Phong trào Đông Du và mối quan hệ hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản

VietTimes – Ngày 3/3, tại Đà Nẵng, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và ĐH Đông Á đã tổ chức hội thảo chuyên đề “Phong trào Đông Du đầu thế kỷ XX – Những giá trị từ quá khứ đến hiện tại” và những giá trị đối với quan hệ Việt-Nhật
PGS.TS. Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Nhà sử học Dương Trung Quốc - Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam chủ trì hội thảo.

Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và ĐH Đông Á đã tổ chức hội thảo chuyên đề “Phong trào Đông Du đầu thế kỷ XX – Những giá trị từ quá khứ đến hiện tại” tại Đà Nẵng vào hôm nay 3/3, nhân chuẩn bị kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản.

PGS.TS. Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; Nhà sử học Dương Trung Quốc - Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Ban giám hiệu ĐH Đông Á (Đà Nẵng) cùng chủ trì hội thảo.

Hội thảo thu hút sự quan tâm của hơn 300 người là các nhà nghiên cứu, nhà sử học trong cả nước, giảng viên, sinh viên các trường ĐH trên địa bàn TP Đà Nẵng và đại diện Học viện Shibaura, Nhật Bản.

PGS.TS. Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại sự kiện, PGS.TS. Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam - đánh giá: “Trong sự nghiệp phát triển đất nước hôm nay, theo chủ trương độc lập, tự chủ, cùng với sự hợp tác quốc tế chúng ta chủ trương phải xây dựng sức mạnh của toàn dân tộc, phải chủ yếu dựa vào sức mạnh toàn dân, của yếu tố “nội lực”. Trong tình hình ấy, việc ĐH Đông Á tổ chức hội thảo khoa học “Phong trào Đông Du đầu thế kỷ XX – Những giá trị từ quá khứ đến hiện tại” có ý nghĩa khoa học sâu sắc, không chỉ trên phương diện lý luận mà cả trên phương diện thực tiễn.”

Còn TS. Nguyễn Thị Anh Đào - Hiệu trưởng ĐH Đông Á - cho rằng, hội thảo diễn ra trong bối cảnh hai nước Việt Nam và Nhật Bản đang hướng đến kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao, cũng là dịp để đúc kết những giá trị lịch sử, tư tưởng, khoa học, văn hóa, giáo dục mà phong trào Đông Du đầu XX đã mở hướng và trao truyền cho hậu thế, khơi dậy tinh thần “cầu học” đối với thế hệ trẻ Việt Nam nói chung và với sinh viên ĐH Đông Á nói riêng.

"Đó là những bài học quý báu mà thế hệ chúng ta và các thế hệ sau này tiếp nhận và thực hành cho công cuộc “hậu Đông du” vào thế kỷ XXI, tiếp nối đường lối “Đông du cầu học” đầu thế kỷ XX, trở thành trào lưu thế hệ trẻ Việt Nam “tiến ra thế giới, thâu nạp kiến thức, hoàn thiện bản thân”, để trở về phụng sự Tổ quốc, xây dựng đất nước, đưa đất nước phát triển cường thịnh và bền vững, “sánh vai với các cường quốc năm châu bốn biển”, như ước vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời” - TS. Nguyễn Thị Anh Đào nhấn mạnh.

TS. Nguyễn Thị Anh Đào - Hiệu trưởng ĐH Đông Á phát biểu tại sự kiện

Hội thảo được chia thành 3 phiên làm việc với 20 báo cáo chuyên đề, trong đó có 13 báo cáo được trình bày trực tiếp tại hội thảo, của hơn 30 các nhà sử học, nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên trong cả nước.

Xuyên suốt hội thảo là những phân tích vừa tổng quan vừa chuyên môn sâu về các chủ đề được chia theo từng phiên làm việc: phong trào Đông Du đầu thế kỷ XX, ảnh hưởng của phong trào Đông Du đối với phong trào yêu nước và xu thế cải cách, duy tân ở Việt Nam đầu thế kỷ XX, “Nhịp cầu Đông Du” bắc qua hai thế kỷ,… Trong đó, những hoạt động của phong trào Đông Du trên đất Nhật Bản trên tinh thần “cầu học” - học tập sự tiến bộ của bên ngoài cho sự nghiệp chấn hưng quốc gia, có thể xem là biểu tượng của quan hệ hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản. Tinh thần “Đông Du” vẫn còn nguyên giá trị khi các thế hệ Việt Nam thay nhau qua các nước tiến bộ, trong đó có Nhật Bản, học tập, tiếp thu sự tiến bộ về khoa học kỹ thuật nhằm quay trở về Việt Nam xây dựng đất nước.

Các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, nhà khoa học và đại biểu chụp ảnh lưu niệm nhân sự kiện

Tại các phiên trình bày, nhiều sử liệu mới được phát hiện và nhiều phân tích thú vị được các tác giả nghiên cứu và báo cáo tại hội thảo về phong trào Đông du và dấu ấn trong quan hệ giao lưu văn hóa, giáo dục Việt Nam - Nhật Bản, ảnh hưởng của phong trào Đông Du (1905 - 1909) đến văn hóa của giới trẻ Việt Nam hiện nay, phong trào Đông Du và sứ mệnh kế tục “cầu học” của sinh viên Đại học Đông Á,…

Được biết, chuỗi hoạt động Lễ hội giao lưu văn hoá Việt – Nhật và Ngày hội việc làm Nhật Bản thường niên lần thứ 8 - năm 2023 tại ĐH Đông Á sẽ chính thức diễn ra vào ngày 9/3 tới.