Phương tiện, khí tài chính quyền Sài Gòn lưu giữ tại Dinh Độc Lập

Trực thăng UH-1, ô tô Mercedes Benz 200 W110 và nhiều hệ thống thông tin liên lạc hiện đại của chính quyền Sài Gòn đang được trưng bày, lưu giữ tại Dinh Độc Lập, thu hút khách tham quan dịp lễ kỷ niệm 30/4.
Dinh Độc Lập là công trình kiến trúc đặc sắc, di tích lịch sử đặc biệt - nơi lưu giữ dấu ấn về ngày chiến thắng, kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Dinh Độc Lập không chỉ mang vẻ đẹp kiến trúc mà còn là biểu tượng của nền hòa bình, thống nhất, là điểm tham quan hút khách du lịch bậc nhất ở TP.HCM mỗi dịp 30/4.
Dinh Độc Lập được xây dựng trên diện tích 4.500 m2, cao 26 m, diện tích sử dụng 20.000 m2 với 95 phòng. Nơi đây hiện lưu giữ, trưng bày nhiều hiện vật của chính quyền Việt Nam Cộng hòa.
Trên nóc Dinh Độc Lập trưng bày mẫu trực thăng UH-1 phục vụ Tổng thống Việt Nam Cộng hòa cùng tùy tùng di tản trong một số tình huống khẩn cấp. UH-1 là mẫu trực thăng đa dụng do hãng Bell Helicopter sản xuất, sử dụng cho quân đội Mỹ từ năm 1959 và trong chiến tranh Việt Nam năm 1962. Máy bay có tầm bay 480 km, trần bay gần 6 km, tốc độ 215 km/h, khả năng chở tối đa 14 người bao gồm tổ bay.
Khu vực tầng trệt phía sau lưng dinh trưng bày ô tô các đời Tổng thống Việt Nam Cộng hòa sử dụng. Chiếc Mercedes Benz 200 W110 là một trong những chiếc xe được Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đi lại trong thời gian giữ chức. Mẫu xe được sản xuất tại Cộng hòa Liên bang Đức, thuộc dòng "vây đuôi" (Heckflosse) xuất xưởng trong những năm 1960. Đây là phiên bản nâng cấp của W110 series, được giới thiệu từ năm 1965 đến khoảng năm 1968. Xe có kích thước dài 4,7 m, rộng 1,7 m, cao 1,4 m, chiều dài cơ sở 2,7 m. Khối lượng không tải khoảng 1,3 tấn.
Điểm nhấn của xe là phía sau hai đuôi xe có gờ nhô cao như vây cá tạo nét phá cách. Thiết kế này được lấy cảm hứng từ các mẫu xe Mỹ những năm 1950 như Cadillac, vốn chuộng kiểu đuôi vây to, hào nhoáng, thể hiện sự hiện đại, sang trọng.
Mẫu xe sử dụng động cơ 4 xi lanh thẳng hàng, dung tích 1.988cc (2.0L), đạt tốc độ tối đa khoảng 150 - 155 km/h, khả năng tăng tốc từ 0 - 100 km từ 15 - 17 giây. Xe sử dụng hệ dẫn động cầu sau, với số sàn 4 cấp.
Hệ nội thất bên trong xe thiết kế với hệ thống mặt đồng hồ công tơ mét, radio đơn giản. Xe có ưu điểm động cơ bền bỉ, dễ bảo trì. Chiếc xe trưng bày tại Dinh Độc Lập là chiến lợi phẩm của Trung đoàn 48, Sư đoàn 390, Quân đoàn 1 quân giải phóng khi đánh vào căn cứ Bộ Tổng tham mưu quân đội Việt Nam Cộng hòa lúc 9h10 ngày 30/4/1975. Hiện vật được đưa vào trưng bày tại Dinh Độc Lập lần đầu ngày 30/4/1995.
Cách chiếc Mercedes Benz 200 W110 không xa là chiếc Jeep M151 A2 - phương tiện đưa Tổng thống Dương Văn Minh đến Đài phát thanh Sài Gòn đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện chính quyền Cách mạng trưa 30/4/1975.
Chiếc Jeep M151 A2 là dòng xe quân sự đa dụng nổi tiếng được Quân đội Mỹ sử dụng từ thập niên 1950 đến 1980. Công ty đầu tiên phát triển và sản xuất mẫu xe là hãng Ford, từ năm 1951. Sau đó vài năm, Jeep được giao cho hai hãng xe hơi khác của Mỹ là Kaiser Jeep và AM General. Riêng kiểu xe M151 A2 được giới thiệu từ năm 1968. Tại Việt Nam Jeep M151 A2 được quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hòa sử dụng trong chiến tranh, với tên gọi dân dã là Jeep “lùn”. Xe sử dụng động cơ 4 xi lanh thẳng hàng, dung tích 2,3 lít (2.289cc), tốc độ tối đa đạt 105 km/h.
Xe có hệ thống treo độc lập 4 bánh lò xo cuộn, phanh tang trống cả 4 bánh. Điều này giúp Jeep M151 A2 có thể chạy địa hình tốt. Tuy nhiên, xe dễ bị lật khi vào cua gấp với tốc độ cao khi đi trong đường đô thị.
Thiết kế của xe không có cửa phục vụ tính cơ động trong chiến đấu, nên mẫu Jeep M151 A2 có trọng lượng nhẹ chỉ hơn 1 tấn, dễ vận chuyển bằng máy bay, dễ bảo trì sửa chữa. Bánh xe thiết kế nhiều rãnh sâu giúp xe có độ bám đường cao.
Hệ thống thông tin liên lạc của Việt Nam Cộng hòa đặt dưới hầm Dinh Độc Lập với nhiều phòng khác nhau. Đây là nơi nhận, chuyển, mã hóa các công điện, thay thế đài phát thanh trên mặt đất.
Số lượng nhân viên thông tin liên lạc tại Dinh Độc Lập gồm 41 người, trong đó có 21 điện báo viên, 6 nhân viên vận hành thiết bị truyền - nhận văn bản từ xa (viễn ấn), số còn lại làm truyền tin lưu động. Bộ phận này nhằm đảm bảo thông tin xuyên suốt với các chiến trường và các đại sứ quán phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, thực thi công việc của chính quyền Sài Gòn.
Trước năm 1968, khu vực thông tin liên lạc có đài phát thanh dự phòng với máy phát 1 KW phủ sóng vùng Sài Gòn Gia Định và các khu vực lân cận. Sau đó, chính quyền Việt Nam Cộng hòa tăng công suất lên 10 KW để mở rộng vùng phủ sóng. Việc thu phát sóng qua cột ăng-ten cao 45 m trong khuôn viên dinh, với tiếp sóng đài rada Phú Lâm giúp chính quyền Sài Gòn có thể truyền tin tới Mỹ và các đồng minh.