Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương rà soát, sửa đổi hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương rà soát, sửa đổi hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch phù hợp với tình hình mới.
Học sinh được tiêm vaccine COVID-19 (Ảnh - Minh Thuý)
Học sinh được tiêm vaccine COVID-19 (Ảnh - Minh Thuý)

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương rà soát, sửa đổi hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch cho phù hợp với tình hình mới, đồng thời, chỉ đạo việc sử dụng thuốc điều trị (kể cả thuốc kháng virus) bảo đảm an toàn, hiệu quả; rà soát, chỉ đạo nhập khẩu, sản xuất, sử dụng, phân phối thuốc kháng virus bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định.

Trước đó, ngày 12/10/2021 Bộ Y tế đã ban hành quyết định thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về việc tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Quyết định này tạm dừng thực hiện Chỉ thị 15, 16, 19, chia 4 cấp độ dịch bệnh với các biện pháp tương ứng, bao gồm:

- Cấp 1: nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh.

- Cấp 2: nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng.

- Cấp 3: nguy cơ cao tương ứng với màu cam.

- Cấp 4: nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ.

Từ đó, có 3 tiêu chí mà hiện nay các địa phương đang áp dụng để đánh giá cấp độ dịch trên địa bàn, gồm:

- Số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 người/tuần.

- Tỉ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vaccine COVID-19.

- Đảm bảo khả năng điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến.

Trước đó, tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác điều trị COVID-19 diễn ra vào cuối tháng 11/2021, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng thay vì đánh giá cấp độ dịch theo 3 tiêu chí nêu trên, Bộ Y tế sẽ tập trung vào việc giảm tỉ lệ ca nhập viện, giảm bệnh nhân nặng, tử vong và lấy đó làm chỉ tiêu đánh giá cấp độ dịch.

Thứ trưởng cũng đề nghị các địa phương khi đánh giá cấp độ dịch càng chia nhỏ càng tốt, đánh giá tới từng cụm dân cư, từng khu phố,... để không ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, sinh hoạt của địa phương trên diện rộng.