Học giả Trung Quốc bất ngờ tiết lộ việc PLA sử dụng vũ khí vi ba để chiếm điểm cao Ấn Độ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Cuộc đối đầu ở biên giới Trung-Ấn vẫn đang tiếp diễn. Ông Kim Sán Vinh, giáo sư Đại học Nhân dân Trung Quốc, mới đây đã tiết lộ việc PLA sử dụng vũ khí vi sóng để “đẩy lùi quân đội Ấn Độ và giành lại thành công các điểm cao bị chiếm”.

Ngày 12/3/2017, báo mạng Trung Quốc đã tiết lộ Trung Quốc thử nghiệm dùng hệ thống vũ khí vi sóng để bắn hạ máy bay (Ảnh: Dwnews).
Ngày 12/3/2017, báo mạng Trung Quốc đã tiết lộ Trung Quốc thử nghiệm dùng hệ thống vũ khí vi sóng để bắn hạ máy bay (Ảnh: Dwnews).

Theo các trang tin DongfangĐa Chiều ngày 16/11, Giáo sư Kim Sán Vinh, Phó Viện trưởng Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, một chuyên gia về các vấn đề Mỹ, đã đăng tải video bài giảng trên trang Weibo cá nhân, trong đó ông đã đề cập đến việc trước đó quân đội Ấn Độ đã đóng giữ hai điểm cao ở bờ nam hồ Pangong. Hai điểm cao này là trận địa nối liền nhau vô cùng quan trọng, sau khi chúng bị quân đội Ấn Độ chiếm giữ đã khiến trận địa của quân đội Trung Quốc (PLA) bị cô lập với phía sau.

Theo Đa Chiều (Dwnews), ông Kim Sán Vinh kể, lúc đó cấp trên yêu cầu lực lượng ở tiền tuyến phải tái chiếm hai ngọn núi, nhưng không được phép nổ súng. Quân PLA ở tuyến trước đã nghĩ ra một “độc chiêu” là sử dụng vũ khí vi ba (hay vi sóng), “đặt thiết bị phát vi ba dưới núi, biến đỉnh núi thành lò vi sóng”. Ông ta Kim Sán Vinh nói, quân đội Ấn Độ trên đỉnh núi “trong phút chốc đều bắt đầu nôn mửa, không thể đứng dậy được, rồi tháo chạy”. Cuối cùng, các binh sĩ Trung Quốc đã chiếm lại được hai ngọn núi.

Ông Kim Sán Vinh diễn giảng hôm 11/11 tiết lộ việc lính Trung Quốc sử dụng vũ khí vi sóng để tấn công bức rút quân đội Ấn Độ ở biên giới (Ảnh: Dongfang)

Ông Kim Sán Vinh diễn giảng hôm 11/11 tiết lộ việc lính Trung Quốc sử dụng vũ khí vi sóng để tấn công bức rút quân đội Ấn Độ ở biên giới (Ảnh: Dongfang)

Theo Đa Chiều, vũ khí vi ba (microwave weapon) còn được gọi là “vũ khí xạ tần” hoặc vũ khí mạch xung điện từ, là loại vũ khí sử dụng bức xạ điện từ năng lượng cao để tấn công và sát thương mục tiêu. Chúng có thể được sử dụng để tiêu diệt địch thủ hoặc phá hủy thiết bị điện tử.

Vào tháng 3/2017, một bản luận văn học thuật đã được đăng tải trên mạng Internet cho biết “vũ khí vi sóng của Trung Quốc hiện nay sẽ tiến hành một loạt các thử nghiệm về khả năng tự vệ của máy bay, kiểm soát không gian, chế áp lực lượng phòng không đối phương và khống chế thông tin liên lạc trong chỉ huy tác chiến. Hiện tại, các loại vũ khí vi sóng chế áp phòng không công suất cao cỡ gigawatt đã được phát triển thành công và các thí nghiệm tiêu diệt máy bay và các mục tiêu khác đã được tiến hành”.

Một hệ thống vũ khí vi sóng của Trung Quốc (Ảnh: Dwnews).

Một hệ thống vũ khí vi sóng của Trung Quốc (Ảnh: Dwnews).

Trên thực tế, vũ khí vi sóng từ vài năm trước đã thu hút sự chú ý của dư luận thế giới. Năm 2014, truyền thông Mỹ đưa tin, một giáo sư tại Trường Cao đẳng Chiến tranh Hải quân Mỹ chuyên về luật biển nói rằng các tàu tuần tra của Trung Quốc có thể sử dụng các loại vũ khí bí ẩn và không để lại dấu vết để đe dọa hoặc tấn công ngư dân các nước trong khu vực.

Theo Đa Chiều tìm hiểu, hiện Mỹ đang ở vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực nghiên cứu vũ khí vi sóng định hướng năng lượng, việc để lộ những thông tin về hệ thống này có nghĩa là nghiên cứu công nghệ của Trung Quốc trong lĩnh vực này đã đạt được những thành quả quan trọng.

Vào cuối năm 2016, Đại sứ quán Mỹ tại Cuba báo cáo một số nhà ngoại giao Mỹ ở đây cảm thấy không khỏe sau khi nghe thấy “những âm thanh bí ẩn”. Tháng 5/2018, Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Quảng Châu cũng báo cáo xảy ra vụ việc tương tự. Tờ New York Times vào thời điểm năm 2018 đưa tin. các chuyên gia tin rằng các nhà ngoại giao Mỹ ở Cuba có thể đã bị tấn công bằng "vũ khí vi sóng" hoặc vũ khí âm thanh.

Một số vị trí quân đội Trung Quốc mới chiếm đóng ở phía Nam hồ Pangong (Ảnh: NDTV).

Một số vị trí quân đội Trung Quốc mới chiếm đóng ở phía Nam hồ Pangong (Ảnh: NDTV).

Trang tin Hồng Kông Dongfang khi đưa về vụ này nói rõ thêm, ông Kim Sán Vinh đã kể trong một bài giảng hôm thứ Tư tuần trước (11/11) rằng, vào ngày 29/8 năm nay, phía Ấn Độ đã cho khoảng 1.500 lính thuộc “Lực lượng đặc biệt Tây Tạng” chiếm giữ hai ngọn núi ở bờ nam của hồ Pangong. Vì nơi này nối liền các trận địa của quân đội Trung Quốc đóng ở hai bên hồ Pangong, nên chỉ huy cấp trên của PLA quyết định phải giành lại nó, nhưng không được phép nổ súng. PLA đã đặt vũ khí vi ba dưới chân phát lên đỉnh núi, khiến quân Ấn Độ đóng trên núi cảm thấy khó chịu và nôn mửa, buộc phải rút chạy.

Theo Dongfang, báo chí Ấn Độ nói quân đội Ấn Độ mới đây cũng đã tiết lộ chi tiết về vụ tấn công nghi bằng vũ khí vi sóng và âm thanh hôm đó, cho biết: tất cả các binh sĩ của lực lượng đặc nhiệm vào đêm hôm đó đều cảm thấy buồn nôn và nôn mửa, không ngủ được; nhiều người trong số họ suy sụp tinh thần và mất khả năng chiến đấu. Chỉ huy Ấn Độ cuối cùng đã quyết định từ bỏ hai ngọn núi đó. Sau khi các binh sĩ triệt thoái khỏi các điểm cao này, các triệu chứng nói trên cũng biến mất.