Đại tá Nguyễn Đức Phương - “ông chủ lớn” với nhiệm vụ đặc biệt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

50 năm ngày đất nước thống nhất, Đại tá Nguyễn Đức Phương không có mặt, nhưng những chiến công của ông góp trong đài hoa chiến thắng của dân tộc mãi được ghi vào lịch sử.

d1.jpg
Từ phải qua: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tá Nguyễn Đức Phương, bà Lưu Thị Kim Thu (vợ ông Phương), bà Trần Thị Thục Oanh - người đóng vai “em gái Ông chủ lớn” - tại gia đình Đại tá Phương

Khi ông còn sống, tôi nhiều lần đến nhà ở Quán Triều (TP Thái Nguyên), lúc đó còn khá heo hút. Bẵng đi vài năm, trở về, căn nhà đơn sơ đã không còn dáng ông cao lớn với bộ râu cước và giọng cười sang sảng bước ra đón khách. Trên vạt đồi đầy gió sau nhà, sinh phần xưa giờ đã có người nằm. Mùi hương nhẹ tỏa giữa mênh mông.

Hầu hết người dân Thái Nguyên chỉ biết Đại tá Nguyễn Đức Phương là một cựu chiến binh làm kinh tế giỏi, bởi ông là điển hình được báo chí ngợi ca khi biến vùng đồi hoang thành vườn cây ăn quả rộng lớn, rồi nuôi lợn, gà, chim bồ câu – mô hình hiếm có ở Thái Nguyên 30 năm trước.

Không mấy ai biết ông từng là một “nhà tư sản đỏ” chuyên giao dịch với sĩ quan Lào, Campuchia và các thương nhân lớn, để mua lương thực, thuốc men, xăng dầu... phục vụ bộ đội ở chiến trường miền Nam.

Khi nghỉ hưu ở tuổi gần 70, trong ba lô của “nhà tư sản” từng có cả kho ngà voi, chỉ có 2 lưỡi rìu mang về từ Liên Xô. Ông cũng từ chối căn nhà được cấp ở Hà Nội, để trở về với người vợ thủy chung người dân tộc Sán Dìu, sống cuộc đời bình dị của một lão nông.

Thỉnh thoảng, căn nhà ẩn sâu trong đồi rừng của ông lại đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Chu Huy Mân, Thượng tướng Lê Quang Hòa… đến thăm.

Nhiệm vụ đặc biệt

Đêm Trường Sơn tháng 7/1963, Binh trạm trưởng Nguyễn Đức Phương nhận lệnh làm Đoàn trưởng Đoàn 763 sang Lào thực hiện nhiệm vụ tạo nguồn lương thực dự trữ cho bộ đội – nhiệm vụ được Quân ủy Trung ương rất quan tâm. Đại tướng Võ Nguyên Giáp dành trọn ngày đến trao đổi với đoàn.

Ông Phương chỉ xin cấp 30 con dao rựa và 10 kg hạt giống rau để tăng gia tại căn cứ địa. Khi đó ông không ngờ rằng mình sẽ trở thành một “nhà tư sản” mặc áo lính.

Sau 2 tháng đi bộ, Đoàn 763 mới tới nơi. Được Tỉnh ủy Atôpơ (Lào) giúp đỡ, Đoàn nhanh chóng lập được 3 kho dự trữ 100 tấn thóc. Bộ Quốc phòng lập tức điện hoan nghênh.

Ông Đức Phương tiếp tục đưa cán bộ đi sâu vào lòng địch khơi nguồn hàng. Tại Pắcxế (Lào), ta móc nối được với vợ của Khăm Lượm - Quân khu phó và là em gái Hoàng thân Bun Ùm, nhân vật thế lực lớn nhất Hạ Lào, để bà cho lính chở lương thực đến nơi ta cần. Nhưng rồi địch cảnh giác nên phải dừng lại.

Ông Đức Phương liền xin cấp trên cho mở đường buôn bán sang Campuchia. Đơn vị mới được thành lập có mật danh Ấp 97 (sau đổi thành K20). Hàng mua được chở về lấy bí danh là tuyến đường C4.

IMG_4681.jpg
Đại tá Nguyễn Đức Phương

Ông Phương quyết định đóng quân ở khu rừng giáp biên giới Việt - Lào - Campuchia, cách đồn Đôn Phầy 3 km. Chỉ sau vài tháng, với mối quan hệ của ông, đồn trưởng Sun đã trở thành “cầu nối” để quân ta đến các tỉnh, thành khác của Campuchia mua hàng về Đôn Phầy, đồng thời khai thông được đường thủy, để Đại úy Kim Sinh (cán bộ Đoàn 17, Cục Hậu cần B2 cũng là “Ông chủ ba”), đưa đoàn tư sản Hoa kiều từ Phnôm Pênh lên bàn việc buôn bán.

