Tổng thống Nga Vladimir Putin, đai đen judo, dường như mang trong mình hai đặc tính quan trọng của người theo nghề võ - mưu lược và mạnh mẽ, BBC viết.
Sự can thiệp quân sự mau chóng của ông vào Ukraine - sáp nhập Crimea hồi tháng 3/2014 - cũng như việc bỏ bom quân chống chính phủ Syria năm nay, đã làm nhiều quan sát viên phải ngạc nhiên.
Ông Putin, 63 tuổi, không hề giấu diếm quyết tâm pḥục dựng quyền lực Nga sau nhiều năm bị Hoa Kỳ và các đồng minh Nato của Hoa Kỳ giỡn mặt.
Tổng thống Putin từng là nhân viên đặc vụ KGB của Liên Xô.
Năm 2005 ông tuyên bố rằng việc Liên bang Xô viết tan vỡ là "thảm họa địa chính trị lớn nhất thế kỷ 20".
Ông cũng từng tỏ ra bức xúc trước tình trạng mở rộng của khối Nato tới tận biên giới Nga sau Chiến tranh lạnh.
Tổng thống Putin xem mình như người bảo vệ quyền lợi của người Nga tại các nước cộng hòa Liên Xô cũ, kể cả ở các quốc gia Baltic như Estonia, Latvia và Lithuania, nay nằm trong Nato.
Putin lớn lên tại một khu nhà tập thể ở Leningrad - nay là St Petersburg - thường xuyên phải đánh nhau với lũ trẻ hàng xóm lớn hơn và khỏe hơn. Bởi vậy ông đã tìm tới môn võ judo.
"Đấm trước"
Theo website của Điện Kremlin, ông Putin muốn làm việc cho tình báo Xô viết ngay từ khi chưa đi học xong.
Ông Putin phát biểu hồi tháng Mười: "50 năm trước đây, đường phố Leningrad dạy cho tôi một điều: nếu như không tránh được đánh nhau thì phải đấm trước đối thủ".
Ông giải thích rằng cần đánh "khủng bố" ở Syria trước khi chờ chúng tấn công vào nước Nga.
Ông cũng dùng từ ngữ đường phố khi bảo vệ cuộc chiến chống quân ly khai Chechnya, thề dẹp họ "ra khỏi cả nhà vệ sinh".
Chiến sự kéo dài 1999-2000 đã làm khu tự trị miền bắc Kavkaz tan hoang, hàng nghìn dân thường tử nạn.
Sau đó đến lượt Gruzia trở thành điểm nóng ở Kavkaz.
Năm 2008 quân Nga đẩy lùi quân đội Gruzia và chiếm hai khu tự trị - Abkhazia và Nam Ossetia.
Cuộc chiến này được cho như đánh nhau tay đôi giữa ông Putin và Tổng thống thân Nato của Gruzia lúc đó, ông Mikheil Saakashvili.
Nó cũng cho thấy ông Putin sẵn sàng đối mặt với các lãnh đạo thân phương Tây ở các nước cộng hòa Xô viết cũ.
Ông Putin luôn chứng tỏ bản lĩnh đàn ông của mình qua các màn như bay chiến đấu cơ vào Chechnya năm 2000 và phi xe máy phân khối lớn trên bờ Biển Đen năm 2011.
Băng xe phân khối lớn Sói Đêm đã đóng vai trò lớn trong việc cổ súy tinh thần dân tộc Nga trong thời kỳ nước này chiếm Crimea năm 2014.
Thế nhưng ông Putin cũng cho thấy khía cạnh khác của ông khi truyền thông Nga đăng ảnh ông ôm chó cưng hoặc giúp chăm sóc loài hổ Amur đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Ngoài judo ông cũng yêu thích môn khúc côn cầu trên băng, và truyền hình Nga chiếu cảnh ông chơi môn này một cách thuần thục.
Được tín nhiệm
Cho dù đã nắm quyền nhiều năm nay, nhưng mức độ tín nhiệm của Putin theo báo chí trong nước vẫn khá cao, trên 80%. Không lãnh đạo phương Tây nào đạt chỉ số tín nhiệm thế này.
Tất nhiên không thể tin được hết những gì trên báo chí Nga, nhất là khi trong nước Nga bất đồng chính kiến không có tiếng nói.
