Đó là ý kiến của ông Lê Hồng Tịnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội sau khi Chính phủ báo cáo Quốc hội dự thảo Nghị quyết về việc dừng thực hiện dự án xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận vào chiều ngày 10/11.
Trước đó, ngày 9/11, Trung tâm Thông tin của Quốc hội có thông báo thay đổi lịch họp và bổ sung nội dung nói trên vào chương trình nghị sự của kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.
Sau khi Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về việc dừng thực hiện dự án xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng đã trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết này.
Ông Lê Hồng Tịnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, người có kinh nghiệm trong lĩnh vực điện năng khi từng là Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực Dầu khí PV Power (PVN) từ năm 2007-2008 đã có trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội vào sáng nay (10/11) về chủ trương dừng thực hiện dự án xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận.
Xin ông cho biết ý kiến của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đối với đề xuất dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận của Chính phủ?
Ông Lê Hồng Tịnh: Chúng tôi đồng ý. Dù vậy, Quốc hội còn phải họp, thảo luận cụ thể rồi mới quyết định được vấn đề này.
Tại sao phải dừng dự án này, thưa ông?
Ông Lê Hồng Tịnh: Chúng ta biết ngày 25/11/2009, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 41/2009/QH12 về chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Sau một thời gian triển khai đầu tư, hồ sơ đã gần như hoàn thiện thì vấn đề thể hiện ra là tổng mức đầu tư quá cao, gần gấp đôi dự kiến ban đầu mà Quốc hội đặt ra trong Nghị quyết 41 năm 2009. Tính khả thi của dự án cũng không còn, giá điện dự kiến trước đây khoảng 4,9 cent/kWh nay đã lên tới trên 8 cent/kWh, chưa tính đủ hết các yếu tố như nếu dự án triển khai chậm thì còn có thể đội vốn lên nữa.
Một số vấn đề, dù cũng đã lường trước nhưng vẫn thấy tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, nhất là sau vụ Formosa. Việc xử lý chất thải hạt nhân bây giờ, ngay cả trên thế giới, dù đã có nhiều phương án, công nghệ lưu giữ nhưng vẫn tiềm ẩn những yếu tố gây mất an toàn.
Ở thời điểm xây dựng kế hoạch phát triển điện hạt nhân thì kinh tế đang tăng trưởng cao, bình quân 7-8%/năm, dự kiến phương án tăng trưởng cao có thể lên tới 9-10%. Tính toán tỉ lệ phát triển điện so với GDP thì GDP tăng trưởng 1%, điện sẽ tăng 2%. Ví dụ như tăng trưởng kinh tế 7-8% thì điện sẽ tăng trưởng 16-17%. Còn phương án cao là GDP tăng 10% thì điện sẽ lên đến 22%. Các nguồn về thủy điện hay các nguồn năng lượng khác lúc đó có thể cạn kiệt cho nên phải tính đến điện hạt nhân.
Tuy nhiên hiện nay tăng trưởng kinh tế còn thấp nên phải cố gắng đạt 6-7%/năm. Bên cạnh đó, công nghệ tiết kiệm điện phát triển cho nên sử dụng điện cũng được tiết kiệm hơn. Thêm nữa là hao tổn của ngành điện trước đây rất lớn nhưng bây giờ khi sử dụng các hệ thống điện thì khấu hao giảm đi nhiều. Ví dụ trước đây là khoảng 8-10% nhưng hiện chỉ còn 5-6% và còn xuống nữa. Từ nay tới 2021, với việc phát triển như hiện nay thì nhu cầu điện vẫn đáp ứng tốt.
Một đặc điểm quan trọng nữa là năng lượng tái tạo bắt đầu phát triển. Chúng ta là nước nhiệt đới nên có thể sử dụng tốt điện mặt trời, chẳng hạn các gia đình sử dụng bình nước nóng từ năng lượng mặt trời. Do công nghệ ngày càng phát triển, thiết bị điện mặt trời có giá thành thấp, rẻ hơn nhiệt điện rất nhiều, chỉ trên dưới 5 cent/kWh. Ở nước ta, nhiều vùng còn có thể phát triển điện gió như Ninh Thuận, Bình Thuận, Bạc Liêu, Tây Nam Bộ, rồi còn điện sinh khối nữa.
Hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang vận hành nhiều nhà máy thủy điện, công suất thủy điện khá lớn. Bên cạnh đó, còn có thủy điện tích năng… Nói chung là ta có nhiều biện pháp cung cấp điện. Ngoài ra, khí LPG, khí nhiệt hóa lỏng cũng có thể sử dụng…
Vì thế, việc dừng dự án Ninh Thuận là hợp lý vì hiện nay nợ công cũng đang sát trần. Nếu tiếp tục đầu tư nữa thì nợ công có nguy cơ tăng thêm.
Có thông tin cho rằng đến nay dự án này đã tiêu tốn nhiều tiền rồi?
Ông Lê Hồng Tịnh: Đúng vậy! Nhưng nếu tiếp tục thực hiện thì còn tiêu tốn hơn nữa. Cái gì cũng có giá của nó và nếu dừng mà hợp lý hơn thì còn tốt hơn là tiếp tục thực hiện. Có những cái phải chấp nhận hy sinh như vậy.
Còn hạ tầng trước đây mình đã làm thì có thể dùng để làm những việc khác, ví dụ giải phóng mặt bằng để làm những dạng như điện mặt trời, năng lượng tái tạo; khu công nghiệp thì vẫn đáp ứng được nhu cầu phát triển của Ninh Thuận.
Với phía Nga, dù ta đã ký kết thoả thuận hợp tác đầu tư nhưng hướng xử lý làsau này, các bộ ngành liên quan phải trao đổi, thương thảo cho hợp lý với các lý do như ta đã nêu.
Trên thế giới có nhiều nơi phải rút lại dự án điện hạt nhân không?
Ông Lê Hồng Tịnh: Có nhiều. Ví dụ Nam Phi gần như đã chuẩn bị hết rồi cũng phải dừng. Ở nhiều nước, đặc biệt là Đức, trong điều kiện hiện nay, nhiều nhà máy cũng phải bỏ, dừng vì vấn đề công nghệ cao hơn, đầu tư lớn, vấn đề an ninh, môi trường, lưu trữ chất thải...
Vậy ta rút ra bài học gì trong vấn đề thẩm định các dự án quan trọng?
Ông Lê Hồng Tịnh: Bài học rất lớn. Đề nghị dừng dự án này là sự dũng cảm của Chính phủ vì nếu không dám chịu trách nhiệm và đề xuất dừng dự án thì sau này còn nguy hiểm hơn. Vấn đề khi đặt ra thì cũng có nhiều tranh luận, ý kiến nhiều chiều và giờ còn chờ quyết định của Quốc hội.