Phía sau việc cấp tốc thành lập Hãng hàng không SkyViet: “Lát cắt”... Techcombank

Bỏ qua việc dư luận đặt hàng loạt câu hỏi liên quan đến vấn đề định giá tài sản doanh nghiệp, lựa chọn nhà đầu tư tham gia góp vốn, hiệu quả hoạt động, Hãng hàng không SkyViet vẫn nhanh chóng được ra đời. Vậy phía sau sự vội vã thành lập hãng hàng không này là gì?
Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác chiến lược Techombank và Vietnam Airline. Nguồn website: techcombank.com.vn
Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác chiến lược Techombank và Vietnam Airline. Nguồn website: techcombank.com.vn

Chân dung VASCO

Theo thông tin từ cơ quan truyền thông của Bộ Giao thông vận tải, CTCP Hãng hàng không SkyViet đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (DN) và dự kiến chính thức đi vào hoạt động trong quý II/2016 trên cơ sở chuyển đổi hoạt động của Công ty Bay dịch vụ hàng không (VASCO). Theo đó, SkyViet có vốn điều lệ 300 tỷ đồng, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) sở hữu 51% vốn điều lệ (tương ứng 153 tỷ đồng), Công ty TNHH MTV Quản lý Quỹ Kỹ thương (Techcom Capital) sở hữu 48% (tương ứng 144 tỷ đồng); CTCP Phát triển dự án Techcomdeveloper sở hữu 1% (tương ứng 3 tỷ đồng).

Theo thông tin công bố trên website của VASCO, DN này được thành lập vào tháng 2/1987 (tiền thân là Xí nghiệp Bay phục vụ kinh tế quốc dân). Hiện nay, VASCO là chi nhánh của Vietnam Airlines thực hiện các hoạt động thương mại, khai thác các đường bay tầm ngắn trong nước, bảo dưỡng tàu bay, dịch vụ khai thác mặt đất và các hoạt động khác theo phân cấp, ủy quyền của Tổng công ty.

Câu hỏi đặt ra là Vietnam Airlines đã xin ý kiến cổ đông về việc thay đổi nội dung trong Nghị quyết ĐHĐCĐ hay chưa và vì sao Techcombank có thể “bẻ lái” chủ trương của một tập đoàn kinh tế lớn đặc thù như Vietnam Airlines? Nếu là một đơn vị khác đề xuất, liệu Vietnam Airlines có dễ dàng thay đổi cả một kế hoạch lớn đã được thông qua tại ĐHĐCĐ - thiết chế quyền lực cao nhất của một công ty đại chúng?

Theo đánh giá của VASCO, suốt 27 năm qua, theo thời gian năng lực và uy tín của VASCO ngày càng được khẳng định trên thị trường, quy mô và nhiệm vụ gia tăng, trong khi một số khó khăn về tiềm lực, phương tiện vẫn còn. Trong nhiều năm liền, VASCO đều đã hoàn thành và vượt mức hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch Tổng công ty giao; đảm bảo ổn định việc làm, thu nhập cho 100% cán bộ, công nhân viên. Giai đoạn 2010 - 2014, VASCO thực hiện an toàn 24.900 chuyến bay thường lệ, đạt mức tăng trưởng bình quân/năm là 10,1%. Hành khách vận chuyển đạt 1.239.814 người, tăng trưởng bình quân/năm đạt 11,6%. Hàng hóa vận chuyển đạt 1.800 tấn. Tổng doanh thu 1.510 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng bình quân/năm 19,2%. Lợi nhuận đạt 123,5 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân/năm đạt 61,8%, nộp ngân sách nhà nước 137 tỷ đồng.

Hiệu quả kinh tế cao đạt được của VASCO có phần đóng góp từ những sản phẩm, đường bay vận tải hàng không khá đặc thù (nếu không nói là độc quyền) như: gom tụ nội địa Côn Đảo, Cà Mau, Cần Thơ, Tuy Hòa, Chu Lai, Rạch Giá, Phú Quốc,… Như vậy có thể hiểu VASCO là đơn vị làm ăn hiệu quả của Vietnam Airlines.

