The Economist ngày 19/11 đánh giá, thoạt nhìn có vẻ quan hệ Mỹ-Trung sẽ rất tệ hại sau khi ông Trump lên cầm quyền: Trong chiến dịch tranh cử, ông Donald Trump đã vạch mặt Trung Quốc là thủ phạm chính trong việc cướp công ăn việc làm của người Mỹ, đe dọa khởi động một cuộc chiến tranh thương mại với Bắc Kinh. Ông Trump còn cam kết nếu đắc cử tổng thống, ông sẽ chính thức gọi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ, đánh mức thuế trừng phạt 45% trên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Để khẳng định thêm quyết tâm chống Trung Quốc, ông Trump còn cam đoan xé bỏ thỏa thuận khí hậu mà tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký với đối tác Trung Quốc Tập Cận Bình tháng 9/2016, một điểm sáng hiếm hoi trong quan hệ Mỹ-Trung.
Thêm nữa, trong mấy ngày gần đây thông tin về những nhân vật sẽ được ông Trump cử làm ngoại trưởng, cũng khiến Bắc Kinh không yên tâm. Hai cái tên được gợi lên là Rudy Giuliani, cựu thị trưởng New York và John Bolton đều không ưa Trung Quốc.
Hoan hỉ vì Donald Trump "dẹp" Obama, phá nước Mỹ
Tuy nhiên theo The Economist, Trung Quốc lại nhìn thấy khía cạnh tươi sáng trong quan hệ Mỹ-Trung. Ở Bắc Kinh, người ta ngày càng lạc quan cho rằng, nếu thực sự muốn có thêm việc làm và tăng trưởng trong nước, sớm muộn gì ông Trump cũng phải mở cửa thương mại vì lẽ chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch không phù hợp với chủ trương «Hãy làm nước Mỹ lớn mạnh trở lại» mà ông từng đưa ra.
Giới lãnh đạo Trung Quốc hy vọng rằng những lời đe dọa của ông Trump trong chiến dịch tranh cử chỉ là để câu phiếu. Hơn thế nữa, các nhà lãnh đạo Trung Quốc còn thấy ông Trump có nhiều nét giống họ, tức là không thiết tha lắm với các vấn đề khác mà đặt vấn đề phát triển và tăng trưởng lên trên hết.
Khi đưa tin về cuộc điện đàm đầu tiên hồi đầu tuần này giữa ông Tập Cận Bình và ông Donald Trump, tờ Hoàn Cầu của Trung Quốc thường rất hung hăng khi nói về Mỹ, lần này lại không ngớt tán dương tổng thống Mỹ mới đắc cử đã có những lời lẽ «ngoại giao hoàn hảo» khi trả lời đề nghị hợp tác của ông Tập Cận Bình, đã củng cố triển vọng «lạc quan» về quan hệ giữa hai cường quốc trong vòng bốn năm tới.
Hoàn Cầu cho rằng ông Trump là người đã không bị «giới tinh hoa chính trị tại Washington bắt làm con tin», và ca ngọi ông sẽ là «một nhà lãnh đạo Mỹ biết tạo ra những bước tiến quyết định trong việc tái định hình quan hệ giữa các cường quốc một cách thực tiễn».
Theo The Economist, thái độ lạc quan trong giới diều hâu Trung Quốc rõ ràng còn xuất phát từ tính toán của họ theo đó chính quyền của ông Trump sẽ hỗn loạn và bất tài, làm cho Mỹ mất uy tín.
Đây là điều rất có lợi cho Trung Quốc, vốn đang đặt cược trên khả năng về lâu dài nước Mỹ ngày càng suy thoái, trong lúc Trung Quốc ngày càng vươn lên. Chính tờ Hoàn Cầu mới đây đã viết về ông Trump: «Chúng ta nên chờ xem ông ta có thể gây nên những hỗn loạn nào».
