Theo đồ án, phạm vi lập QHC xây dựng Khu du lịch thác Bản Giốc có quy mô 1.000ha, phía Đông Bắc giáp đường biên giới quốc gia giữa Việt Nam và Trung Quốc; phía Đông giáp ranh giới huyện Hạ Lang; phía Bắc giáp địa phận các xóm Lũng Nọi, Lũng Phiắc; phía Tây Bắc giáp địa phận bản Chang, xóm Giộc Mạ, Nà Ay; phía Tây giáp một phần tỉnh lộ 206, suối Gun; phía Nam giáp núi Phia Lác, bản Thuôn.
Trong khi đó, Bộ Xây dựng đề xuất phạm vi lập QHCT Khu trung tâm du lịch thác Bản Giốc có quy mô 156,67ha nằm phía Đông và trong phạm vi lập QHC xây dựng Khu du lịch thác Bản Giốc.
Mục tiêu đồ án QHC xây dựng Khu du lịch thác Bản Giốc hướng đến là phát triển khu du lịch trở thành trọng điểm du lịch của tỉnh Cao Bằng và của quốc gia, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực gắn với bảo vệ an ninh quốc phòng.
Khu du lịch thác Bản Giốc có các khu chức năng và hạ tầng đồng bộ, khai thác tối đa các lợi thế sẵn có về vị trí địa lý và tài nguyên thiên nhiên để phát triển các sản phẩm du lịch dịch vụ theo hướng bền vững, kết hợp với bảo vệ môi trường. Bố trí dân cư, hạ tầng, các công trình phục vụ du lịch đảm bảo phát triển và giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc. Đồ án còn làm cơ sở cho công tác quản lý xây dựng, bảo vệ, khai thác và phát huy các giá trị cảnh quan đặc biệt của khu vực.
Trong khi đó, mục tiêu đồ án QHCT Khu trung tâm du lịch thác Bản Giốc hướng đến là tạo dựng một Trung tâm dịch vụ du lịch hiện đại là hạt nhân của toàn khu du lịch, đáp ứng được nhu cầu phát triển đa dạng của Khu du lịch thác Bản Giốc, đồng thời cụ thể hóa QHC xây dựng Khu du lịch thác Bản Giốc, làm tiền đề cho việc thu hút nguồn vốn đầu tư hạ tầng và phát triển.
Đồ án cũng phân vùng phát triển theo ba vùng. Vùng 1, Vùng kiểm soát nghiêm ngặt, tổng diện tích 658ha, bao gồm Vùng dọc theo hành lang thoát lũ của dòng sông Quây Sơn; vùng cảnh quan khu vực thác Bản Giốc; vùng cảnh quan động Ngườm Ngao; vùng trong phạm vi cấm xây dựng theo Luật Biên giới Quốc gia, Hiệp định biên giới đất liền giữa Việt Nam - Trung Quốc và vùng đồi núi cao có cốt cao độ từ +450m trở lên.
Trong vùng 1 sẽ chú trọng bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của sông Quây Sơn, thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao và hệ sinh thái núi rừng đặc trưng. Việc xây dựng các công trình buộc phải tuân theo Luật Biên giới Quốc gia và Hiệp định biên giới đất liền giữa Việt Nam - Trung Quốc. Không xây dựng các công trình kiên cố trong phạm vi hành lang thoát lũ sông Quây Sơn và trong phạm vi cốt cao độ trên +450m.
Vùng 2, là vùng hạn chế phát triển, diện tích 160ha, gồm vùng cảnh quan sinh thái nông nghiệp dọc theo bờ sông Quây Sơn và vùng đồng ruộng bậc thang tại các triền, các thung lũng; vùng địa hình, địa chất phức tạp có cao độ từ +(365 ÷ 450)m, độ dốc từ 10÷30% và vùng đã xây dựng công trình văn hóa tâm linh. Trong khu vực này không xây dựng tập trung, mật độ xây dựng < 10%, tầng cao < 3 tầng (12m), chỉ xây dựng các công trình phục vụ du lịch, dịch vụ và văn hóa tâm linh.
Vùng 3, là vùng khuyến khích phát triển, tổng diện tích 182ha, là các vùng không gian thuận lợi về điều kiện tự nhiên, có quỹ đất thuận lợi để xây dựng. Khu vực này hạn chế xây dựng tập trung, mật độ xây dựng < 40%, tầng cao xây dựng < 5 tầng (20m).
Đồ án cũng định hướng quy hoạch các khu chức năng gồm khu trung tâm du lịch, dịch vụ phát triển tại phía Đông Khu du lịch - quy mô 22ha (thuộc khu trung tâm xã Đàm Thủy hiện hữu) và tại phía Tây Khu du lịch, quy mô 15ha (khu vực nút giao giữa tuyến đường tỉnh 206 với tuyến đường lên cầu Cô Muông).