Ngã rẽ bất ngờ từ lời “gợi ý” của Techcombank

Trên cơ sở làm ăn hiệu quả và nhận thấy vai trò quan trọng trong việc thành lập một công ty có pháp nhân độc lập, trong Nghị quyết ĐHCĐ lần thứ nhất (năm 2015) Vietnam Airlines đã có nội dung “ĐHĐCĐ thông qua chủ trương thành lập Công ty TNHH MTV Bay dịch vụ hàng không từ Chi nhánh Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Công ty Bay dịch vụ hàng không (VASCO)”.

Tuy nhiên, sau đó Vietnam Airlines nhận được đề nghị của Ngân hàng Techcombank mong muốn góp vốn cùng Vietnam Airlines để sáng lập hãng hàng không mới. Hai bên thống nhất thành lập mô hình công ty cổ phần. Câu hỏi đặt ra là Vietnam Airlines đã xin ý kiến cổ đông về việc thay đổi nội dung trong Nghị quyết ĐHĐCĐ hay chưa và vì sao Techcombank có thể “bẻ lái” chủ trương của một tập đoàn kinh tế lớn đặc thù như Vietnam Airlines? Nếu là một đơn vị khác đề xuất, liệu Vietnam Airlines có dễ dàng thay đổi cả một kế hoạch lớn đã được thông qua tại ĐHĐCĐ - thiết chế quyền lực cao nhất của một công ty đại chúng?

Nhìn lại quá trình hoạt động của Techcombank và VietnamAirline có thể thấy hai đơn vị này có quan hệ khá thân thiết ít nhất trong 17 năm qua. Trước đây, Vietnam Airlines đã từng là cổ đông sáng lập của Techcombank. Chịu áp lực thoái vốn đầu tư ngoài ngành, mới đây Vietnam Airlines đã thoái vốn khỏi Techcombank. Trong đợt IPO năm 2014, Ngân hàng Techcombank đã trở thành cổ đông của Vietnam Airlines với 25,7 triệu  cổ phần, chiếm 52% số cổ phần đăng ký mua, tương ứng 1,82% cổ phần của Vietnam Airlines.

Trong năm 2015, hai đơn vị đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện. Theo đó, Vietnam Airlines sẽ tạo điều kiện để Techcombank tiếp cận, tham gia cung cấp dịch vụ tài chính ngân hàng, đầu tư góp vốn vào các công ty con, công ty liên kết của Vietnam Airlines. Theo ông Phạm Viết Thanh, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, việc hợp tác này nhằm “nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh, hướng tới sự phát triển ổn định, mang lại lợi ích cho cả hai bên”.

Câu hỏi đặt ra là việc lựa chọn Techcombank để hợp tác thành lập hãng hàng không mới có đảm bảo tính cạnh tranh khi lựa chọn nhà đầu tư. Bởi Vietnam Airlines mặc dù đã cổ phần hóa, tuy nhiên tỷ lệ sở hữu nhà nước vẫn áp đảo, việc bảo toàn tài sản, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản vẫn là ưu tiên hàng đầu và tuân thủ theo luật.

SkyViet do Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines) góp 51% vốn điều lệ bằng tài sản hiện hữu do VASCO đang quản lý và khai thác kho phụ tùng vật tư máy bay ATR72-500, động cơ dự phòng máy bay ATR72 (99,2 tỷ đồng) và Vietnam Airlines góp thêm tiền mặt là trên 53,7 tỷ đồng. Công ty TNHH MTV Quản lý Quỹ Kỹ thương (Techcom Capital) sở hữu 48% vốn điều lệ; CTCP Phát triển dự án Techcomdeveloper sở hữu 1% vốn điều lệ.

Theo Báo Đấu thầu