Hôm qua, 5/9, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã ký Chỉ thị 05/CT-BYT “Về tăng cường công tác pháp chế trong ngành y tế”.
Theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, bên cạnh những đóng góp tích cực trong nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của ngành y tế, công tác xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật vẫn còn những hạn chế, khi một số đơn vị chưa đặt công tác hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ trọng tâm, nhân lực làm công tác pháp chế còn thiếu; chất lượng một số văn bản pháp luật chưa cao; còn tình trạng chậm tiến độ ban hành văn bản vv…
Bảo đảm không có "lợi ích nhóm", "tư duy nhiệm kỳ"
Trước tình hình trên, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ phải xác định xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ; chủ động làm đầu mối giải quyết, đề xuất xây dựng pháp luật theo thẩm quyền, tránh đùn đẩy nhiệm vụ sang các đơn vị khác hoặc lên cấp trên.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị nâng cao chất lượng xây dựng văn bản, bám sát chủ trương, đường lối, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm tính chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch; đánh giá tác động kỹ lưỡng, chủ động cung cấp thông tin trong quá trình xây dựng văn bản để tạo sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp; không tham mưu ban hành văn bản có nội dung trái với chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước hoặc có những sơ hở bị lợi dụng gây thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân, bảo đảm không có "lợi ích nhóm", "tư duy nhiệm kỳ".
Đặc biệt, các đơn vị phải đổi mới các phương pháp, hình thức lấy ý kiến, chú trọng ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu sự tác động của văn bản, nghiêm túc tiếp thu, giải trình và hoàn thiện văn bản. Bảo đảm tiến độ, tuân thủ quy trình, thủ tục xây dựng và ban hành văn bản; cụ thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân, đơn vị trong việc đề xuất và xây dựng văn bản. Khắc phục triệt để tình trạng xây dựng và trình văn bản chậm tiến độ;
Tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật, thực hiện phân công nhiệm vụ rõ ràng, phân cấp, phân quyền triệt để, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận dịch vụ y tế;
Chủ động, thường xuyên rà soát pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý, phát hiện những vướng mắc, bất cập, sơ hở, dễ làm phát sinh tiêu cực để đề xuất sửa đổi, bổ sung; tăng cường năng lực phản ứng chính sách trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật, đặc biệt là trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan |
Khắc phục mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp với thực tiễn
Đối với các đơn vị trực thuộc, Bộ Y tế yêu cầu bảo đảm tuân thủ pháp luật trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, chủ động tham mưu, đề xuất chính sách, pháp luật để nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị, tích cực tham gia ý kiến đối với các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực hoạt động của đơn vị; rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh nội quy, quy chế hoạt động, quy trình chuyên môn, quản lý của đơn vị bảo đảm rõ ràng, minh bạch, hiệu quả, cụ thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo các Sở Y tế chủ động tham mưu, đề xuất với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân nhân tỉnh trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế bảo đảm tính chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch, không tham mưu ban hành văn bản có nội dung trái với chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước hoặc có những sơ hở bị lợi dụng gây thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân, bảo đảm không có "lợi ích nhóm", "tư duy nhiệm kỳ" trong xây dựng chính sách, pháp luật; chủ động, kịp thời tham mưu, ban hành theo thẩm quyền các văn bản pháp luật cần thiết trong lĩnh vực y tế để đáp ứng yêu cầu quản lý của địa phương;
Tăng cường rà soát, tổng kết, đánh giá, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật để kịp thời khắc phục những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp với thực tiễn; chủ động, tích cực tham gia ý kiến liên quan đến lĩnh vực y tế đối với các dự thảo văn bản pháp luật được lấy ý kiến; tăng cường quán triệt, phổ biến, chỉ đạo triển khai kịp thời các văn bản pháp luật về y tế tại địa phương.
Bên cạnh đó, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị chủ động rà soát chức năng, nhiệm vụ bảo đảm thực hiện đầy đủ, không bỏ sót nhiệm vụ được giao; chủ động tham vấn ý kiến chuyên gia pháp lý, có thể bố trí cán bộ, phân công nhiệm vụ hoặc mời, thuê chuyên gia, tổ chức tư vấn pháp lý theo quy định để hỗ trợ, tư vấn pháp lý nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, tuân thủ pháp luật.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật về dược, trang thiết bị y tế
Đặc biệt, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, cơ chế tự chủ, xã hội hóa, liên doanh, liên kết. Những quy định của pháp luật về mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế đã đầy đủ, rõ ràng thì phải tổ chức thực hiện khẩn trương, kịp thời, không để tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, nhằm bảo đảm quyền lợi của người bệnh. Trường hợp khó khăn, vướng mắc phải kịp thời có văn bản báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết”- Quyền Bộ trưởng chỉ đạo.
Vụ Pháp chế được Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này; tăng cường công tác theo dõi thi hành pháp luật trong ngành y tế; chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, rà soát, tham mưu hoàn thiện hệ thống pháp luật về y tế; phối hợp với các đơn vị xây dựng kế hoạch rà soát, kiện toàn tổ chức, đội ngũ làm công tác pháp chế tại các đơn vị.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật về dược, trang thiết bị y tế cũng là đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân |
Vụ Tổ chức cán bộ nghiên cứu, kiến nghị giải pháp bảo đảm nguồn nhân lực và chế độ chính sách cho đội ngũ làm công tác pháp chế ngành y tế; đề xuất cơ chế đãi ngộ người có chuyên môn nghiệp vụ cao, có nhiều thành tích, sáng kiến trong xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật; hướng dẫn và tổ chức đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của công chức, viên chức gắn với kết quả công tác xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật; tăng cường công tác kiểm tra việc thi hành nhiệm vụ, công vụ;
Theo chỉ đạo của Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược, Cục Quản lý y, dược cổ truyền, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế khẩn trương tham mưu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền các văn bản pháp luật để hoàn thiện hệ thống pháp luật về dược, trang thiết bị y tế, tài chính y tế; tăng cường tập huấn, tổ chức triển khai các văn bản pháp luật về công tác quản lý tài chính, tài sản, mua sắm, đấu thầu, tự chủ, xã hội hóa, liên doanh, liên kết; quản lý dược, trang thiết bị y tế. Chú trọng công tác quản lý cấp phép nhập khẩu, đăng ký lưu hành, quản lý chất lượng, giá thuốc, trang thiết bị y tế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính gắn với phân cấp, phân quyền trong quản lý dược, trang thiết bị y tế; tăng cường hiệu quả sử dụng thuốc, trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế.