Rắc sỏi chăm hoa, cụ ông phải cấp cứu vì sỏi rơi vào họng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bệnh viện Phổi Trung ương vừa cấp cứu một ca bệnh vô cùng hy hữu và may mắn, bệnh nhân được cứu sống. Nguyên nhân cấp cứu cũng là điều các bác sĩ muốn khuyến cáo mọi người.

bv-phoi-7606.jpg
Các bác sĩ can thiệp, cấp cứu bệnh nhân

Ông Đỗ Văn Quế, 72 tuổi, được đưa vào Bệnh viện Phổi Trung ương cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp, ý thức giảm, khó thở, vật vã, kích thích, yếu ½ thân trái.

Gia đình cho biết, 3 năm trước, ông Quế từng bị tai biến mạch máu não và di chứng yếu ½ thân trái, nhưng vẫn tự sinh hoạt tại nhà. Hàng ngày, bệnh nhân vẫn tự lên sân thượng trồng cây, chăm hoa. Nhưng vào lúc 14h30 ngày 24/3, người nhà phát hiện ông bị ngã trên sàn, mắt mở tự nhiên, gọi hỏi thì biết, nhưng khó thở, thở rít vùng cổ, chân tay không phản ứng được, xung quanh chỗ ông nằm có nhiều đất đá nhỏ rơi vãi.

Gia đình lập tức đưa ông vào Bệnh viện 354 cấp cứu và phát hiện dị vật đường thở nên chuyển sang Bệnh viện Phổi Trung ương.

soi-5361.jpg
Viên sỏi rơi vào khí quản ông Quế trong lúc ông chăm giỏ hoa

Các bác sĩ Bệnh viện Phổi Trung ương chẩn đoán bệnh nhân bị suy hô hấp – dị vật khí quản và theo dõi tai biến mạch máu não. Dựa trên cận lâm sàng để xác định, chỉ sau 2 phút, các bác sĩ đã gắp được dị vật ra khỏi khí quản, giúp đường thở thông thoáng. Ngay sau đó, tình trạng bệnh nhân được cải thiện nhanh chóng, không còn suy hô hấp, đỡ hẳn khó thở và không còn tiếng thở rít vùng cổ cao.

Theo PGS.TS. Vũ Xuân Phú - Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương - nguyên nhân của ca bệnh rất hy hữu: Ông Quế thường xuyên chăm sóc các giỏ hoa treo trên sân thượng. Lần này, trong khi rắc các viên sỏi vào giỏ hoa, ông Quế đã không may để 2 viên rơi vào miệng, viên bé hơn đã lọt vào dạ dày, còn viên to hơn mắc ở khí quản, gây suy hô hấp. Ông may mắn được người nhà phát hiện và cấp cứu kịp thời.

Tình trạng hóc dị vật không chỉ phổ biến ở trẻ, như các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đã nhiều lần khuyến cáo, mà còn xảy ra ở cả người lớn. Nguyên nhân có liên quan đến thói quen sinh hoạt, ăn uống và lao động của bệnh nhân. Hóc dị vật có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ, thậm chí tính mạng, rất cao.

Ông Vũ Xuân Phú cũng nêu một vài trường hợp điển hình mà Bệnh viện Phổi Trung ương đã cấp cứu thành công: Nội soi gắp hạt nhãn trong khí quản cho một bệnh nhân. Được biết người này khi ăn nhãn, không kịp nhả hạt, đã bị hạt chui vào khí quản.

Một trường hợp khác, các bác sĩ đã nội soi gắp chiếc đinh ở phế quản trung gian. Được biết bệnh nhân đang ngậm đinh ở môi để đóng lên tường thì vợ gọi, vội vàng lên tiếng nên đinh rơi vào phế quản. Còn có trường hợp bệnh nhân bị cầu răng giả rơi vào phế quản gốc trái, hay bệnh nhân mắc mảnh xương gà trong khí quản.