Lúc này, ông Đức Phương mang lý lịch mới: là “Ông chủ lớn” - chuyên thầu hàng, vợ cũng người Việt và là chủ hiệu buôn lớn ở Sầm Nưa. Ông được trao một số tiền lớn để mua hàng, còn Đoàn 17 được Bộ Quốc phòng giao giữ tài khoản cho K20. Mỗi năm, tuyến đường C4 phải lấy được ít nhất một vạn tấn lương thực.

Từ đây, hàng của các thương nhân từ Stungtreng, Crachiê, Phôm Pênh ùn ùn kéo về Đôn Phầy bán cho “Ông chủ lớn”.

Dĩ nhiên, mật thám, CIA cũng tìm hiểu ai mua hàng và chở đi đâu, canô bao nhiêu mã lực, mỗi đêm chạy mấy chuyến, để biết hàng chở đi xa hay gần.

Người chỉ huy liêm khiết, có tầm nhìn chiến lược

Tôi nhờ người kết nối để có một cuộc gặp mặt với các đồng đội ông ở Hà Nội và xúc động khi thấy họ đều nhắc về ông với tình cảm trân trọng, kính phục. Trong họ, ông là một chỉ huy có tầm nhìn chiến lược, yêu thương bộ đội, đặc biệt là sự liêm khiết và không màng danh lợi.

Đại tá Nguyễn Văn Đãi - nguyên quản lý hậu cần ở K20 - kể một kỷ niệm: “Năm 1968 lụt lớn. Viên tỉnh trưởng phái đoàn Campuchia lên gặp anh Đức Phương: Nước sông to thế này, “Ông chủ lớn” có khả năng tiếp nhận bao nhiêu gạo? Anh Đức Phương cười đáp: “Bao nhiêu cũng mua hết!”

pa05.jpg
Phó tư lệnh Sư đoàn 470 Nguyễn Đức Phương (ngoài cùng bên phải) và 2 cán bộ cách mạng Lào (chụp năm 1972 tại Nam Lào). Ảnh: Bảo tàng Tổng cục Hậu cần.

Khi họ về, ông Đãi lo lắng hỏi làm sao mua hết được gạo, thì ông Phương bảo: “Nó hỏi để dò xem khả năng và lực lượng của ta chứ đâu phải để bán gạo! Cỡ chúng thì lấy đâu nhiều gạo mà bán!” Quả nhiên sau đó, cũng chỉ có 20 thuyền gạo chở lên, khiến mọi người càng khâm phục tầm nhìn của ông Phương.

Việc vận chuyển ngày càng khó khăn do máy bay Mỹ đánh phá dữ dội. Nhưng với sự chỉ đạo tài tình của “Ông chủ lớn”, K20 đã vượt qua thử thách để hoàn thành nhiệm vụ. Trong một lần ngồi thuyền chỉ đạo vận chuyển, ông Phương bị trúng bom bi (chỉ đến lúc ông lâm bệnh nặng, về Hà Nội chụp cắt lớp, vợ con ông mới biết trong cơ thể ông còn 14 viên bi đã hoen rỉ...).

Đại tá Đặng Doãn Duy - nguyên Đại đội trưởng Đội tiếp nhận - nhớ lại: Nơi đoàn đóng quân là “rốn” sốt rét của Đông Dương, nên ông Đức Phương mua giống cây cho các đơn vị tăng gia và đánh cá cải thiện, để tăng cường sức lực cho bộ đội. Có lần, không mua được lương thực, “Ông chủ hai” Hoàng Cao đề nghị hỗ trợ, nhưng ông Phương bảo: “Gạo này là của mặt trận chứ không phải để dùng. Tôi “cho” anh cả khúc sông Sêsan và những tấm lưới đánh cá là được rồi!”.

Chính ông Đức Phương, trước khi lên đường tổ chức tiệc chiêu đãi quan huyện Stungtreng để đàm phán việc làm đường, thì “bữa tiệc” của ông với đồng đội chỉ là sắn luộc.