The Economist nhận xét các nhà lãnh đạo Trung Quốc rất vui mừng khi thấy ông Barack Obama rời khỏi chính trường. Họ rất ghét chiến lược «xoay trục» qua châu Á của ông và cay đắng với từ chối đề nghị (gọi là nhóm G2) của ông Tập Cận Bình vào năm 2013 muốn hình thành một «loại quan hệ mới giữa hai cường quốc» trên cơ sở hợp tác hai bên cùng có lợi. Theo Economist, làm sao ông Obama có thể chấp nhận nhường khu vực châu Á cho Trung Quốc.
Tuần trăng mật không kéo dài
Trong bối cảnh trên, The Economist cho rằng sẽ dễ tiên đoán những gì sẽ được hai lãnh đạo Mỹ-Trung thảo luận nhân cuộc tiếp xúc đầu tiên sau khi tân tổng thống Mỹ nhậm chức. Trong bài phát biểu mừng chiến thắng của mình, ông Trump từng cam kết xây dựng thêm tại Mỹ các đường cao tốc, sân bay, nào là trường học, bệnh viện. Trong khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ nhấn mạnh rằng ông vừa có tiền, vừa có chuyên môn trong lĩnh vực xây dựng.
Ông Tập Cận Bình có thể sẽ cung cấp tiền và chuyên môn cho những nỗ lực xây dựng của tổng thống Mỹ mới đắc cử, và sẽ nhấn mạnh rằng sự giúp đỡ của Trung Quốc sẽ tạo ra công ăn việc làm tại Mỹ. Để đánh đổi lại, ông Trump có thể dễ dàng tỏ một cử chỉ thiện chí là tham gia vào Ngân àng Phát triển Hạ tầng châu Á do Trung Quốc lãnh đạo, điều mà ông Obama từng bác bỏ, và hậu thuẫn nhiều hơn cho chiến lược «Một vành đai, một con đường» của ông Tập Cận Bình. Nhiều cố vấn của ông Trump đã tiết lộ rằng việc đó đã được dự trù.
The Economist đánh giá có thể sẽ có một tuần trăng mật giữa hai ông Donald Trump và Tập Cận Bình mà ít ai dự đoán. Nhưng có kéo dài hay không thì lại là một chuyện khác. Đối với ông Tập Cận Bình, ông đang cần có một môi trường bên ngoài yên ổn để rảnh tay thực hiện một cuộc cải tổ sâu rộng trong cơ chế lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm tới để củng cố quyền lực của mình.
Tuy nhiên, The Economist cho là đừng hy vọng tuần trăng mật Mỹ-Trung sẽ kéo dài. Lý do đầu tiên là rất có thể Trung Quốc đã đánh giá thấp sức mạnh của bản năng kinh doanh của ông Trump. Ngoài ra Bắc Kinh cũng có thể đổi ý nếu đồng đô la trở nên quá mạnh khiến cho đồng nhân dân tệ Trung Quốc khó quản lý.
Hơn nữa, dù các đồng minh châu Á của Mỹ đang hoảng hốt sau khi ông Trump đắc cử, ngày càng có thêm những lời bảo đảm từ phía ông Trump rằng ông vẫn duy trì các liên minh mà Trung Quốc căm ghét, nhưng đã góp phần củng cố thêm sức mạnh của Mỹ ở khu vực Đông Á từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc đến nay.
The Economist đặt vấn đề, làm sao biết được chắc chắn là sẽ không có sự cố nào nghiêm trọng trong quan hệ Mỹ-Trung. Lãnh đạo hai nước chưa hề bị một cuộc khủng hoảng lớn nào thử thách, từ sau vụ va chạm trên không vào năm 2001 giữa một chiến đấu cơ Trung Quốc và một máy bay do thám Mỹ. Một sự cố tương tự hoàn toàn có thể xẩy ra trên vùng Biển Đông và Biển Hoa Đông đầy tàu thuyền và đang có tranh chấp.