Phát biểu tại Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam (VEPF) 2017 vừa diễn ra sáng nay (6/11), Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá thanh toán di động (mobile payment) đã đem lại cơ hội tiếp cận các dịch vụ tài chính một cách thuận tiện, với chi phí phải chăng cho hàng trăm triệu người thu nhập thấp. Sự xuất hiện của mobile payment đã giúp cộng đồng thu nhập thấp tham gia và có cơ hội hưởng lợi trực tiếp từ những thành quả của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Ở châu Á, tại Trung Quốc và Ấn Độ, thanh toán di động cũng đang bùng nổ cả ở thành thị lẫn nông thôn, làm thay đổi cách thức kinh doanh. Thanh toán qua mobile thực sự là công cụ thúc đẩy Tài chính Toàn diện (Financial Inclusion), được hiểu như một nền tài chính mang lại lợi ích cho mỗi người dân, dù họ ở bất cứ đâu.
Tại Việt Nam, hàng loạt doanh nghiệp trong các lĩnh vực viễn thông, ngân hàng, các công ty khởi nghiệp tài chính điện tử (Fintech) cũng bắt đầu cung cấp dịch vụ đến các vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp và tiếp cận với một số lượng lớn người lao động, bình thường vốn ít có điều kiện tiếp xúc với các dịch vụ tài chính truyền thống.
"Tôi tin tưởng rằng, thanh toán di động sẽ nhanh chóng bùng nổ và phổ cập ở Việt Nam như chúng ta đã làm được với điện thoại di động hơn 10 năm trước", ông nói.
Đây cũng là mục tiêu quan trọng của Chính phủ, mong muốn làm bùng nổ và phổ cập thanh toán di động, góp phần đưa tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương diện thanh toán ở mức thấp hơn 10% vào năm 2020.
“Thế giới ngày nay, thế giới của công nghệ và sáng tạo, thì một nước đi sau có thể có lợi thế hơn, nhưng với điều kiện là đi sau thì phải đi trước. Chúng ta phải đi trước, phải đi nhanh hơn với nền tảng Internet và điện thoại di động rộng khắp. Chỉ có đi trước thì những nước đi sau mới thay đổi được thứ hạng. Đi trước đầu tiên phải là tạo môi trường cho cái mới. Chính phủ kiến tạo của chúng ta cam kết điều đó”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Hiện nay, Việt Nam có 140 thuê bao di động/100 dân, gần 60 triệu thuê bao 3G, 4G với 99% số quân huyện trên toàn quốc đã được phủ sóng 4G. Số thuê bao di động băng rộng SmartPhone dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên 80 triệu vào năm 2020. Đây là điều kiện lý tưởng để thúc đẩy thanh toán di động, cũng như các dịch vụ tài chính và thương mại điện tử khác đến tất cả các vùng miền, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và tất cả các nhóm dân cư ở Việt Nam, thay đổi triệt để thói quen dùng tiền mặt như hiện tại.
Theo Phó thủ tướng, với một đất nước đang phát triển như Việt Nam thì nhanh và phổ cập là vô cùng quan trọng. "Nhanh để đất nước không bị tụt hậu, phổ cập để không ai bị bỏ lại phía sau. Một cộng đồng doanh nghiệp khát vọng và sáng tạo sẽ làm được điều này", ông nhấn mạnh.
Trên cơ sở đó Chính phủ đã có nhiều quyết sách, đề án để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và thanh toán di động nói riêng. "Chính Phủ cam kết sẽ tạo thuận lợi và thúc đẩy xu hướng thanh toán di động tại Việt Nam", ông nói.
Cụ thể, thường xuyên đối thoại, làm việc chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp (cả bên cung cấp và sử dụng dịch vụ thanh toán), các tổ chức tài chính trong và ngoài nước để tìm hiểu các rào cản và cùng đề ra giải pháp;
Chính phủ cũng cam kết phát hiện và giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh trên thực tế để đảm bảo lợi ích có thể đến được với đại đa số người dân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, Chính phủ sẽ thúc đẩy việc cập nhật, thông qua khuôn khổ pháp lý, tạo cơ chế và xây dựng các chương trình hành động cần thiết để tạo thuận lợi, quảng bá cho thanh toán di động nói riêng và các dịch vụ công nghệ tài chính, thương mại điện tử nói chung.
Lãnh đạo Chính phủ đề nghị Ngân hàng Nhà nước, các Bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ hơn nữa để giải quyết những khó khăn, vướng mắc đang và sẽ phát sinh. Cộng đồng doanh nghiệp hợp tác cũng cần với nhau và với Chính phủ để cùng giải quyết các thách thức...
Trước việc Mobile Payment ngày càng trở thành xu thế thanh toán tất yếu trong khu vực và trên thế giới, VEPF 2017 lựa chọn đây sẽ là chủ đề chính thảo luận để các bên liên quan nắm bắt, thích nghi và kịp thay đổi với xu hướng công nghệ mới. Đồng thời, với dân số hơn 90 triệu người, phần lớn là thế hệ trẻ năng động, ưa thích smartphone và vẫn còn 70% người dân chưa có tài khoản ngân hàng, thanh toán di động cũng được kỳ vọng là một giải pháp đột phá nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam.