Phó Chủ tịch HCL Technologies: "Việt Nam sẽ thành điểm đến của ngành CNTT thế giới trong 10 năm tới"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Với nhu cầu rất lớn về công nghệ thông tin (CNTT) và quá trình phát triển của thế giới, các công ty công nghệ toàn cầu sẽ dần tiến vào Việt Nam. Trong 10 năm tới, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến của ngành CNTT trên thế giới.

Ông Sanjay Gupta - Phó Chủ tịch tập đoàn HCL Technologies.
Ông Sanjay Gupta - Phó Chủ tịch tập đoàn HCL Technologies.

Đó là nhận định của ông Sanjay Gupta - Phó Chủ tịch tập đoàn HCL Technologies - trong cuộc trao đổi riêng với VietTimes nhân dịp tập đoàn này mở chi nhánh tại Việt Nam.

- Ông đánh giá xu hướng nghề nghiệp trong lĩnh vực CNTT trong thời gian tới như thế nào?

Ông Sanjay Gupta - Phó Chủ tịch tập đoàn HCL Technologies: Tôi nhận thấy có 2 xu hướng nổi bật trong tương lai: Hiện đại hóa các ứng dụng hiện tại và an ninh mạng. Đây 2 lĩnh vực HCL có thế mạnh rất lớn.

Hiện đại hóa ứng dụng hiện tại nghĩa là sẽ thay đổi tính năng, thay đổi giao diện, trải nghiệm của ứng dụng hoặc đưa các ứng dụng này lên đám mây và cách thay đổi các thông số khi đưa lên đám mây.

Thứ 2 là vấn đề an ninh mạng. Khi chúng ta số hóa tất cả mọi thứ thì mọi người sẽ trở nên dễ bị tổn thương, dữ liệu rất dễ bị đánh mất nên vấn đề an ninh mạng rất quan trọng.

- Được biết HCL đã có cuộc gặp gỡ với đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông và có đề xuất hợp tác với trường đại học, cơ sở giáo dục. Ông đánh giá như thế nào về đào tạo kỹ năng CNTT cho sinh viên tại Việt Nam và việc hợp tác này sẽ có điểm gì mới có thể đáp ứng được xu hướng phát triển của thế giới?

Ông Sanjay Gupta: Những nội dung đào tạo tại các trường đại học Việt Nam tương đối đầy đủ, tương tự các trường đại học khác trên thế giới – ví dụ đào tạo về ngôn ngữ lập trình thì đã đủ để lập trình những chương trình cơ bản – nhưng làm việc trong môi trường quốc tế thì sẽ phải cần đào tạo thêm kỹ năng và phải bổ sung thêm những bài học phù hợp với từng lĩnh vực sinh viên hướng tới. Vì vậy chúng tôi đã làm việc với các trường đại học với mong muốn bổ sung thêm các giáo trình để đảm bảo cung cấp cho sinh viên hoạt động liên quan đến thực hành, thực tế.

Sau đó, chúng tôi mong muốn đưa các sinh viên này vào thực tập 3 tháng tại HCL Technologies để sinh viên có trải nghiệm thực tế. Bên cạnh đó, chúng tôi còn cung cấp hoạt động mentoring (hướng dẫn, cố vấn) cho sinh viên trong quá trình học tập.

Tiếp đến, mô hình học tập truyền thống – sinh viên đến trường có giáo viên giảng bài – cũng tương đối cũ thì chúng tôi có những nội dung bài giảng được đưa lên trực tuyến để sinh viên có thể xem bài giảng trên các thiết bị ở khắp mọi nơi mỗi khi sinh viên cần. Thay đổi hình thức giảng dạy cũng là một hình thức chúng tôi đề xuất.

- Ngoài nội dung hợp tác đào tạo với các trường đại học và cơ sở giáo dục, HCL có đề xuất hợp tác hay ý tưởng nào để phát triển CNTT tại Việt Nam?

Ông Sanjay Gupta: Hiện tại chúng tôi đề xuất về mảng giáo dục với mục tiêu đặt trung tâm đào tạo tại Việt Nam, đào tạo nhân lực phục vụ các khách hàng quốc tế. Sau đó, khi chúng tôi đánh giá về nhu cầu trong nước và các lĩnh vực cần đến kinh nghiệm của HCL thì chúng tôi sẽ mở rộng và phục vụ các nhu cầu này. Tuy nhiên, trong tương lai, nếu muốn có đề xuất về các lĩnh vực khác thì chúng tôi rất cần đến sự hướng dẫn và cho phép của Bộ Thông tin và Truyền thông.

- Khoảng 15-20 năm trước Việt Nam chứng kiến trào lưu học ngành CNTT nhưng sau đó ngành này bão hòa và nhiều người học ngành CNTT nhưng sau khi ra trường thì thất nghiệp hoặc chuyển sang ngành khác. Hiện nay cũng đang xuất hiện một số ngành nghề mới theo xu hướng chuyển đổi số, 4.0 thì ông có cho rằng sẽ có trào lưu tương tự?

Ông Sanjay Gupta: Xu hướng CNTT trước đây ở Việt Nam tôi không thể đưa ra nhận định nhưng trong tương lai sẽ có những nhu cầu rất lớn về CNTT.

Vấn đề then chốt là chúng ta có thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường hay không và để thực hiện điều này thì chúng ta cần phải có thời gian. Bây giờ mới chỉ là bước khởi đầu của chúng tôi trong quá trình hình thành đó – bằng đào tạo kỹ năng cho nhân viên, nhân lực ngành CNTT – và song song với quá trình phát triển của thế giới, các công ty công nghệ toàn cầu sẽ dần tiến vào Việt Nam. Trong 10 năm tới, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến của ngành CNTT trên thế giới.

Xin cảm ơn ông!

Tập đoàn HCL Technologies là một trong ba công ty IT lớn nhất của Ấn Độ có doanh thu hằng năm khoảng 9,7 tỉ USD.

Tại Ấn Độ, tập đoàn HCL có lịch sử trên 40 năm chuyên về sản xuất phần mềm cung cấp cho 19 ngành dịch vụ khác nhau. Hiện tập đoàn có 149.000 kỹ sư đang làm việc tại 45 quốc gia.

Theo kế hoạch đầu tư tại Việt Nam, Tập đoàn HCL Technologies dự kiến sẽ khai trương văn phòng tại Việt Nam vào tháng 1/2021 và xây dựng tổ chức bộ máy với 3.000 nhân viên trong vòng 4 năm tới.