Sáng 7/1, BV Nhi đồng TP.HCM cho biết vừa lấy dị vật cho một bé gái 3 tuổi (ở Long An). Trước đó 2 tháng, bé đang ăn đậu phộng thì bị sặc nồi nôn ra, gia đình yên tâm, nghĩ không còn dị vật nào.
Suốt 2 tháng sau đó, bé hay bị khò khè, ho kéo dài, gia đình đưa đi khám nhiều nơi đều được chẩn đoán là viêm phổi, theo dõi suyễn, cho điều trị bằng kháng sinh. Tuy nhiên, thấy tình trạng khó thở của bé không dứt mà còn nặng hơn, gia đình đã đưa bé đến BV Nhi đồng TP.HCM để kiểm tra.
Kết quả chụp Xquang phổi thẳng không phát hiện dị vật, nhưng có dấu hiệu ứ khí khu trú phổi trái. Các bác sĩ tiếp tục khuyên gia đình cho bé nội soi đường thở kiểm tra dị vật, nếu không loại bỏ dị vật, nguy cơ bé bị viêm phổi sẽ rất cao.
Dị vật được lấy ra khỏi đường thở của trẻ. Ảnh: BVCC
|
Ê kíp bác sĩ Khoa Hô Hấp đã tiến hành gây mê, nội soi đường thở cho bé và phát hiện có hạt đậu phộng nằm gần bít lòng phế quản thùy dưới phổi trái kích thước 5mm, nên đã lấy dị vật ra. Nhờ đó, sức khỏe của bé dần ổn định, phổi bớt ứ khí, viêm phổi cải thiện và đáp ứng kháng sinh điều trị hiệu quả.
BV Nhi đồng TP.HCM khuyến cáo trẻ bị mắc dị vật đường thở thường bị hiểu nhầm thành viêm phổi, hen suyễn. Nhiều trẻ vì không được chẩn đoán đúng nên phải dùng kháng sinh kéo dài, dẫn đến nhiều biến chứng nặng nề: xẹp phổi, tạo áp xe mủ trong phổi, hoại tử, tràn khí màng phổi… thậm chí để lại các di chứng ở não.
Một số dị vật thường gặp ở đường thở thường gặp là các loại hạt (đậu phộng, hạt me, mãng cầu,…), xương (cá, heo, lươn,…), đồ chơi có kích thước quá nhỏ. Ngoài các dị vật cứng, một số trường hợp trẻ hóc thạch dừa, rau câu, trân châu,… Đây là các dị vật rất nguy hiểm, dễ tuột sâu vào phế quản, gây tổn thương phổi. Với các trường hợp này, bác sĩ rất khó khăn để lấy dị vật vì chúng trơn tuột, dễ nát.
TS. BS Trịnh Hồng Nhiên - Trưởng Khoa Hô hấp khuyên các bậc phụ huynh trong khi chăm con cần luôn để ý đến con, tránh cho bé ăn các loại thực phẩm dễ gây hóc, nghẹt đường thở, không để đồ chơi, vật dụng quá nhỏ, có thể nguy hiểm trong tầm tay của trẻ, gần nơi ăn, nơi ngủ... Cha mẹ tuyệt đối không được bóp mũi con để nhét đồ ăn vào miệng mỗi khi trẻ khóc, biếng ăn.
Đặc biệt, trong dịp Tết, các loại hạt, mứt, kẹo, thạch dừa, rau câu,... rất nhiều, dễ rơi vào tầm mắt và tay của trẻ. Do đó, cha mẹ phải luôn để ý đến con để tránh con bị hóc dị vật.
Khi nhận thấy trẻ đang chơi hay ăn mà đột nhiên bị ho, sặc sụa, tím tái, khó thở, ngạt thở,… cha mẹ cần giữ bình tĩnh, không gây hốt hoảng, sợ hãi cho trẻ và đưa con đi khám chuyên khoa khi để có hướng xử trí kịp thời.