Theo thông báo, ngày mai, thứ Bảy (25/04/2015), VNSTEEL sẽ tiến hành tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2015.
Bên cạnh những nội dung quen thuộc như Báo cáo tài chính 2014; Kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư 2015… hàng loạt những vấn đề “nóng” khác cũng sẽ được VNSTEEL trình ĐHĐCĐ xem xét, có thể kể đến như: việc phê duyệt điều chỉnh Đề án tái cơ cấu; việc giảm vốn Nhà nước tại Công ty mẹ; việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ; việc dừng chủ trương sáp nhập CTCP Thép tấm lá Thống Nhất.
Chưa biết các cổ đông sẽ quyết định ra sao trước những tờ trình của HĐQT, nhưng quan sát Báo cáo tài chính hợp nhất 2014 mà Thép Việt Nam công bố, tình hình có vẻ đã rất “nan nguy”.
Theo đó, trong năm 2014, VNSTEEL tiếp tục báo lỗ 79 tỷ đồng, nâng số lỗ lũy kế đến thời điểm 31 tháng 12 năm 2014 lên 821 tỷ đồng.
Giá trị vốn chủ sở hữu (VCSH) của Tổng công ty cũng bị “thâm” đáng kể so với con số 6.780 tỷ đồng vốn đầu tư của chủ sở hữu về chỉ còn 6.186 tỷ đồng. Kết niên 2014, tổng tài sản của VNSTEEL đạt 24.111 tỷ đồng, tăng 4,35% so với một năm trước đó.
Tiếp tục quan sát BCTC, nhận thấy, cơ cấu nguồn vốn – tài sản của Tổng công ty đã bộc lộ những nguy cơ nghiêm trọng.
Cụ thể, trong khi tổng giá trị nguồn vốn dài hạn chỉ là 10.759 tỷ đồng (VCSH: 6.186 tỷ đồng; nợ dài hạn: 4.573 tỷ đồng) thì giá trị Tài sản dài hạn lại lên tới 15.272 tỷ đồng. Như vậy, giá trị vốn lưu động ròng ở VNSTEEL (VLĐ ròng = Nguồn vốn dài hạn – Tài sản dài hạn) đã bị -4.513 tỷ đồng; hay có nghĩa non nửa tài sản dài hạn của doanh nghiệp đã được tài trợ bởi nguồn vốn ngắn hạn (nợ ngắn hạn) – một điều đại kỵ trong công tác điều hành.
Nói cách khác, việc dùng hơn 4,5 nghìn tỷ đồng vốn ngắn hạn hạn đầu tư vào tài sản dài hạn tại Thép Việt Nam là cực kỳ mạo hiểm bởi điều này sẽ gây ra những “ẩn họa” khôn lường trong cân đối dòng tiền, đặc biệt là trong bối cảnh thua lỗ triền miên của Tổng công ty. Nếu VNTEEL không nhanh chóng khắc phục “đại vấn đề” này, sự sống còn của doanh nghiệp sẽ phải đối diện với “vực thẳm” khi các chủ nợ “hành động”.
Đáng nói hơn nữa, đại đa phần giá trị tài sản dài hạn của VNSTEEL lại được tập trung vào Tài sản cố định (10.855 tỷ đồng) và Các khoản đầu tư tài chính dài hạn (3.620 tỷ đồng) (và không hề có Phải thu dài hạn).
Đối với Tài sản cố định, khoản mục này được phân hóa thành 2 chủ điểm cơ bản: Tài sản cố định hữu hình (5.413 tỷ đồng) và Chi phí xây dựng cơ bản dở dang (4.464 tỷ đồng). Đáng chú ý, 96,3% chi phí xây dựng cơ bản dở dang (4.300 tỷ đồng) lại “tụ” ở Tisco II – một dự án chậm tiến độ, đội vốn và “có vấn đề” trầm trọng mà ANTT.VN và dư luận đã nhiều lần phản ánh.
Đối với Các khoản đầu tư tài chính dài hạn, quan sát danh mục đầu tư có thể thấy VNSTELL đã “lãng mạn” đến mức nào. Không chỉ là thép và những lĩnh vực, ngành nghề liên quan đến thép, trong dặc dài tới cả 50 cái tên được “list”, không ít những doanh nghiệp nằm trong danh mục lại có hoạt động chính chẳng thấy liên quan gì đến “Thép”, có thể kể đến một số cái tên như: Công ty TNHH Nissin Logistics; Công ty TNHH Agility; Công ty Tài chính Cổ phần Xi măng; Công ty Cổ phần Bảo hiểm Petrolimex; Ngân hàng Vietinbank, Ngân hàng Eximbank;…
Phải chăng Tổng Công ty Thép Việt Nam quá sẵn tiền để rồi “thừa giấy vẽ voi”?
Như đã nói, VNSTEEL đang thua lỗ triền miên, “ăn” vào cả vốn đầu tư và bản thân nhiều công ty con của Thép Việt Nam như Công ty TNHH Posvina, Công ty Cổ phần Thép tấm Miền Nam, Công ty Cổ phần Thép Dự ứng lực Việt Nam cũng đang phải “cùng đường”… thực hiệc các thủ tục giải thể theo các Nghị quyết của HĐQT.
Tài liệu ĐHĐCĐ cho thấy, HĐQT VNSTEEL đã có tờ trình về việc dừng chủ trương sáp nhập Công ty cổ phần Thép Tấm Lá Thống Nhất vào Tổng công ty Thép Việt Nam, điều mà các ĐHĐCĐ thường niên 2013, 2014 đã nhất trí thông qua và bản thân VNSTEEL cũng đã ký hợp đồng tư vấn với Công ty chứng khoán VPBS để thực hiện các thủ tục liên quan đến công tác sáp nhập.
Đối với CTCP Thép Tấm Lá Thống nhất (TNSTEEL), tính đến 31/12/2014 lỗ lũy kế của công ty đã lên đến 255 tỷ đồng vượt xa 35 tỷ đồng vốn đầu tư của chủ sở hữu, đe dọa trực tiếp đến khả năng hoạt động liên tục.
Trở lại với Báo cáo tài chính hợp nhất 2014 của Tổng công ty Thép Việt Nam, Hãng kiểm toán AASC, đơn vị soát xét Báo cáo đã lưu ý người đọc hàng loạt những vấn đề.
Theo ANTT