Vỡ tử cung vì rau cài răng lược
Mang thai tới tuần thứ 34, chị Lương Thị Đ. (40 tuổi, Tuyên Quang) bỗng nhiên bị đau bụng dữ dội, đột ngột khiến phải chị đi cấp cứu ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang.
Chị được chẩn đoán vỡ tử cung, có vết mổ đẻ cũ, rau tiền đạo trung tâm và rau cài răng lược. Tiên lượng bệnh của chị Đ. rất nặng, nguy cơ băng huyết dẫn đến tử vong cao, phải mổ cấp cứu.
Nhờ được cấp cứu kịp thời, mẹ con chị Đ. đã được cứu sống. Hôm nay, 11/7, chị Đ. và bé đang được chăm sóc tại Bệnh viện.
Theo bác sĩ Phạm Thị Lan Hương - Trưởng khoa Phụ sản của Bệnh viện, do chị Đ. đã mổ đẻ một lần, mang thai ngoài 35 tuổi nên chị dễ mắc rau cài răng lược, nguy cơ tử vong tăng lên rất nhiều lần. Nếu không được các bác sĩ có trình độ chuyên môn cao và có kinh nhiệm phẫu thuật cấp cứu kịp thời, cả mẹ và bé có thể đã mất mạng.
Cảnh giác khi mang thai
Theo Bệnh viện Từ Dũ, rau cài răng lược là từ chung dùng mô tả bệnh lâm sàng khi một phần hay toàn bộ bánh nhau xâm lấn và không thể tách rời khỏi thành tử cung.
Chị Đ. được chăm sóc tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang sau khi mổ cấp cứu
|
Bình thường sau khi sinh, bánh nhau sẽ tự tách rời khỏi thành tử cung và được sổ ra ngoài nhưng khi bị rau cài răng lược, bánh rau không thể bong khỏi tử cung và là nguyên nhân gây ra các tình trạng băng huyết sau sinh, rối loạn đông cầm máu, thậm chí tử vong cho người mẹ.
Những phụ nữ có rau tiền đạo, có tiền sử vết mổ ở tử cung (mổ đẻ, mổ bóc nhân xơ…), mang thai trên 35 tuổi, nạo hút thai nhiều lần là đối tượng dễ gặp rau cài răng lược nhất, cũng là nhóm thai phụ mà các bác sĩ luôn phải theo dõi sát sao quá trình mang thai.
Vì vậy, khi được chẩn đoán có rau cài răng lược, thai phụ nên tới điều trị tại cơ sở y tế có ngân hàng máu đầy đủ, các thiết bị hiện đại phù hợp chuyên ngành, đội ngũ phẫu thuật viên giàu kinh nghiệm về mổ rau cài răng lược để có kết quả phẫu thuật tốt nhất, giảm tỷ lệ tai biến, trao niềm hạnh phúc cho mẹ và con.
Bên cạnh đó, do tỉ lệ rau cài răng lược sẽ tăng dần theo số lần mổ trên tử cung, số lần sinh con, tuổi mẹ, tiền căn hút nạo buồng tử cung, nên chị em phụ nữ cần có kế hoạch sinh nở phù hợp, khám thai định kỳ đều và đặc biệt chỉ sinh mổ khi có chỉ định sản khoa từ bác sĩ, để tránh nguy cơ, tai biến, tránh làm xấu đi tương lai sản khoa sau này.