Putin liệu có "sa lầy" ở Syria?

Can thiệp quân sự của Nga vẫn chưa mang lại những thay đổi quyết định trên chiến trường, khiến hy vọng đạt được tiến bộ ở Syria hiện đổ lên vai ngoại giao.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Wordpress)
Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Wordpress)

Trong bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sắp tới Moscow để gặp Tổng thống Vladimir Putin, các quan chức Mỹ và Israel nhận xét, sự can thiệp của Nga vào Syria cho kết quả không như kỳ vọng, và điều này có thể khiến nhà lãnh đạo Nga sẵn lòng hơn trong việc hợp tác với nỗ lực của Mỹ nhằm giải quyết cuộc nội chiến ở Syria.

Ông Kerry né tránh vấn đề trên, từ chối trả lời một phóng viên hỏi tại một cuộc họp báo ở Paris tuần này rằng liệu ông có nghĩ Putin hối hận đã tấn công ở Syria hay không.

Nhưng khi trò chuyện một cách riêng tư thì các quan chức Mỹ đưa ra một nhận xét thẳng thừng hơn về tâm trạng ở Kremlin. "Người Nga đã nghĩ họ có thể nhanh chóng đạt nhiều thắng lợi trên chiến trường. Nhưng họ không thực sự có được thắng lợi nào...".

Còn theo Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Ya'alon, Tổng thống Putin từng hy vọng can thiệp quân sự của Nga vào Syria hồi cuối tháng 9 sẽ mở ra một chiến dịch quyết định trong 3 tháng, giúp chính quyền Bashar al-Assad giành lại lãnh địa đã mất. Nhưng có vẻ như ông đã thất bại.

Báo Politico dẫn lời Chris Kozak, một chuyên gia tại Viện Nghiên cứu chiến tranh - một tổ chức cố vấn theo dõi sát sao chiến trường Syria - nhận định, chính phủ Assad đã đạt được một số bước tiến, nhưng chiến dịch không kích của Nga về cơ bản vẫn chưa làm thay đổi cục diện cuộc chiến.

Khi Nga bắt đầu oanh kích ở Syria, Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo người đồng cấp Nga về nguy cơ bị sa lầy ở nước ngoài, trong khi phải chuốc họa khủng bố trong nước.

Sau đó, một máy bay khách của Nga chở 224 người đã nổ tung trên bầu trời Ai Cập vì bị cài bom. Cuối tháng 11, Thổ Nhĩ Kỳ đã chọc giận Moscow khi bắn hạ chiến đấu cơ Su-24 ở biên giới Syria. Quân nổi dậy trên mặt đất bắn chết viên phi công Nga nhảy dù khỏi máy bay và một binh sĩ đến giải cứu; họ cũng phá hủy một máy bay Nga.

Giờ đây, Putin đang đối mặt với bế tắc, với một bản đồ chiến trường có rất ít sự thay đổi.

Các nguồn tin phương Tây cho biết, có những dấu hiệu cho thấy Iran đã rút hơn một nửa lực lượng họ triển khai tới Syria. Điều này chứng tỏ sự thất bại và thậm chí cả sự bất đồng gia tăng giữa Tehran và Moscow về chiến lược.

Giới chức Mỹ lập luận, chính việc Putin "vỡ mộng" đã khiến ông tỏ ý sẵn sàng tham gia các cuộc hòa đàm về Syria.

Hai ông Obama và Kerry hy vọng một thỏa thuận giữa các nước liên quan xung đột - trong đó có Iran, Ảrập Xêút và Thổ Nhĩ Kỳ - sẽ bắt đầu một tiến trình tước bỏ quyền lực của ông Assad, điều kiện mà họ coi là tiên quyết để chấm dứt cuộc nội chiến ở Syria và góp phần đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).

Khi tới Moscow tuần sau, Ngoại trưởng Mỹ mong muốn sẽ đề cập chủ đề này với người đồng cấp Sergei Lavrov và ông Putin. Trước đó lãnh đạo hai nước đã có một loạt các cuộc gặp gỡ: Putin và Obama có hai lần gặp nhau không chính thức trong tháng 11 và một lần chính thức tại Liên Hợp Quốc vào cuối tháng 9.

Ông Kerry cũng sẽ vận động Nga tham gia một vòng đàm phán hòa bình khác về Syria mà chính quyền Obama muốn tổ chức ở New York City vào ngày 18/12.

Tuy vậy, phía Mỹ không loại trừ khả năng Tổng thống Nga sẽ tăng cường hoạt động quân sự ở Syria.

Phát biểu trước các quan chức quân sự Nga hôm 20/11, ông Putin đã nhắc đến "các giai đoạn tiếp theo" trong chiến dịch tại đó, nhấn mạnh rằng Nga đã đạt được các mục tiêu ban đầu nhưng "chưa đủ để làm cho Syria sạch bóng quân nổi dậy và quân khủng bố, và bảo vệ người Nga khỏi các cuộc tấn công khủng bố".

Theo VNN