Việt Nam hiện có 40 công ty Fintech nhưng 60% trong số này hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực thanh toán
Trao đổi tại Diễn đàn chuyên đề Thị trường vốn - tài chính trong khuôn khổ ViEF (Diễn đàn Kinh tế Việt Nam) ngày 21/8, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh việc tái cấu trúc thị trường tài chính cần gắn liền với ứng dụng các thành quả của kinh tế số.
Phó Thủ tướng cho rằng cần ưu tiên xây dựng hệ sinh thái cho sự phát triển của nền kinh tế số trước khi xây dựng khung khổ quản lý; phát triển mạnh các dịch vụ tài chính vi mô, Fintech, cho thuê tài chính...
Đối với nguồn huy động vốn từ “tín dụng đen”, Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ xóa bỏ các hình thức huy động đa cấp có tính chất lừa đảo, cho vay nặng lãi. Tuy nhiên, Chính phủ mong muốn được nghe nhiều hơn các kinh nghiệm vận hành, quản lý “tín dụng phi chính thức” của các quốc gia, nền kinh tế khác trên thế giới để đa dạng các nguồn cung cấp vốn cho nền kinh tế.
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của KPMG tại Việt Nam và Campuchia, ông Warrick Cleine cho rằng để kiểm soát tín dụng đen, Chính phủ cần có hệ thống giám sát, kiểm soát bộ phận tín dụng này rõ ràng, có biện pháp để bảo hộ các hoạt động tín dụng chính thức.
Trong khi đó Chuyên gia Ngân hàng Thế giới Alatabani gợi mở giải pháp bằng các gói sản phẩm tín dụng khác nhau cho thị trường.
Hiện nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa thể tiếp cận vốn ngân hàng. Vì vậy, các gói sản phẩm như thuê mua tài sản có thể là kênh để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận khoản vay, hoặc công cụ khác như Fintech.
Bày tỏ quan điểm, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho hay trong sự phát triển hiện nay, lĩnh vực ngân hàng tài chính không thể đứng ngoài xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Do đó, Ngân hàng Nhà nước đang có nhiều điều chỉnh hoạt động để tiếp cận gần hơn với ngân hàng số trong đó nổi bật là Fintech.
Bà Nguyễn Thị Hồng khẳng định Fintech là một trong số giải pháp có thể hạn chế được thị trường tín dụng đen. Ngân hàng Nhà nước đã thành lập Ban chỉ đạo Fintech.
Tại Việt Nam hiện có 40 công ty Fintech nhưng 60% trong số này hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực thanh toán, các phân khúc khác còn hạn chế.
"Tiềm năng phát triển Fintech tại Việt Nam còn lớn, do đó, cơ quan quản lý sẽ dần hoàn thiện khung khổ pháp lý để thúc đẩy hình thức này phát triển tại Việt Nam", đại diện Ngân hàng Nhà nước nói.
Liên quan đến vấn đề này, ông Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương bày tỏ Fintech phát triển rất nhanh, không chờ đợi ai, do đó Ngân hàng Nhà nước phải đẩy nhanh để bắt kịp.
Theo ICT News