỉ tiền gửi phát hành của MBBank (Giai đoạn: 2018 – 4T 2020)

Thêm nữa, chứng chỉ tiền gửi phát hành 4 tháng đầu năm 2020 đã thiết lập mức đáy lãi suất thấp hơn (3,3%) so với khoảng lãi suất từ 4 - 7%/năm của chứng chỉ tiền gửi năm 2020.


Còn cập nhật theo báo cáo tài chính hợp nhất Quý 1/2020, tổng số chứng chỉ tiền gửi của MBBank đạt 24.773,8 tỷ đồng, chiếm 78,9% nguồn vốn từ phát hành giấy tờ có giá. Việc phát hành chứng chỉ tiền gửi cũng là động lực giúp số dư phát hành giấy tờ có giá của MBBank tăng 5.085 tỷ đồng (+19,3%) so với đầu năm.

Đà tăng của chứng chỉ tiền gửi và việc gia tăng huy động vốn trên thị trường 2 (tiền gửi và vay các tổ chức tín dụng khác) đã giúp MBBank phần nào bù đắp được sự sụt giảm mạnh của tiền gửi khách hàng (thị trường 1) trong 3 tháng đầu năm. Cụ thể, số dư tiền gửi khách hàng của MBBank đã giảm 31.972 tỷ đồng (-11,7%) xuống mức 240.737 tỷ đồng vào cuối tháng 3 năm 2020.

Chứng chỉ tiền gửi vốn là một kênh huy động vốn ngắn hạn nhưng phần nào có chi phí rẻ hơn so với trái phiếu, đặc biệt là khi các “khách hàng tổ chức” của MBBank cho thấy họ rất sẵn tiền để mua vào.

Chỉ riêng các chứng chỉ tiền gửi năm 2019 của MBBank đã có mặt bằng lãi suất thấp hơn nhiều so với các trái phiếu phổ thông mà nhà băng này đã phát hành (lãi suất từ 7,9 - 8,7%/năm). Được biết, trong năm 2019, nhà băng này đã trả 483,55 tỷ đồng cho các trái phiếu phát hành.

Tính cuối tháng 3, tổng tài sản của MBBank ở mức 406.802 tỷ đồng, giảm hơn 1% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng giảm 1,3% xuống còn 244.072 tỷ đồng./.