Phó Thủ tướng nhấn mạnh TP.HCM coi như có dịch, kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng, chống COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh tinh thần quyết liệt, yêu cầu kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng, chống COVID-19 tại buổi làm việc với TP.HCM sáng nay.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chỉ đạo tại buổi làm việc sáng hôm nay 28-4. Ảnh: Huyền Mai
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chỉ đạo tại buổi làm việc sáng hôm nay 28-4. Ảnh: Huyền Mai

Kích hoạt hệ thống phòng, chống dịch Covid-19

Sáng nay 28/4, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình có buổi làm việc với UBND TP.HCM về công tác phòng, chống Covid-19 trong tình hình hiện nay. Tham gia buổi làm việc có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Vũ Hải Sản; Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Cao Huy; Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên và các thành viên trong đoàn công tác của Chính phủ.

Về phía TP.HCM có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong; Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cùng lãnh đạo các Sở - ngành, địa phương và các thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh: “Mặc dù đã có vắc xin nhưng tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến xấu tại một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới, tạo nên áp lực lớn cho Việt Nam khi số lượng người nhập cảnh ngày càng tăng; cùng với đó là tình trạng nhập cảnh trái phép vẫn còn diễn ra. Nếu chúng ta không kiểm soát tốt thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh trở lại luôn hiện hữu. Cả hệ thống chính trị đã và đang nỗ lực với quyết tâm cao nhất để chiến thắng dịch bệnh. Đặc biệt dịp lễ sắp đến, công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm soát tình hình trong cộng đồng là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu”.

Báo cáo với Phó Thủ tướng Thường trực và đoàn công tác, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, đến nay có 254 trường hợp mắc Covid-19 phát hiện tại TPHCM, trong đó có 68 trường hợp nhiễm trong cộng đồng chiếm tỷ lệ 26,98%; hiện TP đang điều trị 27 trường hợp đều là người nhập cảnh, sức khỏe ổn định. Kể từ ngày 10/2/2021, đã 75 ngày qua TP không ghi nhận trường hợp mắc bệnh trong cộng đồng.

Về các hoạt động phòng chống dịch Covid-19, từ đầu năm 2021 đến nay, TPHCM phát hiện 66 trường hợp nhập cảnh trái phép trên địa bàn, đã tiến hành truy vết và cách ly tập trung đúng quy định ngay khi phát hiện, trong đó có 04 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Riêng ngày 27/4, TP phát hiện 02 trường hợp nhập cảnh trái phép từ Campuchia, vào điều trị Bệnh viện Từ Dũ, đã thực hiện cách ly tập trung, xét nghiệm kiểm tra lần 1 có kết quả âm tính, đồng thời cách ly tập trung 40 người có tiếp xúc với 02 trường hợp này, đã xét nghiệm kiểm tra âm tính với SARS-CoV-2.

TP.HCM tổ chức quản lý chặt chẽ việc nhập cảnh tại cửa khẩu, thực hiện nghiêm việc khai báo y tế điện tử, kiểm dịch y tế cửa khẩu hàng không, hàng hải; tổ chức quy trình tiếp nhận và vận chuyển người nhập cảnh về cơ sở cách ly tập trung đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Bệnh cạnh đó, TP.HCM cũng đảm bảo an toàn các cơ sở cách ly tập trung, xây dựng các tiêu chí cụ thể về an toàn phòng chống dịch Covid-19 và công cụ đánh giá mức độ an toàn đối với các cơ sở cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Nhằm giám sát nguy cơ phát sinh dịch bệnh, tăng cường xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 và giám sát đối với các nhóm nguy cơ trong bệnh viện, nhân viên sân bay, chuyên gia nhập cảnh, tiểu thương ở chợ, nhân viên phục vụ nhà hàng, khách sạn, bến xe, nhà ga, khu công nghiệp, khu chế xuất, dịch vụ giải trí…và cả những người có triệu chứng hô hấp, người đến từ vùng dịch, người có liên quan đến các ca bệnh, ca nghi nhiễm.

Theo báo cáo, TP.HCM hiện có 4 bệnh viện (BV Bệnh Nhiệt đới, BV Dã chiến Củ Chi, BV Điều trị Covid-19 Cần Giờ, BV Nhi đồng TP.HCM) tiếp nhận và điều trị trường hợp xác định Covid-19. Ngoài ra BV Chợ Rẫy cũng tham gia công tác điều trị Covid-19.

Liên quan đến công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19, trong đợt 1, TP.HCM đã tiếp nhận 9.050 liều vắc xin và tổ chức tiêm cho lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch gồm nhân viên y tế, nhân viên khu cách ly tập trung, hỗ trợ tiêm vắc xin cho cán bộ công an tham gia phòng chống dịch. Đợt 2, TP tiếp nhận thêm 57.750 liều vắc xin cấp về Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP và 1.500 liều cấp cho BV Chợ Rẫy. TP tiếp tục tiêm vắc xin cho toàn bộ nhân viên y tế, người làm việc ở các bộ phận trọng yếu hoặc thường xuyên tiếp xúc với nhiều người của các cơ sở y tế; tiêm nhắc mũi 2 cho những người đã tiêm đợt 1; tiêm cho nhân viên ở cảng hàng không quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất. Chiến dịch tiêm vắc xin đợt 2 từ 19/4 đến 30/4/2021 và tổ chức tiêm vét đến 05/5, đảm bảo đúng tiến độ của Bộ Y tế.

