Propzy và những startup Việt gọi vốn hàng triệu USD nhưng vẫn thất bại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Một số startup nhận được vốn đầu tư “khủng” nhưng cuối cùng vẫn phải tuyên bố phá sản. 3 trường hợp điển hình về những startup đình đám nhưng vẫn thất bại là The KAfe, WeFit và Propzy.
Propzy và những startup Việt gọi vốn hàng triệu USD nhưng vẫn thất bại

The KAfe

Sau khi huy động thành công 5,5 triệu USD ngay vòng gọi vốn đầu tiên từ các quỹ đầu tư tại London và Hong Kong vào năm 2015, The KAfe trở thành một trong những startup nổi tiếng nhất Việt Nam lúc bấy giờ.

Tuy nhiên không lâu sau, chuỗi F&B này bị đối tác tố chây ì công nợ và chiếm dụng vốn kinh doanh đến hàng tỷ đồng. Tháng 10/2016, nhà sáng lập Đào Chi Anh tiết lộ trên trang cá nhân cô không còn đảm nhiệm chức vụ CEO. Một thời gian sau, các cửa hàng của The KAfe cũng đóng cửa.

The KAfe từng là tên tuổi đáng chú ý trên thị trường F&B Việt Nam. Ảnh: The KAfe
The KAfe từng là tên tuổi đáng chú ý trên thị trường F&B Việt Nam. Ảnh: The KAfe

Tháng 6/2019, Đào Chi Anh gọi vốn cộng đồng trên nền tảng GoFundMe với mục tiêu "mang The KAfe trở lại". Nhà sáng lập cho biết việc phát triển nhanh về số lượng nhà hàng của The KAfe trước đây khiến cô “buộc phải thoả hiệp phần nào về chiều sâu sản phẩm và những ý tưởng phát triển về dinh dưỡng hay hương vị”. Với lần trở lại này, Chi Anh dự định chỉ mở một cửa hàng để có thể tập trung phát triển tốt nhất.

Nữ doanh nhân ước tính cần 200.000 USD (5 tỷ đồng) để xây dựng và vận hành "The new KAfe" trong 6 tháng đầu. Sau khi gọi vốn đủ, cô sẽ công khai quá trình xây dựng dự án, để những người đóng góp được chứng kiến từ việc đặt tên cửa hàng, thiết kế thương hiệu, chọn địa điểm đến phát triển thực đơn.

Tuy nhiên, số vốn Đào Chi Anh gọi được tính tới thời điểm dự án kết thúc chỉ là hơn 2.200 USD, tương đương 1,1% mục tiêu đặt ra.

WeFit

Ra đời vào cuối năm 2016, WeFit được xem như startup tiên phong trong việc đưa công nghệ vào lĩnh vực healthy và fitness (sức khỏe và thể hình) tại Việt Nam. Chỉ sau hơn một năm hoạt động, WeFit đã đạt được mức tăng trưởng trung bình 40%/tháng, sở hữu khoảng 5.000 khách hàng sử dụng hàng tháng và 600 đối tác ở cả Hà Nội và TP HCM, doanh thu năm 2017 đạt 700.000 USD.

Năm 2017, WeFit được quỹ ESP Capital đầu tư 155.000 USD. Đầu năm 2019, startup này tiếp tục công bố gọi vốn thành công 1 triệu USD cho vòng đầu tư pre-series A từ các quỹ CyberAgent Capital, KBInvest và một số nhà đầu tư thiên thần khác.

WeFit dừng hoạt động vào tháng 5/2020. Ảnh: WeFit
WeFit dừng hoạt động vào tháng 5/2020. Ảnh: WeFit

Trước khi đại dịch Covid-19 “nhấn chìm” WeFit, mô hình kinh doanh và cách vận hành của startup này đã bộ lộ nhiều nhược điểm khi dính vào hàng loạt bê bối với đối tác và khách hàng.

Cuối năm 2019, WeFit bị nhiều phòng tập, spa tố nợ tiền và tuyên bố ngừng hợp tác. Để tái cấu trúc công ty, đầu tháng 2 năm 2020, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Hải Đăng thay nhà sáng lập Khôi Nguyễn đảm nhận vị trí CEO. Tuy nhiên, không lâu sau, WeFit tiếp tục khiến nhiều khách hàng bức xúc khi bất ngờ thay đổi chính sách sử dụng.

Khi đang nỗ lực cải tổ, WeFit phải đối mặt với nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 khiến vốn hoạt động của công ty cạn kiệt. Công ty này tuyên bố dừng hoạt động tất cả các sản phẩm (WeFit/WeFit Point/WeFit Pago/WeJoy) từ 8h ngày 11/5/2020.

Propzy

Propzy là startup trong lĩnh vực proptech (ứng dụng công nghệ vào bất động sản) được nhiều người biết đến tại Việt Nam. Startup này tự định vị mình là một nền tảng end-to-end (đầu cuối), cung cấp một môi trường an toàn để mua, bán và cho thuê bất động sản.

Tính đến năm 2020, công ty đã huy động được 37 triệu USD từ nhiều nhà đầu tư, trong đó có SoftBank Ventures Asia.

Propzy thất bại dù gọi vốn được 37 triệu USD. Ảnh: Propzy

Propzy thất bại dù gọi vốn được 37 triệu USD. Ảnh: Propzy

Là cái tên đình đám trên thị trường nhưng Propzy vừa thông báo dừng mọi hoạt động ở Việt Nam từ ngày 12/9. Theo CEO Propzy John Le , sau khi huy động được 25 triệu USD vào giữa năm 2020, công ty ngay lập tức gặp phải khó khăn do đại dịch kéo dài và sự bất ổn của thị trường tài chính toàn cầu. Những nỗ lực duy trì hoạt động kinh doanh trong suốt chặng đường dài này đã dẫn đến nhiều thiệt hại đến mức không thể khắc phục được do các đợt phong tỏa tại Việt Nam.

“Việc không gọi được thêm vốn trong bối cảnh môi trường toàn cầu biến động chính là đòn hạ gục đối với một startup non trẻ như chúng ta”, CEO Propzy nhìn nhận.

Trước đó, Propzy đã thông báo giải thể Công ty TNHH Dịch vụ Propzy và sa thải 50% nhân viên để tái cơ cấu mô hình hoạt động sau đại dịch Covid-19.

Theo giới thiệu trên trang web của Propzy, nhà sáng lập John Le là người Mỹ gốc Việt. Ông tốt nghiệp ngành Toán học và Khoa học thống kê tại Đại học California (UCLA) và có kinh nghiệm làm việc tại nhiều ngân hàng lớn. Sau nhiều lần về Việt Nam, John Le quyết định thành lập Propzy vào năm 2015.

Theo NDH