|
Bà Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) |
Sau khi VietTimes đăng bài “Lừa dối trong quảng cáo thực phẩm chức năng trên mạng: Coi thường sức khỏe và tính mạng người dân”, tòa soạn đã nhận được sự quan tâm của dư luận trước vấn đề này. Để tìm hiểu thêm về hoạt động quản lý của cơ quan quản lý nhà nước với thực phẩm chức năng, VietTimes đã có cuộc trao đổi với bà Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) - xung quanh vấn đề này.
+ Gần đây, cùng với sự phát triển của internet, tình trạng vi phạm trong quảng cáo các sản phẩm liên quan đến sức khỏe có dấu hiệu gia tăng. Xin ông/bà có thể cho biết những vi phạm phổ biến là gì ạ?
Bà Trần Việt Nga: Trong thời gian vừa qua, việc quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe đã được Bộ Y tế và các bộ, ngành tăng cường kiểm soát. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe vẫn diễn ra rất phức tạp, gây bức xúc dư luận xã hội với các vi phạm phổ biến là: Quảng cáo sai sự thật; quảng cáo khi chưa có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các sản phẩm phải đăng ký nội dung quảng cáo theo quy định của pháp luật; quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh, lợi dụng danh nghĩa, uy tín của cán bộ y tế, cơ sở y tế để quảng cáo vẫn diễn ra, ảnh hưởng đến quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng.
|
+ Được biết, những năm qua, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) đã có nhiều biện pháp tích cực xử lý các vi phạm, tuy nhiên, tình trạng vi phạm trong quảng cáo các sản phẩm liên quan đến sức khỏe trên môi trường mạng vẫn diễn ra. Bà có thể cho biết những giải pháp mà Cục ATTP đã thực hiện là gì?
Bà Trần Việt Nga: Trước tình trạng vi phạm trong quảng cáo các sản phẩm liên quan đến sức khỏe, Cục ATTP đã nhiều lần làm việc với các cơ quan liên quan của Bộ Thông tin và Truyền thông như Thanh tra Bộ, Cục Báo chí, Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử; Cục Thương mại điện tử và kinh tế số của Bộ Công Thương; Thanh tra Bộ, Cục Văn hóa cơ sở của , Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; với đại diện Facebook khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Bộ Y tế cũng thành lập Tổ phản ứng nhanh với các thành viên là đại diện của Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Cục Văn hóa cơ sở của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số của Bộ Công Thương và Thanh tra Bộ Y tế, Cục ATTP, để phân công trách nhiệm xử lý vi phạm.
Theo đó, Bộ Y tế xử lý vi phạm của các cơ sở có sản phẩm thực phẩm, Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý các phương tiện quảng cáo vi phạm gồm báo, đài, website, mạng xã hội,…, Bộ Công thương xử lý các website thương mại điện tử và sàn thương mại điện tử vi phạm. Hiện nay hoạt động này vẫn đang được tiếp tục.
+ Đấu tranh với vi phạm trên môi trường mạng tất nhiên gặp rất nhiều thách thức vì tính phổ rộng của internet và người vi phạm có thể giấu mặt. Bà có thể chia sẻ những khó khăn trong công tác phòng, chống và xử lý vi phạm hiện nay với bạn đọc của VietTimes?
Bà Trần Việt Nga: Phương tiện quảng cáo hiện nay hết sức đa dạng và phong phú, đặc biệt là việc sử dụng điện thoại tư vấn, internet, mạng xã hội, trang web của các tổ chức, cá nhân đã không bị hạn chế về không gian, thời gian; việc đăng ký mở website cũng rất dễ dàng.
|
Đặc biệt, việc quảng cáo xuyên biên giới còn gặp khó khăn khi xử lý vi phạm, do các công ty nước ngoài đặt trụ sở ở nước ngoài và hoạt động theo pháp luật của nước sở tại.
Bên cạnh đó, một số cơ quan phát hành quảng cáo chưa thực hiện đúng quy định quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Một số sàn giao dịch thương mại điện tử chưa có biện pháp kỹ thuật để quản lý nội dung quảng cáo, bán hàng thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Cục ATTP đã có nhiều cảnh báo về các vi phạm an toàn thực phẩm, trong đó liên tục cảnh báo các sản phẩm vi phạm về quảng cáo trên trang https://vfa.gov.vn/, bao gồm các trường hợp tái vi phạm và bị phạt áp dụng hình thức xử phạt bổ sung.
+ Được biết, do quảng cáo trên môi trường mạng, nên khi Cục ATTP xử lý, nhiều đơn vị có các sản phẩm quảng cáo vi phạm trên các website đều phủ nhận việc họ thực hiện. Trong quyền hạn của mình, Cục chỉ có giải pháp đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công thương xử lý các website này. Xin bà cho biết kết quả xử lý các vụ việc vi phạm mà Cục ATTP đã đề nghị ra sao?
Bà Trần Việt Nga: Các doanh nghiệp có các sản phẩm quảng cáo vi phạm thừa nhận hành vi thực hiện quảng cáo, Cục ATTP xử lý nghiêm và công khai kết quả xử lý vi phạm theo quy định.
Trong trường hợp doanh nghiệp phủ nhận thực hiện hành vi quảng cáo sản phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm trên các trang web, mạng xã hội hay trang thương mại điện tử hoặc sàn thương mại điện tử, thì Cục ATTP sẽ cảnh báo việc vi phạm quảng cáo sản phẩm đó trên web của Cục, đồng thời, gửi công văn thông báo cho đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương để xử lý chủ thể các đường link vi phạm.
|
Từ đầu năm 2022 đến nay, Cục đã gửi 17 văn bản (với 72 đường link facebook, 41 đường link website khác) tới Cục Cục phát thanh -Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông); gửi 13 văn bản (với 76 đường link quảng cáo trên trang thương mại điện tử và sàn thương mại điện tử) tới Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) để xử lý các đường link vi phạm quảng cáo, đóng đường link vi phạm hoặc xóa sản phẩm tại các gian hàng kinh doanh điện tử.
Tuy nhiên, không phải 100% các trường hợp đều được xử lý, vì có nhiều trường hợp thông tin về chủ thể vi phạm không đầy đủ, ví dụ: Chủ thể ẩn dấu thông tin; chủ thể là cá nhân với địa chỉ không đầy đủ (không có số nhà, đường phố cụ thể); hoặc chủ thể là công ty phần mềm; chủ thể đăng ký qua công ty nước ngoài.
+ Xin cám ơn bà đã chia sẻ!
Thanh Hằng (thực hiện)
Văn Lâm (trình bày)