|
Thủ tướng Narendra Modi trên xe tăng trong chuyến thị sát biên giới với Pakistan hôm 14/11 (Ảnh: Twitter@Narendra Modi) |
Thủ tướng Modi phê phán Trung Quốc mạnh mẽ tuy không nêu đích danh
Theo trang tin Đa Chiều (Dwnews) ngày 16/11, Thủ tướng Narendra Modi hôm 14/11 khi đến thị sát một đơn vị quân đội đã mặc quân phục ngồi trên chiếc xe tăng nhãn hiệu "Arjun" được sản xuất tại Ấn Độ hành tiến. Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) cho biết họ hy vọng sẽ sớm nhận được đơn đặt hàng mua 118 xe tăng "Arjun" phiên bản MK1A từ lục quân Ấn Độ, đồng thời nhấn mạnh rằng đây là phiên bản xe tăng "Arjun" tiên tiến nhất hiện nay.
Học giả của DRDO cho biết, "Chúng tôi thực sự rất tự hào khi thấy Thủ tướng Modi cưỡi trên xe tăng “Arjun”. Chúng tôi hy vọng quân đội có thể ngay lập tức đặt hàng xe tăng “Arjun” MK1A cho hai trung đoàn khác". Lục quân Ấn Độ đã không đáp lại lời kêu gọi của DRDO về việc mua 118 xe tăng "Arjun".
|
Ông Narendra Modi thăm hỏi và tặng quà các binh sĩ ở tuyến đầu biên giới (Ảnh: Twitter) |
Hãng tin ANI của Ấn Độ cho biết, quân đội Ấn Độ hiện có 124 xe tăng "Arjun" được triển khai tại khu vực sa mạc Jaisalmer ở gần biên giới giữa Ấn Độ và Pakistan. Loại xe tăng chiến đấu "Arjun" là loại xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại đầu tiên được Ấn Độ bỏ ra nhiều tiền để nghiên cứu chế tạo. Nó được đưa vào trang bị lần đầu trong quân đội Ấn Độ vào năm 2004. Tuy nhiên, dòng xe tăng này từng nhiều lần bị chỉ trích, sau nhiều lần "nâng cấp lớn" vẫn không được Lục quân Ấn Độ chú ý và đặt mua thêm, thay vào đó họ chuyển sang mua xe tăng T-72 và T-90 do Nga sản xuất.
Lần này, so với phiên bản cũ, phiên bản MK1A của xe tăng "Arjun" đã được bổ sung thêm nhiều chức năng, có thể được trang bị thêm lưỡi cày quét mìn để thực hiện nhiệm vụ tự quét mìn; nó cũng có thể từ trong xe thao tác điều khiển súng máy hạng nặng 12,7mm gắn trên xe. Nhưng những cái gọi là "cải tiến" này thực chất là cấu hình tiêu chuẩn của các xe tăng chiến đấu chủ lực hiện nay và sau cải tiến, trọng lượng chiến đấu của xe tăng "Arjun" MK1A đã tăng đến mức kinh ngạc: 68 tấn, điều này đã mang lại gánh nặng đáng kể cho khả năng cơ động của xe tăng.
|
Ông Modi đặt vòng hoa viếng binh sĩ tử trận tại Đài kỉ niệm chiến tranh (Ảnh: Twitter) |
Đồng thời, vào ngày 14/11, ông Modi đã cùng đón tết Diwali với các binh sĩ tại tiền đồn Longvara ở biên giới Ấn Độ-Pakistan. Trong bài phát biểu tại đây, ông nói: “Ấn Độ theo đuổi chính sách hiểu biết và để người khác hiểu mình, nhưng nếu có ai đó cố gắng thử thách quyết tâm của chúng ta thì đất nước này sẽ giáng trả quyết liệt”.
Đài Truyền hình New Delhi (NDTV) cho rằng Thủ tướng Modi đã thực hiện một đòn tấn công tinh tế nhưng đầy ý nghĩa vào Trung Quốc trong bài phát biểu của mình. Trong bài phát biểu, ông tuyên bố: “Không có lực lượng nào trên thế giới có thể ngăn cản những người lính của chúng ta bảo vệ biên giới của đất nước mình. Ấn Độ đã thể hiện sức mạnh và ý chí chính trị của mình có thể giáng trả một cách thích đáng những quốc gia thách thức mình. Giờ đây, cả thế giới đều biết rằng Ấn Độ sẽ không thỏa hiệp trong vấn đề lợi ích của mình, dù là nhỏ nhất”.
