Quốc gia nào được hưởng lợi nhiều nhất nếu các nhà cung cấp rút dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc

VietTimes – Xung đột thương mại leo thang đã khiến nhiều công ty công nghệ phải “rũ áo” rời bỏ Trung Quốc. Bối cảnh này khiến nhiều quốc gia bất đắc dĩ lại trở thành “ngư ông đắc lợi”.
Việt Nam và Ấn Độ là hai quốc gia châu Á được hưởng lợi nhiều nhất từ việc các công ty công nghệ chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc, theo Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs. Ảnh:SCMP
Việt Nam và Ấn Độ là hai quốc gia châu Á được hưởng lợi nhiều nhất từ việc các công ty công nghệ chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc, theo Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs. Ảnh:SCMP

Cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh xung đột thương mại gia tăng tạo buộc các nhà cung cấp công nghệ phải di chuyển một phần nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc vì không chịu được áp lực thuế quan từ hai phía, theo báo cáo của Goldman Sachs, một ngân hàng đầu tư đa quốc gia đưa ra vào ngày 25/6.

Báo cáo cũng cho biết chi phí đất đai cùng giá thuê nhân công rẻ ở khu vực Đông Nam Á, Nam Á là động lực cho việc di chuyển nhưng mối đe dọa thuế quan thương mại mới là đòn bẩy quan trọng khiến quá trình này diễn ra nhanh chóng hơn.

Bức tranh chuỗi cung ứng công nghệ ở Trung Quốc đang thay đổi khi các công ty sản xuất linh kiện, lắp ráp cho điện thoại thông minh, máy tính và các sản phẩm công nghệ cao khác đang chuyển dần các cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs cho rằng Việt Nam và Ấn Độ là hai quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất khi các nhà cung cấp công nghệ chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc ra nước ngoài.

Tờ Bưu Điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) cho biết có hơn 34 công ty trong chuỗi cung ứng này đã và đang xây dựng nhà máy mới ở Đông Nam Á. Cuộc khảo sát cũng cho thấy Việt Nam và Ấn Độ là hai điểm đến phổ biến nhất cho các địa điểm sản xuất mới của những công ty này.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới đăng ký của Việt Nam đổ về từ Trung Quốc đã tăng 4,6 lần so với năm trước, đạt hơn 5.200 tỷ đồng trong 5 tháng đầu năm 2019, theo Tổng cục Thống kê Việt Nam.

Trong khi đó, vốn FDI của Ấn Độ từ Trung Quốc đã tăng 137% vào năm 2018 so với năm 2017, vượt 391 triệu USD, theo Bộ Chính sách Công nghiệp của nước này.

Ảnh: SCMP
Bức tranh chuỗi cung ứng công nghệ ở Trung Quốc đang thay đổi trong bối ảnh cuộc chiến thuế quan Trung - Mỹ leo thang. Ảnh: SCMP

AAC Technology, nhà sản xuất linh kiện điện tử được niêm yết tại Hồng Kông có trụ sở tại Thâm Quyến, cho biết sẽ khởi động các nhà máy mới tại Việt Nam và Philippines vào cuối năm 2019.


AAC là công ty chuyên cung cấp linh kiện âm thanh và ống kính máy ảnh cho iPhone của Apple. Các cơ sở sản xuất của công ty này chủ yếu nằm ở Trung Quốc Đại Lục.

Tuy nhiên, người phát ngôn của AAC cho biết hiện tại khoảng 10-15% doanh thu về linh kiện âm thanh được tạo ra từ các nhà máy sản xuất tại Việt Nam, dự kiến sẽ còn tăng hơn nữa khi công ty bổ sung việc di chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam vào năm 2020.

Luxshare, một công ty lắp ráp cáp ở Thâm Quyến mặc dù chỉ có 3% doanh thu liên kết trực tiếp với thị trường Mỹ, nhưng cũng đang mở rộng các địa điểm sản xuất sang Việt Nam và Ấn Độ. Nhà máy thứ hai của công ty tại Việt Nam được đặt mục tiêu sẽ bắt đầu sản xuất vào tháng 6/2020.

Luxshare đã thành lập một công ty con của Ấn Độ vào đầu năm 2019 và có kế hoạch bắt đầu sản xuất vào cuối năm nay, tờ SCMP cho biết.

“Gã khổng lồ điện tử” đa quốc gia của Đài Loan - Hon Hai có 14 chi nhánh tại Ấn Độ, bao gồm khá nhiều mảng như sản xuất, bảo trì, bán hàng và tiếp thị. Nó cũng có 6 chi nhánh tại Việt Nam và có kế hoạch đầu tư thêm 16,6 triệu đô la Mỹ vào Việt Nam, công ty công bố vào tháng 1, báo cáo của SCMP cho biết.

Việc di chuyển nhà máy sản xuất cũng vấp phải một số thách thức không nhỏ. Thứ nhất, đó là thời gian dài. Phải mất từ 3-6 tháng để đánh giá và ít nhất 18 tháng để nhà máy mới đi vào hoạt động. Thách thức thứ hai là sự phức tạp của hoạt động kinh doanh, vì sự phối hợp của quá trình mua sắm, hậu cần và sản xuất trên nhiều địa điểm có thể tạo ra sự thiếu hiệu quả. Thứ ba là trình độ kỹ năng của người lao động và hội nhập văn hóa.

Vì những hạn chế này, các nhà phân tích tin rằng việc sản xuất các linh kiện cao cấp như chất bán dẫn khó có thể chuyển đến Việt Nam. Tuy nhiên, các nhà máy sản xuất điện thoại thông minh và máy tính có nhiều khả năng sẽ được chuyển dời đến Việt Nam và Ấn Độ.

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng