Quỹ Thái Lan dẫn đầu danh sách nhận chuyển nhượng hơn 7,5 triệu cổ phiếu FPT

VietTimes -- Ngày 31/8/2018, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) đã có thông báo về việc hoàn tất thủ tục thực hiện chuyển quyền sở hữu cổ phiếu của Công ty cổ phần FPT (Mã CK: FPT) giữa các quỹ đầu tư.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Theo đó, quỹ VietNam Equity Holding (VEH) chuyển nhượng 7.583.688 cổ phiếu cho 3 quỹ ngoại khác là Panah Master Fund, Appollo Asia Fund Ltd và The Ton Poh Fund. Trong đó, quỹ The Ton Poh Fund dẫn đầu về số lượng nhận chuyển nhượng với 4,4 triệu cổ phiếu.

Được biết, quỹ đầu tư The Ton Poh Fund là được quản lý bởi Ton Poh Capital, công ty quản lý quỹ có trụ sở tại Thái Lan. Trước đó, VSD đã hoàn tất chuyển quyền sở hữu 4 triệu cổ phiếu FPT từ 5 quỹ ngoại khác nhau sang cho The Ton Poh Fund ngày 22/1/2018. Như vậy, quỹ The Ton Poh Fund đã “gom” được 8,4 triệu cổ phiếu FPT thông qua kênh chuyển nhượng trên VSD kể từ đầu năm tới nay.

Cùng với khoản đầu tư vào FPT, quỹ The Ton Poh Fund đã vào đang đầu tư vào nhiều công ty khác trên thị trường chứng khoán Việt Nam, có thể kể đến như: Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (Mã CK: MWG) và Công ty cổ phần Xây dựng Cotec - Coteccons (Mã CK: CTD).

Thông tin chi tiết về thương vụ chuyển nhượng 7.583.688 cổ phiếu FPT giữa các quỹ đầu tư (Nguồn: VSD)
Thông tin chi tiết về thương vụ chuyển nhượng 7.583.688 cổ phiếu FPT giữa các quỹ đầu tư (Nguồn: VSD)

Về bên chuyển nhượng, quỹ VietNam Equity Holding được thành lập năm 2007, chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục của quỹ là cổ phiếu FPT và VNM (Công ty cổ phân sữa Việt Nam – Vinamilk).

VSD vẫn thường thực hiện chuyển nhượng quyền sở hữu cổ phiếu FPT giữa các nhà đầu tư nước ngoài từ năm 2017 tới nay, trong đó có một vào cái tên đáng chú ý.

Cụ thể, trong năm 2017, Macquarie Bank Limited cũng đã nhận chuyển nhượng hơn 3 triệu cổ phiếu FPT từ các quỹ thuộc nhóm Dragon Capital. Tương tự là trường hợp của quỹ Lloyd Geogre Indian Ocean Master Fund khi nhận chuyển nhượng 350 nghìn cổ phiếu FPT từ Norges Bank và Amersham Industries Limited.

Nguyên nhân có thể xuất phát một phần từ việc FPT luôn kín “room” dành cho khối ngoại (49%) và việc chuyển nhượng trực tiếp sẽ là cách giúp các quỹ thực hiện giao dịch đúng với thỏa thuận về khối lượng và đối tượng muốn mua mà không sợ bị chạm hạn mức.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư không muốn tiết lộ cụ thể giá trị chuyển nhượng và tránh làm ảnh hưởng tới diễn biến giá cổ phiếu đang giao dịch trên sàn chứng khoán cũng có thể tìm đến kênh giao dịch qua VSD.

Về kết quả kinh doanh 7 tháng đầu năm 2018, FPT cho biết doanh thu và lợi nhuận trước thuế (LNTT) của FPT lần lượt đạt 12.106 tỷ đồng và 1.990 tỷ đồng, tăng 19% và 32% so với cùng kỳ (nếu loại bỏ các yếu tố liên quan đến thoái vốn tại công ty con trong năm 2017).

Lợi nhuận sau thuế đạt 1.666 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Trong đó, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 1.307 tỷ đồng, tăng 20% và lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 2.135 đồng, tăng 20%.

Trong giai đoạn 7 tháng đầu năm 2018, khối Công nghệ và Viễn thông đóng góp tới 94% tổng doanh thu của tập đoàn.

Trong đó, khối Công nghệ ghi nhận doanh thu và LNTT đạt lần lượt 6.488 tỷ đồng và 722 tỷ đồng, tăng tương ứng 21% và 36% so với cùng kỳ. Trong đó, lĩnh vực xuất khẩu phần mềm ghi nhận doanh thu đạt 4.268 tỷ đồng, tăng 30%; lợi nhuận trước thuế đạt 652 tỷ đồng, tăng 29%.

Khối Viễn thông ghi nhận doanh thu tăng 16%, đạt 4.939 tỷ đồng, LNTT đạt 857 tỷ đồng, tăng 16%./.