Càng ngày nhu cầu gạo của bộ đội càng lớn. Nhiều đơn vị cấp sư đoàn cũng không còn gạo nấu cháo cho Bộ Tư lệnh. Việc làm con đường dài 60 km nối Xiêng Pạng với Đôn Phầy để có đường chở gạo được giao cho K20. Ông Đức Phương đã thương thuyết để quan huyện Xiêng Pạng đồng ý cho "culi" của “Ông chủ lớn” (là các chiến sĩ Trung đoàn 98 công binh) nhanh chóng hoàn thành con đường. Từ đây, gạo dự trữ tăng vùn vụt, từ 100 tấn lên 2.000 rồi 3.000 tấn...

Đến lúc này, K20 lại tập trung vào nhiệm vụ mua gom xăng theo chỉ đạo của đồng chí Lê Trọng Tấn. Các cán bộ, chiến sĩ K20 trở lại Đôn Phầy, móc nối với các quan chức địa phương, với tướng tá Sài Gòn để mua xăng.

Đại tá Nguyễn Văn Đãi nhớ lại: "Anh Phương cử người sang tận Thái Lan để mua xăng. Khi người tiền trạm mang tiền đặt cọc trở về, không dám mua vì thấy bán số lượng lớn quá, anh Đức Phương quát to: “Tiền là gì? Tiền chỉ là giấy thôi! Giấy đổi xăng cho bộ đội tại sao lại không?” Nhờ sự mưu trí, quyết tâm của ông Đức Phương, chiến dịch mua xăng đã kết thúc thắng lợi.

Không chỉ thu mua lương thực, thực phẩm, các mặt hàng chiến lược cho mặt trận Tây Nguyên và một phần Nam Bộ, K20 còn vận chuyển mặt hàng đặc biệt là tên lửa vào chiến trường B và nhiều lần đưa đón các đoàn bộ đội đặc công vào Nam, các đoàn cán bộ cao cấp ra Bắc công tác.

Đại tá Đặng Văn Khoát - nguyên Cục phó Cục Hậu cần Tây Nguyên chia sẻ: Nhờ anh Đức Phương mà khoảng 4 vạn cán bộ, chiến sĩ ở mặt trận Tây Nguyên chúng tôi đã sống và chiến đấu được trong gần 7 năm! Anh Đức Phương cung cấp cho chúng tôi từ lương thực, thực phẩm đến thuốc chữa bệnh, văn phòng phẩm, dao, cuốc...

Ông Nguyễn Công Duy, nguyên y tá ở K20 xúc động: "Chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ được cũng nhờ anh Phương rất giỏi dân vận. Anh thường cử nữ y tá Thục Oanh chữa bệnh cho nhân dân và quan quân địa phương. Tết của Lào, anh Phương mời các trưởng bản dự, biếu gạo các gia đình nghèo; tết Việt Nam thì mỗi canô chở hàng lên lại được biếu số bánh chưng bằng số người trong gia đình họ. Uy danh “Ông chủ lớn” rộng lắm".

Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới thăm gia đình ông Nguyễn Đức Phươn.jpg
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm nhà Đại tá Nguyễn Đức Phương ở Thái Nguyên

Sự hy sinh thầm lặng

Chiến công của ông lớn thế, nhưng vợ ông - bà Lưu Thị Kim Thu - một phụ nữ xinh đẹp, hiền hậu, lại gần như chẳng biết.

Vì cưới được 2 ngày là ông đi B. Thư từ chỉ thảng hoặc, mà đều phải qua một người ở Trạm 66. Có thời gian hoàn toàn mất liên lạc. Vài năm, ông bà mới được gặp nhau ít ngày. Xe đón bà đến nơi ông chờ sẵn, khi ở Trạm 66 Hà Nội, lúc một nhà khách tại một tỉnh xa. Mấy đứa con đều là kết quả của những chuyến “gặp nhau lần nào cũng vội”.

Bà chỉ đoán ông hoạt động bí mật chứ chưa bao giờ hỏi, khi thấy vợ bộ đội đi B, C đều lĩnh lương chồng tại xã, riêng bà lại lĩnh lương ông ở Thành đội Thái Nguyên. Bà tôn trọng mọi quyết định của chồng, khi ông từ chối nhận nhà ở Hà Nội hay nghỉ hưu với chiếc ba lô chỉ có 2 lưỡi rìu.

Những tấm Huân chương của Nhà nước ta, của Chính phủ Lào trao tặng ông, cho bà biết rằng ông đã có những đóng góp quan trọng, nhưng bà lại không hề biết rằng, trong mỗi chiến công của ông, có cả sự hy sinh lặng lẽ và vô cùng to lớn của bà.

(Ảnh: Gia đình cung cấp)