|
Theo giới chuyên gia, quan hệ giữa Australia và Trung Quốc đã đi đến điểm khó hàn gắn (Ảnh: The New Daily) |
Trong diễn biến mới nhất, Ủy ban Phát triển Quốc gia và Cải cách Trung Quốc hôm thứ Năm nói rằng họ sẽ “ngừng vô thời hạn” mọi hoạt động thuộc khuôn khổ Đối thoại Chiến lược Trung Quốc-Australia, một diễn đàn được khởi động vào năm 2012 và lần gần đây nhất được tổ chức là vào năm 2107.
Ủy ban hoạch địch kinh tế trên nói rằng họ đưa ra quyết định trên là bởi “tâm lý Chiến tranh lạnh và sự phân biệt tư tưởng hệ” của Canberra đã làm gián đoạn quan hệ hợp tác. Quyết định này được đưa ra sau khi Bắc Kinh áp đặt nhiều hạn chế đối với một loạt mặt hàng xuất khẩu của Australia, từ tôm hùm, rượu cho tới gỗ chế biến…
Về phần mình, Australia cũng hủy các thỏa thuận mà bang Victoria và Trung Quốc từng ký kết trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), một chương trình cơ sở hạ tầng đồ sộ.
Trung Quốc đến nay vẫn chưa vận tới đòn quyết định – cắt đứt buôn bán quặng sắt – nhưng giới quan sát nói rằng Bắc Kinh đang chỉ ra rõ ràng rằng họ đang mất dần sự kiên nhẫn.
Trong những năm gần đây, Australia trở thành một tiếng nói chỉ trích công khai và mạnh mẽ Trung Quốc. Canberra cũng trở thành một phần trong một mạng lưới quy tụ các quốc gia chống lại Bắc Kinh mà Mỹ dẫn đầu.
Xie Maosong – chuyên gia thuộc Viện Đối mới và Phát triển Trung Quốc thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc – nói rằng Bắc Kinh đang đánh đi tín hiệu không chỉ với Canberra mà còn với các nước phương Tây rằng họ đang cân nhắc nhiều lựa chọn.
“Không giống như các quốc gia khác có bất đồng với Trung Quốc, động cơ của Australia là tư tưởng hệ, và họ nghĩ rằng họ có thể tách biệt giữa hợp tác kinh tế và đối đầu tư tưởng hệ” – ông Xie nói – “Các nước như Anh, Đức, Pháp và Nhật Bản cần phải học từ bài học của Australia rằng họ không nên đứng về phe của Mỹ trong cuộc đối đầu Mỹ-Trung”.
Mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Caberra đã trở nên căng thẳng từ năm 2018, khi mà Australia trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới công khai cấm tập đoàn Huawei Technologies của Trung Quốc xây dựng mạng 5G của họ. Quan hệ càng trở nên tồi tệ trong năm ngoái sau khi Canberra kêu gọi mở cuộc điều tra độc lập để làm rõ nguồn gốc của đại dịch COVID-19.
Một số phát ngôn của giới chức Canberra còn ngụ ý rằng Australia có thể tham gia vào phản ứng chung trong trường hợp một cuộc chiến tranh liên quan tới Đài Loan bùng nổ. Điều này càng khiến Bắc Kinh tức giận.
Australia cũng đang xem xét liệu có nên hủy hợp đồng cho thuê cảng Darwin thời hạn 99 năm mà chính quyền Vùng lãnh thổ phía Bắc của họ từng ký với một công ty Trung Quốc trong năm 2015 hay không.
Và trong bối cảnh căng thẳng đó, thương mại giữa Trung Quốc và Australia sụt giảm thê thảm, tới 40%, ở hầu hết mọi lĩnh vực. Nhưng quặng sắt – thành phần chủ chốt trong sản xuất thép và rất quan trọng với kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc để tạo đà phục hồi hậu COVID-19 – hiện là mặt hàng nhập khẩu duy nhất giữ cho thương mại song phương nổi lên.
“Không bên nào muốn sử dụng quân bài này. Họ đơn giản là đang nắm lấy cổ nhau” – một nguồn tin ngoại giao giấu tên nói với tờ SCMP
Song Luzheng, - nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế thuộc ĐH Fudan – nói rằng động thái mới nhất cho thấy Bắc Kinh đang dần hết lựa chọn trừng phạt kinh tế đối với Australia.
“Việc tạm ngừng đối thoại kinh tế và chiến lược có nghĩa rằng cuộc đối đầu song phương đã lên tới điểm không thể hàn gắn. Trung Quốc đã gần hết các chiêu bài về kinh tế, và những bước đi tiếp theo có thể là sử dụng chiêu bài ngoại giao” – ông Song nói, thêm rằng các biện pháp tiếp theo có thể là cấm quan chức Australia đến Hong Kong hay các phản ứng cực đoan hơn như trục xuất nhà ngoại giao.
Joerg Wuttke – Chủ tịch Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc – nói rằng tác động từ quyết định của Trung Quốc có thể nhận thấy rõ ở thị trường rộng lớn.
“Mặc dù động thái này chỉ mang tính tượng trưng, nhưng nó đánh đi nhiều tín hiệu tới các thị trường, như các bạn đã thấy trong ngày hôm qua, giá quặng sắt và than đã tăng” – ông Wuttke nói.