Khi Declan Chan từ Zurich (Thụy Sỹ) đến Hồng Kông vào ngày 17 tháng 3 sau hơn một tháng ở nước ngoài, các quan chức thành phố đã yêu cầu anh phải đeo một thiết bị màu trắng đơn giản trông giống chiếc vòng ở tay và tải xuống một app có tên StayHomeSafe (ở nhà an toàn) trước khi để anh rời khỏi sân bay.
Anh Chan được yêu cầu đăng ký ứng dụng khi anh về nhà và bắt đầu đếm ngược 14 ngày cách ly. Anh phải đi bộ đến bốn góc của căn hộ để ứng dụng có thể xác định vị trí căn nhà.
Trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đang chật vật đối phó với đại dịch Covid-19, một số chính phủ được cho là đang sử dụng công nghệ để giám sát quá trình cách ly - đặc biệt là những người đến từ nước ngoài. Tuần trước, Israel đã phê duyệt công nghệ theo dõi điện thoại của người dùng để theo dõi những bệnh nhân bị nghi nhiễm Covid-19, một biện pháp thường chỉ được sử dụng để theo dõi khủng bố.
Một báo cáo khác cũng cho biết Tại Thái Lan, đối với những người từ nước ngoài trở về, nước này đã đưa cho mỗi người một thẻ SIM mới ngay khi họ xuất hiện tại sân bay và yêu cầu họ tải xuống một ứng dụng theo dõi vị trí trong vòng 14 ngày.
Tuy nhiên, một số lo ngại đã xuất hiện khi cho rằng các biện pháp theo dõi để kiểm soát và ngăn chặn đại dịch có thể mở đường cho sự giám sát chặt chẽ hơn của chính phủ đối với người dân. Ví dụ, ở Israel, các chính trị gia đối lập và các chuyên gia nghiên cứu hiến pháp đã chỉ trích các biện pháp theo dõi này. Họ cho rằng nó không chỉ xâm phạm quyền riêng tư mà còn thiếu sự kiểm soát của quốc hội đối với việc triển khai các biện pháp này.
Sự cấp bách trong việc chống lại virus Corona có thể mở ra một chương mới trong cuộc tranh luận toàn cầu kéo dài giữa hai vấn đề riêng tư và bảo mật. Trong những năm gần đây, một số chính phủ đã dựa vào những giải pháp công nghệ gây tranh cãi như nhận dạng khuôn mặt và thu thâp dữ liệu điện thoại với mục đích bảo vệ công dân. Những công nghệ này giống như con dao hai lưỡi có thể khiến người dân phải trả giá bằng quyền riêng tư của chính mình.
"Tôi muốn nghe một lời biện luận rõ ràng tại sao những yêu cầu về dữ liệu cá nhân là bắt buộc. Tại sao chính phủ không chọn những biện pháp khác tốt hơn, không ảnh hưởng đến quyền riêng tư của công dân", Jennifer King, giám đốc quyền riêng tư tại Trung tâm Internet và Xã hội của Đại học Stanford nói với CNN Business.
Vòng đeo tay của anh Chan dùng để kết nối với một ứng dụng theo dõi trên điện thoại thông minh. Ảnh: CNN
|
Có khoảng 60.000 thiết bị tương tự vòng đeo tay mà Hồng Kông đã triển khai để kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan của virus Corona. Cả vòng đeo tay và ứng dụng đã được một công ty khởi nghiệp địa phương phát triển nhằm “chắc chắn rằng những người thuộc diện cách ly đang ở tại nơi ở của chính họ”, theo tuyên bố của chính phủ.
Anh Chan, 36 tuổi cho biết anh không chắc chắn điều gì sẽ xảy ra nếu anh tháo chiếc dây đeo này ra hoặc ngắt kết nối ứng dụng. Tuy nhiên, một bức ảnh mà anh đã chia sẻ với CNN Business có nội dung rằng bất kỳ ai “chống lại hoặc cố tình cung cấp thông tin sai lệch cho Bộ Y tế” đều có thể bị phạt đến 5.000 HKD (644 USD) và 6 tháng tù.
“Nếu ứng dụng bị xóa trong thời gian cách ly, Bộ Y tế và cảnh sát sẽ được cảnh báo để có những hành động tiếp theo”, một phát ngôn viên của chính phủ Hồng Kông nói với CNN Business. Người phát ngôn cũng cho biết người dùng có thể tự do xóa ứng dụng này sau khi kết thúc thời gian 14 ngày cách ly.
Các chính phủ đã coi việc theo dõi và giám sát quá trình cách ly là các bước cần thiết để hạn chế virus, đồng thời họ cũng cam kết bảo vệ quyền riêng tư.
“Chính phủ Hồng Kông rất coi trọng việc bảo vệ quyền riêng tư”, phát ngôn viên của chính phủ Hồng Kông cho biết và nói thêm rằng ứng dụng theo dõi của họ không thu thập bất kỳ dữ liệu nào từ điện thoại thông minh của người dùng. “Việc thu thập dữ liệu cá nhân chỉ là rất nhỏ theo quy định của lệnh cách ly”.
Thiết bị đeo tay của chính phủ Hông Kông được kết nối với một ứng dụng theo dõi có thể đếm ngược quá trình cách ly 14 ngày. Ảnh: CNN |
Phó Bộ Trưởng Tư pháp Israel, ông Raz Nizri cho biết việc theo dõi là “cần thiết” để cứu sống tất cả mọi người. “Mục đích là tìm ra giải pháp tối ưu để giảm thiểu việc xâm phạm quyền riêng tư”, ông nói trên đài phát thanh Kan Reshen Bet.
Chính phủ Thái Lan sẽ xóa các dữ liệu đã thu thập bởi ứng dụng theo dõi trong vòng 14 ngày, một quan chức của cơ quan viễn thông nước này nói với tờ BangKok Post.
Các chuyên gia cho biết việc theo dõi một số lượng lớn có thể giúp ngăn chặn virus nhưng người dùng cần được bảo vệ trước khi chúng trở thành những công cụ giám sát trên diện rộng.
"Những yêu cầu bắt buộc hoặc không có giới hạn rõ ràng về việc thu thập dữ liệu rất đáng lo ngại", ông Jennifer King, Giám đốc về quyền riêng tư tại Trung tâm Internet và Xã hội của Đại học Stanford nói.
Cũng theo ông King, sẽ rất nguy hiểm nếu các biện pháp này vẫn tiếp tục được duy trì ngay cả khi chúng không còn cần thiết.
Chính phủ Hoa Kỳ được cho là đang thảo luận với ngành công nghiệp công nghệ về việc sử dụng dữ liệu vị trí người Mỹ để theo dõi sự lây lan của Covid-19. Google, Facebook xác nhận họ đang tìm cách để người dùng có thể chia sẻ dữ liệu vị trí ẩn danh, thay vì dữ liệu vị trí cụ thể của người dùng, điểm mấu chốt trong các tranh cãi về quyền riêng tư trong bối cảnh đại dịch. Các nền dân chủ phương Tây phải đối mặt với thách thức lớn hơn trong việc truy cập vào dữ liệu cá nhân của công dân.
Theo CNN