Mới đây, ngày 26/4/2021, UBND TP.HCM ban hành công văn 1290/UBND-VX về tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Trong đó, tiếp tục tăng cường cảnh giác với nguy cơ dịch bệnh, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp với phương châm “Phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình”. Thực hiện nghiêm yêu cầu 5K của Bộ Y tế, xử phạt nghiêm các trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng, địa điểm tập trung đông người theo quy định. Tiếp tục hạn chế các sự kiện, hoạt động tập trung đông người không cần thiết.

TP.HCM cũng chủ động phối hợp với các tỉnh bạn để trao đổi, cung cấp thông tin về các trường hợp nghi ngờ nhập cảnh trái phép, tăng cường các hoạt động rà soát, phát hiện nhanh các trường hợp nhập cảnh trái phép trên địa bàn và xử lý nghiêm theo pháp luật các trường hợp thuộc thẩm quyền.

Trao đổi tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ đánh giá cao và ủng hộ các chỉ đạo, giải pháp TPHCM đã và đang triển khai để phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, qua đánh giá và phân tích các yếu tố nguy cơ thì TPHCM là địa phương có nguy cơ dịch bệnh cao nhất. Vì vậy, công tác phòng chống dịch Covid-19 của TPHCM phải nâng lên 1 bậc, kích hoạt lại toàn bộ hệ thống phòng chống dịch mạnh mẽ hơn cùng với những giải pháp sẵn sàng cho tình trạng báo động cao.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trao đổi tại buổi làm việc. Ảnh: Huyền Mai

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trao đổi tại buổi làm việc. Ảnh: Huyền Mai

Trước mắt là dịp lễ lớn sắp tới, kiểm soát dịch bệnh phải chặt chẽ tuyệt đối. Nhất là, kiểm soát chặt chẽ tại các điểm công cộng, nơi tập trung đông người; tăng cường năng lực xét nghiệm để chủ động tình hình. Về cách ly tập trung, cần xây dựng phương án cách ly trên diện rộng kết hợp với phương án điều trị nâng cao. Theo đó, TP.HCM rà soát lại các cơ sở, lực lượng và trang thiết bị phục vụ công tác điều trị để chủ động cho mọi tình huống có thể xảy ra.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị TP.HCM hỗ trợ công tác xét nghiệm cho các tỉnh lân cận để tăng hiệu quả trong phòng chống dịch bệnh.

Không ngăn sông cấm chợ nhưng không chủ quan

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình biểu dương những kết quả phòng chống dịch và hồi phục kinh tế - xã hội của TP.HCM thời gian qua, đặc biệt là những cách làm sáng tạo, hiệu quả, huy động được sự vào cuộc và chung tay của nhiều lực lượng, người dân.

Hiện nay, tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại các nước láng giềng với số người mắc, người tử vong gia tăng. TPHCM là trung tâm kinh tế - xã hội, nguy cơ bùng phát dịch bệnh trở lại tại đây sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đối với cả nước. Vì vậy, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, không ngăn sông cấm chợ làm trở ngại việc phục hồi kinh tế nhưng tuyệt đối không được lơ là, chủ quan trong phòng chống dịch bệnh Covid-19. Nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh phải được xác định là trọng tâm và đặt lên hàng đầu, coi đây là điều kiện tiên quyết để ổn định và phục hồi kinh tế - xã hội.

Lãnh đạo TP.HCM cần quán triệt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các phương châm “chống dịch như chống giặc”, thực hiện “mục tiêu kép” hiệu quả; xây dựng các phương án, kịch bản sẵn sàng cho mọi tình huống và chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ về tình hình phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Đồng thời, theo Phó Thủ tướng Thường trực, cần đẩy mạnh kiểm tra việc tự đánh giá và chấp hành yêu cầu 5K, các tiêu chí an toàn về phòng chống dịch tại tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương theo quy định của ngành y tế; không để xảy ra lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng và lây nhiễm chéo tại các cơ sở y tế.

Tiếp tục quản lý chặt chẽ người nhập cảnh; đối với các trường hợp nhập cảnh trái phép và làm tổn hại đến kết quả phòng chống dịch của TP.HCM nói riêng, cả nước nói chung cần xem xét các yếu tố hình sự để kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật.

Toàn cảnh buổi làm việc sáng 28-4 (Ảnh: Huyền Mai)

Toàn cảnh buổi làm việc sáng 28-4 (Ảnh: Huyền Mai)

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống Covid-19 trong tình hình mới đến từng người dân để chủ động, tự giác bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, phòng chống dịch bệnh hiệu quả; hạn chế tổ chức các sự kiện, hoạt động không cần thiết, tập trung đông người.

Mặt khác, tiếp tục nâng cao năng lực cách ly, điều trị Covid-19 trên địa bàn và sẵn sàng chi viện cho các địa phương khác; chủ động rà soát, phân công, phân cấp trong công tác phòng chống dịch bệnh; phát huy vai trò các Tổ Covid-19 trong cộng đồng; giao trách nhiệm cho người đứng đầu từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ giao Bộ Y tế theo dõi, nắm bắt tình hình, kịp thời hỗ trợ tháo gỡ những vướng mắc của TPHCM và các địa phương trong phòng chống dịch bệnh để báo cáo Chính phủ.