Putin “lùa Mỹ vào góc”, giành thắng lợi lớn hậu Chiến tranh Lạnh

Cuộc nội chiến Syria đã thay đổi bước ngoặt sau khi Nga bất ngờ phát động chiến dịch không kích chống khủng bố tại Syria. Mỹ, phương Tây và các nước A rập ủng hộ các nhóm chống đối Syria không khoanh tay ngồi nhìn. Nguy cơ một cuộc chiến tranh ủy nhiệm đang hình thành.
Tổng thống Putin với phong thái đĩnh đạc tại buổi tiệc bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc vừa qua
Tổng thống Putin với phong thái đĩnh đạc tại buổi tiệc bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc vừa qua

Theo ông Ian Bremmer, chủ tịch Eurasia Group cho rằng cuộc chiến ở Syria hiện nay đã hình thành một bên ủy nhiệm gồm phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ và một số quốc gia Vùng Vịnh chống lưng các nhóm phiến quân chống chính phủ chiến đấu với bên kia là quân đội của tổng thống Bashar al-Assad được Nga và Iran hậu thuẫn.

“Chúng ta đã tiến thêm một bước tới một cuộc chiến ủy nhiệm với Mỹ/châu Âu và Nga đang trang bị vũ khi cho hai phe đối đầu nhau trong một cuộc chiến tranh. Nga hiện nay đã trực tiếp chiến đầu với các lực lượng do phương Tây ủy nhiệm. Nguy hiểm ở chỗ chúng ta đã dấn thêm một bước xa hơn”, ông Bremmer nói trên Business Insider.

Mặc dù tổng thống Nga Vladimir Putin và tổng thống Mỹ Barack Obama được cho là đã nhất trí cùng chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) và mở các kênh liên lạc giữa quân đội hai nước nhằm ngăn ngừa sự cố xung đột có thể dẫn tới một cuộc chiến ngoài ý muốn. Tuy nhiên, bầu trời Syria hiện đã trở nên quá náo nhiệt khi chiến đấu cơ Nga hợp đồng tác chiến với quân chính phủ Syria và Iran, tấn công các mục tiêu là các nhóm phiến quân được CIA hậu thuẫn.

Tờ Wall Street Journal dẫn lời các quan chức Mỹ tiếp tục cáo buộc Nga đang trực tiếp đánh thẳng vào các nhóm nổi dậy do CIA hà hơi tiếp sức đang uy hiếp trực tiếp chế độ của ông Assas, với hai mục đích nhằm củng cố chính quyền Syria và gửi một thông điệp cho chính quyền Obama.

Năm 2013, tổng thống Obama đã cho phép CIA bắt đầu huấn luyện và trang bị vũ khí cho một nhóm các phiến quân “ôn hòa” để gây sức ép với chính quyền Assad. Bằng cách tấn công trực tiếp các nhóm quân này, Nga hiện đang thách thức chính quyền Obama hoặc buộc phải ra tay can thiệp, hoặc quay mặt nhìn sang chỗ khác.

“Tổng thống Nga Putin đã có chiến thắng địa chính trị quan trọng trước Mỹ kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Ông Putin đã chọc tức ông Obama bằng cách vạch ra giữa lỗ hổng uy tín trong chính sách quốc gia (Assad phải ra đi, IS phải bị tiêu diệt) và sự sốt sắng của Mỹ hiện gây ra đổ vỡ và hủy diệt. Vì thế, đó là một khoảng trống địa chính trị Nga hiện nay từng bước lấp đầy”, Bremmer nhận định.

 Ông Putin được cho là chọc tức ông Obama và khiến chiến lược về Syria của Mỹ phá sản hoàn toàn
Ông Putin được cho là chọc tức ông Obama và khiến chiến lược về Syria của Mỹ phá sản hoàn toàn

Một nghị sĩ uy tín Nga cũng phát biểu trên hãng tin  Interfax-AVN rằng những chiến binh tình nguyện Nga dày dạn kinh nghiệm trận mạc tại chiến trường Ukraine sẽ có thể sang Syria chiến đấu cùng với các lực lượng thân chính phủ.

Tuy nhiên, Mỹ không phải cường quốc duy nhất bị Nga thách thức tại Syria. Bremmer lưu ý rằng còn một tay chơi nặng ký khác trong cuộc chiến Syria là Thổ Nhĩ Kỳ. “Thành viên NATO bị ảnh hưởng nặng nhất bởi cuộc nội chiến Syria là Thổ Nhĩ Kỳ, do có đường biên giới dài và lỏng lẻo với Syria. Người Kurd đổ sang Syria đánh Assad, trong khi 2 triệu người tị nạn đổ tới Thổ theo nhiều hướng”, Bremmer lưu ý. Ankara từ lâu đã muốn lật đổ ông Assad và đã hậu thuẫn cho một số nhóm phiến quân mạnh nhất ở bắc Syria từ năm 2011, đang bị Nga không kích.

Việc Moscow can thiệp vào Syria làm gia tăng khả năng dẫn tới một cuộc xung đột quân sự trực tiếp với Thổ Nhĩ Kỳ. Quan chức Thổ đã lập tức lên tiếng phản đối cuộc không kích, căng thẳng càng trầm trọng thêm khi chiến đấu cơ Nga bay vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ. Vào đầu chiến dịch không kích, Nga đã yêu cầu Mỹ ra khỏi không phận Syria để tránh các sự cố ngoài ý muốn. Mỹ bác bỏ việc chấm dứt chiến dịch không kích của mình, nhưng đang làm việc với Nga nhằm cố gắng tránh và “giảm xung đột” tại một số khu vực cả máy bay Mỹ và Nga nguy cơ chạm trán nhau.

Nhưng giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Nga lại khác. Nếu như Thổ ra tay thiếp lập vùng đệm ở miền bắc Syria, Nga chắc chắn sẽ phản đối. Bremmer cho rằng, khả năng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ xung đột quân sự trực tiếp là mối hiểm họa có thể nảy sinh từ chiến dịch can thiệp quân sự của Nga. Vì lực lượng NATO sẽ tới bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ và cuộc xung đột sẽ leo thang lên một cấp độ mới.

Chiến đấu cơ Su-34 Fullback của Nga đang trút hỏa lực trên chiến trường Aleppo, Syria
Chiến đấu cơ Su-34 Fullback của Nga đang trút hỏa lực trên chiến trường Aleppo, Syria

Chuyên gia về an ninh Trung Đông Emile Hokayem cho rằng, Nga can thiệp quân sự đã trao cho chính quyền Assad một khả năng quân sự mang tính sống còn, do quân đội Syria thiếu sự yểm trợ của không quân cho bộ binh. Các cuộc tấn công của máy bay Nga đảm bảo sự đứng chân của chế độ Assa và thậm chí có thể giúp chính quyền giành lại một số khu vực đã bị phiến quân chiếm mất.

Theo ông Hokayem, Nga đang tư duy chiến lược rất tốt và mô tả các mục tiêu của Nga nhằm “dồn Mỹ vào góc, xây dựng hình ảnh, chia rẽ châu Âu, gây khó cho Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia khác bằng xung đột chính trị”. “Người Nga có tất cả. Họ có đối tác rõ ràng, họ có một mục tiêu rõ ràng. Còn phía bên kia, đó là một sự mù mờ hoàn toàn”, ông Hokayem phát biểu trên Business Insider.

Theo QPAN