Putin ra đòn sấm sét, đã đạt được mục tiêu lớn nhất tại Syria

VietTimes -- Chiến dịch quân sự của Nga tại Syria đã tạo được sự xoay chuyển cục diện chiến trường có lợi cho chính quyền Assad, Moscow đã thành công trong việc giúp chính quyền Syria trụ vững, Fiscal Times (Mỹ) dẫn một phân tích mới cho biết.
Tổng thống Nga Putin
Tổng thống Nga Putin

Một báo cáo của Tổ chức Giám sát xung đột IHS công bố tuần qua cho thấy kể từ khi Kremlin phát động chiến dịch quân sự tại Syria ngày 29/9/2015 cho tới  ngày 11/1/2016, chính quyền Syria đã giành lại được 1,3% lãnh thổ mất vào tay các nhóm phiến quân.

Thực tế này đánh dấu một sự đảo ngược ngoạn mục so với 8 tháng đầu năm 2015, khi chính quyền Assad mất tới 18% lãnh thổ vào tay phiến quân, kể cả thành phố lớn nhất đất nước Aleppo và tiến chiếm nhiều khu vực khác nữa.

“Mục tiêu trước mắt của Nga tại Syria là trụ vững chính quyền Assad và tránh thất bại quân sự trước các nhóm phiến quân Hồi giáo dòng Sunni đã cơ bản đạt được”, Jane’s 360 đánh giá.

“Động lực và cục diện chiến trường đã thay đổi theo hướng có lợi cho các lực lượng chính phủ, ổn định tiền tuyến tại nhiểu khu vực là trọng tâm của sự tồn tại của chính quyền và họ đang tiến bộ chậm nhưng vững chắc trong khi phối hợp với không quân Nga, lực lượng Hezbullah cũng như năng lực chiến đấu của quân đội Syria đang được cải thiện”, báo cáo nói thêm.

Bản báo cáo được công bố trước khi quân đội chính phủ Syria và các đồng minh giành lại quyền kiểm soát thành trì cuối cùng của phiến quân tại tỉnh miền tây Latakia vào hôm 24/1.

Quan hệ Nga-Mỹ đang ở mức tồi tệ nhất kể từ sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 lại càng trầm trọng hơn sau việc Nga phát động chiến dịch quân sự tại Syria. Giới quân sự hai nước đã cố gắng hợp tác để tránh va chạm, bất chấp sự khác biệt về mục tiêu. Thực tế mới trên chiến trường có khả năng dẫn tới việc ngừng bắn, nhưng sự nhượng bộ giữa Damascus, các nước phương Tây và các nhóm phiến quân dường như là không thể.

Thực tế một chính phủ Syria ổn định sẽ có vị thế tốt hơn để chiến đấu chống IS ở nước này, cũng có nghĩa Washington nên xem xét lại mục tiêu hạ bệ Assad và quan điểm của Moscow rằng ông Assad nên được tại vị.

Khó mà  nghi ngờ chính quyền Obama sẽ từ bỏ chính sách trước đó để tìm một giải pháp chính trị nhằm chấm dứt cuộc nội chiến Syria, nhưng với sự dính líu của IS, Nga và Iran trong cuộc chiến kéo dài đã 5 năm, có rất ít sự lựa chọn.

Phát biểu tại Istanbul tuần này, phó tổng thống Mỹ Biden tỏ ý Washington đang xem xét một hướng giải quyết mới khả thi. Trong khi đó, các cuộc đàm phán hòa bình về Syria tại Geneva lẽ ra bắt đầu vào ngày 25/1 đã bị trì hoãn và có thể bị hủy bỏ. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết ông hy vọng mọi việc sẽ sáng tỏ trong 24-48 giờ tới về việc hòa đàm có diễn ra hay không.

Nếu như vòng đàm phán hòa bình mới nhất thất bại, dường như chỉ càng tạo điều kiện cho cách tiếp cận dùng sức mạnh quân sự để giải quyết cuộc xung đột của tổng thống Nga Putin. Hoặc ít nhất làm giảm cơ hội để tìm ra một giải pháp chính trị trước khi tổng thống Obama rời nhiệm sở vào năm tới.

T.N