Philippines có bỏ Mỹ theo Trung Quốc?

Sau khi đi thăm Việt Nam, tổng thống Philipines Rodrigo Duterte tháng tới sẽ công du Trung Quốc lần đầu tiên, trong bối cảnh Bắc Kinh đang cố kéo Manila về phía mình, rời xa liên minh với Mỹ.
Rất khó đoán những bước đi tiếp theo của tổng thống Duterte
Rất khó đoán những bước đi tiếp theo của tổng thống Duterte

Theo báo Mỹ New York Times ngày 25/9, để thực hiện mục tiêu này, Trung Quốc tạm dừng công trình xây đảo nhân tạo trên bãi cạn Scarborough mà Bắc Kinh đã chiếm đóng từ năm 2012.

Xây đảo nhân tạo trên bãi cạn này và đặt trên đó một căn cứ quân sự vẫn là mục tiêu kế tiếp của Trung Quốc, nhưng việc tổng thống Duterte lên cầm quyền và liên tiếp đưa ra những lời đe dọa, xúc phạm Mỹ đã làm thay đổi những tính toán của Trung Quốc. Tất nhiên là Bắc Kinh sẽ không bao giờ từ bỏ mục tiêu biến Scarborough thành một căn cứ quân sự lớn, nhưng hiện giờ kế hoạch này dường như đang tạm ngưng.

Theo các nhà phân tích Trung Quốc, điều quan trọng nhất với Bắc Kinh bây giờ là tạo một mối quan hệ hữu nghị với ông Duterte để cố lôi kéo Philippines ra khỏi liên minh với Mỹ. Xây đảo nhân tạo trên bãi cạn Scarborough vào lúc này sẽ phá hỏng cơ may đạt được mục tiêu nói trên. Một giáo sư về quan hệ quốc tế ở Hong Kong được New York Times trích dẫn cho biết rằng chính phủ Trung Quốc vẫn muốn ít ra là Manila giữ thái độ trung lập trong cuộc đối đầu hiện nay giữa Trung Quốc với Mỹ.

New York Times nhắc rằng vào tháng 7 vừa qua, Tòa án Trọng tài Thường trực đã ra phán quyết chỉ trích nặng nề những hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt là hoạt động xây đảo nhân tạo phi pháp trên quần đảo Trường Sa. Nhưng Bắc Kinh đã bác bỏ phán quyết đó. Chính quyền Obama đã tuyên bố phán quyết của Tòa Trọng tài mang tính bắt buộc thi hành, nhưng tránh nhấn mạnh quá nhiều vào điểm này.

Lý do là vì, theo New York Times, rất khó mà ngăn chặn Trung Quốc tiếp tục xây những cấu trúc quân sự trên các đảo nhân tạo ở Trường Sa, trừ phi dùng vũ lực. Quân đội Mỹ cho biết là 3 trong số 7 đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây ở Trường Sa được thiết kế như những căn cứ quân sự. Theo nhà nghiên cứu quân sự Mỹ Thomas Shugart, Đá Su Bi nay có một hải cảng lớn hơn cả Trân Châu Cảng. Cả ba đảo/căn cứ quân sự nói trên có thể được dùng là nơi đồn trú cho 17.000 binh lính và một phi đội chiến đấu cơ đủ khả năng chống lại một cuộc can thiệp của Mỹ.

Cận cảnh Đá Subi bị Trung Quốc bồi lấp, xây đảo nhân tạo trái phép với đường băng và các công trình quân sự ở quần đảo Trường Sa
Cận cảnh Đá Subi bị Trung Quốc bồi lấp, xây đảo nhân tạo trái phép với đường băng và các công trình quân sự ở quần đảo Trường Sa

Cũng theo lời ông Shugart, bãi cạn Scarborough có thể trở thành một căn cứ quân sự lớn hơn cả. Bãi cạn này có vị trí chiến lược đặc biêt vì nó chỉ nằm cách 250 km với bờ biển Philippines và vịnh Subic, nơi đồn trú các chiến đấu cơ phản lực và chiến hạm của Mỹ.

Một khi biến bãi cạn Scarborough thành căn cứ quân sự, Trung Quốc sẽ có thể tung lực lượng ra khắp vùng Biển Đông, từ một «tam giác» căn cứ, cùng với quần đảo Trường Sa ở phía Nam và quần đảo Hoàng Sa ở phía Tây.

Theo một giáo sư quan hệ quốc tế ở trường Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho dù đối thoại giữa Bắc Kinh với Manila đạt kết quả như thế nào, thì mục tiêu lâu dài của Trung Quốc vẫn là kiểm soát toàn bộ Biển Đông.

Tuy nhiên vị giáo sư trên nhận định, mặc dù ông Duterte có thái độ gay gắt với Mỹ, đòi rút lực lượng đặc nhiệm của Mỹ ra khỏi miền Nam Philippines và dùng những lời thô tục nói về tổng thống Obama, Trung Quốc không dễ gì mà thu phục được sự tin cậy của tổng thống Philippines. Vị này cho rằng, thuyết phục Manila từ bỏ quan hệ mật thiết với Washington để ngả theo Trung Quốc, giống như họ đã làm Campuchia là chuyện không tưởng.