Tờ Times of India cho rằng, Thủ tướng Modi đã phê phán Trung Quốc nhưng không nêu đích danh. Ông Modi chỉ ra rằng thế giới đang bị cản trở bởi “thế lực bành trướng". Ông nói: "Chủ nghĩa bành trướng thể hiện thứ tâm lý méo mó thuộc về thế kỷ 18”.
|
Ông Modi tham quan phòng truyền thống lưu niệm chiến tranh tại tiền đồn Longvara ở biên giới Ấn Độ-Pakistan (Ảnh: Twitter) |
Trước đó, ngày 6/11, cuộc đàm phán cấp chỉ huy quân đoàn Trung - Ấn lần thứ 8 đã kết thúc. Tuy hai bên đồng ý quân đội ở tuyến trước cần kiềm chế, tránh hiểu lầm và đánh giá sai, nhưng vấn đề rút quân vẫn chưa có đột phá, dự kiến tình trạng đối đầu sẽ kéo sang mùa Đông khắc nghiệt.
Cuộc đàm phán lần này được tổ chức tại Chusul, phía đông Ladakh. Thông cáo báo chí chung cho biết hai bên tiếp tục trao đổi quan điểm thẳng thắn, sâu sắc và mang tính xây dựng về việc thúc đẩy "thoát ly tiếp xúc" ở khu vực phía tây đường biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ; đồng ý tiếp tục duy trì liên lạc thông qua các kênh quân sự và ngoại giao để cùng nhau duy trì hòa bình, yên tĩnh ở khu vực biên giới. Vòng đàm phán tiếp theo sẽ được tổ chức trong thời gian sắp tới.
|
Thủ tướng Modi nói chuyện với các binh sĩ, mạnh mẽ chỉ trích “âm mưu tà ác của Trung Quốc trên lãnh thổ Ấn Độ" (Ảnh: Twitter) |
Truyền thông Trung Quốc: phía Ấn Độ cứng rắn
Cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc Thời báo Hoàn cầu bản tiếng Anh dẫn lời ông Tiền Phong, Chủ nhiệm bộ phận nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia thuộc Đại học Thanh Hoa nói, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều tuyên bố sẽ duy trì liên lạc, cho thấy hai nước đều không muốn leo thang đối đầu ở biên giới và hy vọng tránh xung đột.
Bất chấp bầu không khí tích cực, cuộc gặp lần này, giống như vòng đàm phán thứ 7 hồi giữa tháng 10, đã không đạt được tiến bộ cụ thể nào trong việc hình thành một kế hoạch cách ly lực lượng hai bên.
Ông Tiền Phong đổ lỗi trách nhiệm thuộc về phía Ấn Độ, bởi vì Mỹ và Ấn Độ đã ký Hiệp định cơ bản về trao đổi và Hợp tác Không gian Địa lý (BECA) và thiết lập một cơ cấu đối thoại an ninh 4 bên bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ (Quad). Những điều này đã khiến phía Ấn Độ trở nên cứng rắn hơn trong các cuộc đàm phán.
|
Các binh sĩ Ấn Độ bày tỏ quyết tâm chiến đấu khi nghe ông Modi nói chuyện (Ảnh: Twitter) |
Truyền thông Ấn Độ: cuộc đối đầu sẽ kéo dài đến mùa đông
Tờ The Print của Ấn Độ hôm 7/11 đưa tin, vòng đàm phán thứ 8 bắt đầu lúc 9h30 sáng và kéo dài suốt 10 tiếng, phía Ấn Độ tuyên bố sẽ không ký một kế hoạch rút quân đơn phương, vòng đàm phán đã không đạt được kết quả; cuộc đối đầu ở biên giới giữa hai nước có thể tiếp tục tới mùa đông.
Báo này nêu rõ, mặc dù quân đội Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tiếp tục hội đàm nhưng chỉ sau khi Thủ tướng Ấn Độ Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đạt được đồng thuận, hai nước mới có thể đạt được giải pháp cuối cùng. Vì vậy, thế giới bên ngoài tập trung vào hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải trực tuyến hôm 10/11, khi hai nguyên thủ sẽ gặp nhau qua màn hình. Tuy nhiên đã không có bất cứ sự đột phá nào xuất hiện.
Kể từ khi nổ ra các cuộc đụng độ giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở khu vực biên giới Ladakh vào tháng 5, tình hình tiếp tục căng thẳng, trong thời kỳ này đã xảy ra các vụ ẩu đả gây chết người và nổ súng phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 45 năm qua. Với mùa đông khắc nghiệt đang đến, quân đội của hai bên vẫn đang đối đầu nhau trên dãy Himalaya, nơi có độ cao hơn 3.000 m so với mực nước biển.