Quỹ đầu tư ngoại sắp rót 2.300 tỉ đồng vào chủ thương hiệu sữa Ba Vì (IDP)

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đại diện Growtheum Capital Partners gọi khoản đầu tư 100 triệu USD (2.327 tỉ đồng) vào IDP là 'cơ hội hiếm có' để thâm nhập vào ngành sữa Việt Nam.
Growtheum Capital Partners (GCP) muốn rót 100 triệu USD để mua 15% cổ phần của CTCP Sữa Quốc tế Việt Nam (IDP)
Growtheum Capital Partners (GCP) muốn rót 100 triệu USD để mua 15% cổ phần của CTCP Sữa Quốc tế Việt Nam (IDP)

Theo Bloomberg, Growtheum Capital Partners (GCP), công ty cổ phần tư nhân có trụ sở tại Singapore, đã đồng ý rót khoảng 100 triệu USD (tương đương 2.327 tỉ đồng, tính theo tỷ giá ngày 13/4) để mua 15% cổ phần của CTCP Sữa Quốc tế Việt Nam (IDP).

“IDP là 'cơ hội hiếm có' để chúng tôi tham gia vào thị trường tiêu dùng đang bùng nổ của Việt Nam”, bà Trang Trần, Giám đốc điều hành của GCP, nói.

Ngoài GCP, nhiều nhà đầu tư khác – bao gồm các chuyên gia đầu tư vốn tư nhân có hoạt động ở Đông Nam Á và các tập đoàn từ các nước láng giềng – được cho là cũng đang để mắt đến IDP.

Khoản đầu tư của GCP được cho là sẽ hỗ trợ đẩy nhanh quá trình mở rộng của IDP tại Việt Nam và sau đó là trên khắp Đông Nam Á, nơi thị trường sữa dự kiến sẽ tăng trưởng 7% mỗi năm trong giai đoạn 2023 – 2027.

Theo “Báo cáo nghiên cứu về ngành sữa Việt Nam giai đoạn 2022 – 2031”, tiêu thụ sữa bình quân đầu người tại Việt Nam chỉ đạt 28 lít vào năm 2021, thấp hơn Thái Lan (35 lít) và Singapore (45 lít).

Tuy nhiên, mức tiêu thụ sữa tại Việt Nam đang tăng dần, dự kiến đạt 40 lít vào năm 2030, nhờ dân số đông, trẻ và tăng nhanh (khoảng 100 triệu người) và sức mua ngày càng tăng của tầng lớp trung lưu. Đồng thời, ngành sữa Việt Nam cũng được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ổn định trong thời gian tới.

Được thành lập từ năm 2004, IDP chuyên sản xuất đa dạng các loại sản phẩm như sữa nước trái cây, sữa chua uống, thức uống mạch nha, sữa nguyên chất tại các nhà máy đặt tại Chương Mỹ và Ba Vì. Các sản phẩm được phân phối tại thị trường Việt Nam và quốc tế với thương hiệu KUN, LOF, LOF Malto và LOF Ba Vì.

Về kết quả kinh doanh năm 2022, IDP ghi nhận doanh thu thuần đạt 6.086,4 tỉ đồng, tăng 26% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 810,4 tỉ đồng, giảm 1,5% so với năm 2021.

Trong kỳ, IDP đẩy mạnh các chương trình khuyến mại và quảng cáo, với chi phí bán hàng ở mức 1.281,9 tỉ đồng, tăng 29,5% so với năm trước.

Trong đó, riêng chi phí cho quảng cáo là 709,5 tỉ đồng, tăng 40,3% so với năm 2021 và chiếm 55,3% tổng chi phí bán hàng, tương đương mỗi ngày doanh nghiệp chi khoảng 1,94 tỉ đồng cho hoạt động này.

Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của IDP đạt 3.840,1 tỉ đồng, tăng 29,4% so với đầu năm. Số dư tiền và các khoản tiền gửi ngân hàng đạt 1.292,6 tỉ đồng, chiếm 33,6% tổng tài sản.

Nợ phải trả của IDP tại cuối năm 2022 đạt 2.032,9 tỉ đồng, tăng 23,5% so với đầu năm. Trong đó, tổng dư nợ vay ngắn và dài hạn là 791,6 tỉ đồng, chiếm 20,6% tổng nguồn vốn.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên sắp tới, doanh nghiệp này dự kiến trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu thuần 7.141 tỉ đồng, tăng 17% so với mức thực hiện năm 2022. Ngược lại, chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế dự kiến giảm 4% so với năm trước, đạt 776 tỉ đồng./.

Nguồn tham khảo: Bloomberg