Bộ trưởng Bộ Y tế cũng bày tỏ quan điểm: Muốn công tác phòng chống dịch bệnh hiệu quả thì truyền thông phải đi trước một bước. Tuy nhiên thời gian qua, đáng lẽ nên hướng dẫn người dân làm thế nào để không mắc bệnh, thì truyền thông lại chỉ phản ánh tình hình dịch bệnh tăng hay không. Người dân muốn tìm hiểu những kiến thức để phòng bệnh thì lại không có. Các chương trình thời sự, truyền hình đều quay ở các giường bệnh, tức là lúc đó sự việc đã xảy ra rồi.
Người đứng đầu ngành y tế cũng đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của công tác điều trị trong phòng, chống dịch bệnh. “Nếu các bệnh viện không sàng lọc và phân loại bệnh tốt, thì các ca đau đầu, sốt cũng vào bệnh viện tuyến trung ương. Thực tế, nhiều bệnh nhân đang nghi bị sốt xuất huyết độ 1, độ 2 cũng vào Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Nhiệt đới TP.Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhi Trung ương, khiến các bệnh viện quá tải trầm trọng" – Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay.
Vì thế, Bộ trưởng yêu cầu các bác sĩ khoa Nhi và khoa Lây phải đề cao trách nhiệm nghề nhiệp. Bởi, số bác sĩ của một bệnh viện chỉ có giới hạn, nên nếu tiếp nhận cả bệnh nhân nặng và nhẹ thì dẫn đến việc, đang lẽ chỉ điều trị cho 20 cháu bệnh nặng, bác sĩ phải điều trị cho cả 500 bệnh nhân cả nặng lẫn nhẹ. Chính điều này dẫn tỉ lệ tử vong cao, thời gian nằm viện dài, chẩn đoán nhầm.
Do đó, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu phải phân tuyến rất rõ ràng. Nếu bệnh nhân nhẹ thì điều trị ở các bệnh viện tuyến quận, huyện, thậm chí theo dõi ở nhà, khám trong ngày. Những bài học từ các năm trước như vụ dịch sởi năm 2014 vẫn còn nóng hôi hổi, khi bệnh viện đã không có chỗ, mà bệnh nhân cứ nằm la liệt dù nặng hay nhẹ, là nguyên nhân gây quá tải và đẩy áp lực lớn lên các bệnh viện. Quá tải dẫn đến lây chéo bệnh viện, khi các bé bị bệnh hô hấp nằm cạnh cháu bị tay chân miệng, đã lây thêm bệnh tay chân miệng, còn bé bị tay chân miệng thì lại lây bệnh hô hấp vv… Con số gần 150 bé tử vong chỉ trong một vụ dịch sởi ấy mãi là một bài học đau xót về công tác phân tuyến.