Phát biểu tại buổi tọa đàm "Công nghệ số trong quản trị doanh nghiệp hiện đại: Xu hướng quốc tế và thực tiễn Việt Nam" vừa được tổ chức tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân mới đây, ông Đặng Vũ Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) - đã nêu ra 6 khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải khi thực hiện chuyển đổi số:
Thứ nhất, nhiều doanh nghiệp thiếu hụt kiến thức, không có sự hiểu biết chính xác về chuyển đổi số. Mặc dù khái niệm chuyển đổi số đã được đề cập rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng để triển khai thực tế, nhiều doanh nghiệp không rõ mình cần chuyển đổi số thế nào, áp dụng chuyển đổi số vào những hoạt động nào.
Thứ hai, các phương tiện truyền thông, mạng xã hội đưa ra rất nhiều thông tin, định nghĩa khác nhau về chuyển đổi số, trong đó có cả những thông tin không chuẩn xác, không có giá trị thực tiễn, gây nhiễu cho người tiếp cận.
Thứ ba là chuyển đổi số đòi hỏi thay đổi hoạt động truyền thống của doanh nghiệp, thay đổi các thói quen, quy trình. Điều này gây ra những khó khăn về mặt thích ứng của doanh nghiệp. Những doanh nghiệp có khả năng thích ứng có thể vượt qua trở ngại này.
Thứ tư là thiếu nguồn nhân lực nội bộ có hiểu biết về công nghệ số, có khả năng vận hành các thiết bị số, phần mềm số. Thiếu hạ tầng công nghệ số.
Thứ năm, chuyển đổi số đòi hỏi chi phí cao, nhất là khi thực hiện tổng thể, đồng bộ, dài hạn. Ngược lại, khó đánh giá chính xác ngay hiệu quả định lượng, trực tiếp của việc ứng dụng công nghệ số, thực hiện chuyển đổi số trong thời gian ngắn hạn.
Thứ sáu là việc thiếu nguồn lực dẫn đến doanh nghiệp thường đầu tư từng phần, sẽ gặp khó khăn khi tích hợp các ứng dụng, các hệ thống thành phần độc lập thành một hệ thống tổng thể, đồng bộ, thống nhất. Doanh nghiệp càng lớn, hệ thống càng lớn và phức tạp, khó khăn càng lớn.
Theo ông Đặng Vũ Tuấn, chuyển đổi số là điều kiện bắt buộc nếu doanh nghiệp muốn tăng sức cạnh tranh và tăng hiệu quả hoạt động. Vì thế, mặc dù gặp phải những khó khăn kể trên, nhưng doanh nghiệp vẫn cần chuẩn bị cho mình từng bước để có thể thực hiện chuyển đổi số. Doanh nghiệp cần lưu ý các vấn đề sau:
Thứ nhất, nhận thức, quyết tâm của người đứng đầu là quan trọng nhất, quyết định sự thành công hay thất bại, lãng phí hay hiệu quả của quá trình chuyển đổi số.
Thứ hai, doanh nghiệp cần nhận biết được các công nghệ ứng dụng cho chuyển đổi số
Thứ ba là sử dụng đơn vị tư vấn chuyển đổi số độc lập thay vì đơn vị chào bán sản phẩm.
Thứ tư là lựa chọn những phần công việc thuận lợi, phù hợp về quy mô và chi phí đầu tư, từng bước triển khai chuyển đổi số từ thấp đến cao, từ dễ đến khó
Thứ năm là doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể chuyển đổi số nhanh chóng và tiết kiệm qua việc thuê dịch vụ, sử dụng các nền tảng dùng chung, điện toán đám mây.
Buổi tọa đàm còn có sự tham gia của TS. Paul Bennett – Giám đốc phụ trách quốc tế Trường Kinh doanh và Luật, Đại học West of England; TS Trần Quang Huy – Tổng Biên tập Tạp chí Chính sách và Quản lý KH&CN; Quyền Trưởng Khoa Quốc tế và Đào tạo sau Đại học Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo; ông Trần Việt Anh – Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Spiderum.
Các diễn giả đã nêu lên thực trạng Việt Nam có nguy cơ mất lợi thế về nhân công giá rẻ và chảy máu chất xám vì nhân sự công nghệ chất lượng cao bị các doanh nghiệp nước ngoài thu hút. Việc này đòi hỏi doanh nghiệp phải tự đào tạo, cải tổ lại quy trình cung cấp dịch vụ, cơ cấu tổ chức.
Các diễn giả cho rằng doanh nghiệp nên ứng dụng từ những công nghệ đơn giản nhất, đừng tham ứng dụng những thứ quá vĩ mô. Doanh nghiệp cần cao nhận thức người điều hành doanh nghiệp cho đến đội ngũ nhân viên thực thi. Việc đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ nhân viên, đội ngũ quản trị doanh nghiệp là cực kỳ cần thiết.
Cùng với buổi tọa đàm, còn có lễ ra mắt Chương trình Thạc sĩ Kinh doanh Quản lý Số và Thạc sĩ Kinh doanh Quản lý Chuỗi cung ứng, do Viện Đào tạo Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân hợp tác với Đại học West of England, Vương quốc Anh tổ chức.
Tham dự chương trình, về phía Đại học West of England, Vương quốc Anh có GS. Ray Priest – Giám đốc Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương; TS Paul Bennett – Giám đốc phụ trách Quốc tế, Trường Kinh doanh và Luật.
Về phía Trường Đại học Kinh tế quốc dân có GS.TS Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng; PGS.TS Bùi Đức Thọ – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu – Phó Hiệu trưởng; cùng đại diện lãnh đạo các Phòng ban, Khoa, Viện, Trung tâm trong toàn trường.
GS.TS Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - chia sẻ: "Xu hướng kinh doanh tại Việt Nam đang dần thay đổi. Chuyển đổi số đang là yêu cầu tất yếu với việc ứng dụng công nghệ trong quản lý doanh nghiệp. Trước những cơ hội và thách thức của nền kinh tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và cụ thể là Viện Đào tạo Quốc tế luôn nỗ lực tìm kiếm và phát triển các chương trình liên kết quốc tế chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thế hệ các nhà quản trị mới”.
GS. Ray Priest – Giám đốc Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Đại học West of England - bày tỏ tin tưởng rằng, 2 chương trình Thạc sĩ mới này tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân sẽ hỗ trợ phát triển kinh tế và kinh doanh trong giai đoạn hậu đại dịch để khôi phục tăng trưởng kinh tế trong nước và trong khu vực, giúp cho học viên định hình lại tương lai tốt đẹp hơn.