Năm 2012 Putin được tái đắc cử tổng thống lần ba với nhiệm kỳ sáu năm. Ngay cả khi làm thủ tướng dưới thời Tổng thống Dmitry Medvedev, người nắm quyền lực thực sự cũng vẫn là ông chứ không ai khác.
Trong hai nhiệm kỳ đầu của Putin, nước Nga thu nhiều tiền từ dầu khí, nguồn xuất khẩu chính của nước này.
Điều kiện sống của đa số người Nga được cải thiện, mang lại sinh khí dân tộc và ổn định mới. Thế nhưng nền dân chủ đang hình thành của Nga không vì thế mà phát triển hơn.
Trước lần bầu cử gần đây nhất, Nga đã chứng kiến những cuộc biểu tình chống chính phủ lớn nhất từ thời Xô viết tới nay.
Các lãnh đạo biểu tình đều bị bỏ tù hoặc bị ngăn cản. Nhân vật nổi tiếng nhất, Alexei Navalny, từng gọi đảng Nước Nga thống nhất của ông Putin là "đảng của lũ côn đồ trộm cắp".
Ông Putin cũng có chính sách thay thế dần các nhân vật theo xu hướng cởi mở, thay vào đó là những kẻ thủ cựu cứng rắn hoặc chân tay của ông.
Các nhân vật được Yeltsin ưa chuộng là Boris Berezovsky và Vladimir Gusinsky - hai nhà tài phiệt làm giàu trong thời kỳ tư hữu hóa hỗn độn, nay đã phải đi sống lưu vong.
Kinh tế đi xuống
Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 ông Putin phải vật lộn với nền kinh tế thiểu sắc, nhất là sau khi giá dầu sụt giảm. Nga mất đi nhiều nhà đầu tư và hàng tỷ đôla.
Vào năm 2014 đồng rúp rơi xuống mức thấp nhất so với đồng đôla kể từ 1998.
Cuộc xung đột ở Ukraine, nổ ra hồi tháng 11/2013, cũng gây ảnh hưởng xấu tới kinh tế Nga.
Ủng hộ của ông Putin cho phe ly khai thân Nga ở Crimea và miền đông Ukraine đã dẫn tới các biện pháp trừng phạt của phương Tây với Nga, nhắm vào các nhân vật có thế lực thân cận với Putin, các ngân hàng, công ty buôn bán vũ khí và ngành năng lượng.
Ông Putin trả đũa bằng lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm phương Tây và đóng băng quan hệ ngoại giao.
Nga không còn là "đối tác chiến lược" của EU. Ông Putin công kích chính phủ thân Tây phương ở Ukraine, lên án cái mà ông gọi là "đảo chính", khiến Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych phải chạy sang Nga.
Chính quyền Kiev và các lãnh đạo phương Tây chỉ trích Nga gửi vũ khí và binh lính tới miền đông Ukraine - ông Putin bác bỏ điều này và chỉ nhận là có một số người tình nguyện giúp quân ly khai.
Quan hệ của Putin với Anh quốc lâu nay đã lạnh nhạt sau vụ đầu độc phóng xạ với nhà vận động chống Putin Alexander Litvinenko tại London năm 2006.
Đặc vụ của Nga bị cho đã sát hại ông Litvinenko, cựu nhân viên tình báo Nga. Andrei Lugovoi - người bị cảnhs át Anh truy nã vì liên quan vụ này, sau trở thành dân biểu Nga năm 2007 và được quyền miễn trừ.
Quan ngại quốc tế về nhân quyền ở Nga đang gia tăng cùng với việc nhà tài phiệt Mikhail Khodorkovsky bị bắt giam, cũng như việc bỏ tù các thành viên nhóm Pussy Riot vốn chống Putin.
Nhiệm kỳ thứ ba của Putin cũng được đánh dấu bằng sự trở lại của tinh thần dân tộc bảo thủ Nga, được Nhà thờ Chính thống giáo khuyến khích.
Các tổ chức phi chính phủ (NGOs) nhận tiền nước ngoài đều phải đăng ký như tổ chức nước ngoài, gợi lại nghi ngờ về gián điệp thời kỳ Xô viết.
Theo Bizlive