Đài Loan nói đang chuẩn bị cho chiến tranh với Đại Lục, Australia lên tiếng ủng hộ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trước những thông tin gần gây về việc PLA (quân đội Trung Quốc) chuẩn bị “vũ thống” (tấn công để thống nhất) Đài Loan, ông Ngô Chiêu Nhiếp, người đứng đầu cơ quan quốc phòng Đài Loan đã lên tiếng về vấn đề này.
Ông Ngô Chiêu Nhiếp: Đài Loan đang chuẩn bị đối phó với một cuộc tấn công quân sự (Ảnh: Đa Chiều).
Ông Ngô Chiêu Nhiếp: Đài Loan đang chuẩn bị đối phó với một cuộc tấn công quân sự (Ảnh: Đa Chiều).

Theo trang tin Đa Chiều (Dwnews) ngày 7/5, ông Ngô Chiêu Nhiếp (Wu Zhaoxie hay Joseph Wu) đã nói trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với truyền thông Australia rằng Trung Quốc đại lục dường như đang chuẩn bị phát động một "cuộc tấn công cuối cùng" (final assault) vào Đài Loan. Tuy PLA sẽ không xâm lược Đài Loan ngay lập tức, nhưng đối đầu quân sự đang tồn tại. "Chính quyền Đài Loan cần phải chuẩn bị cho chiến tranh".

Cơ quan truyền thông Australia Australian Financial Review đã phỏng vấn ông Ngô Chiêu Nhiếp qua truyền hình và đăng bài trên hàng đầu trang nhất số ra ngày 6/5.

Trong cuộc phỏng vấn, Ngô Chiêu Nhiếp chỉ ra: "Trung Quốc đại lục ra sức tìm mọi cách cô lập Đài Loan khỏi cộng đồng quốc tế, mưu đồ sử dụng thông tin sai lệch hoặc chiến tranh hỗn hợp (hybrid warfare), và gia tăng mối đe dọa quân sự chống lại Đài Loan; dường như là đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công cuối cùng vào Đài Loan".

Cuộc tập trận Hán Quang của Đài Loan năm nay kéo dài nhất trong lịch sử (Ảnh: Đa Chiều).

Cuộc tập trận Hán Quang của Đài Loan năm nay kéo dài nhất trong lịch sử (Ảnh: Đa Chiều).

Ông giải thích: "Tôi không nói rằng ngay lập tức sẽ xảy ra chiến tranh giữa Đài Loan và đại lục. Tuy nhiên, chính phủ Đài Loan cần chuẩn bị cho cuộc chiến. Trên thực tế, Đài Loan không chỉ cơ quan quốc phòng chuẩn bị cho chiến tranh mà toàn bộ chính phủ Đài Loan đang chuẩn bị đối phó với một cuộc tấn công quân sự của Trung Quốc có thể xảy ra".

Ông nhấn mạnh tất cả các quốc gia dân chủ có chung ý tưởng nên thành lập liên minh và bảo vệ lợi ích của Đài Loan. Ông cũng chỉ trích: "Chúng tôi không muốn thấy thứ trật tự bành trướng toàn trị (của Bắc Kinh), được lặp lại ở Đài Loan, nhưng đây chính xác là những gì Trung Quốc muốn làm với Đài Loan".

Ông Ngô Chiêu Nhiếp kêu gọi Australia và Đài Loan tăng cường quan hệ kinh tế, khởi động lại cuộc đàm phán về Hiệp định thương mại tự do giữa hai bên, đồng thời tiết lộ rằng Đài Loan trong năm nay sẽ có thể nộp đơn gia nhập "Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương" hiện gồm 11 quốc gia Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.

Theo Hãng thông tấn Trung ương Đài Loan CNA, ông Richard Bush, cựu chủ tịch Hiệp hội Mỹ tại Đài Loan (AIT) và là nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Brookings, nói rằng có khả năng không có nghĩa là có ý đồ, dù có thông tin tình báo cũng khó có nhiều thông tin về thời điểm Đại Lục có thể tấn công Đài Loan , bởi vì câu trả lời nằm trong suy nghĩ của Chủ tịch Tập Cận Bình, cuối cùng vẫn là do ông ấy quyết định.

Trung Quốc diễn tập tàu đệm khí chở xe tăng Type-96A đổ bộ đánh đảo (Ảnh: HQTQ).

Trung Quốc diễn tập tàu đệm khí chở xe tăng Type-96A đổ bộ đánh đảo (Ảnh: HQTQ).

Richard Bush nói rằng cuộc tấn công của Đại Lục vào Đài Loan sẽ thay đổi quan hệ Trung-Mỹ từ "có một số tiêu cực" hiện tại thành "hoàn toàn tiêu cực", và nó cũng sẽ thay đổi mối quan hệ của Trung Quốc với hầu hết các nước châu Á và thế giới, đặc biệt là Nhật Bản.

Được biết, Mỹ đã nhiều lần đưa ra dự đoán về việc “vũ thống” (tấn công để thống nhất) Đài Loan của Trung Quốc đại lục. Ngoài ra, cựu Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương Philips Davison đã chỉ ra rằng dư luận có thể công chiếm Đài Loan trong 6 năm tới. Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ H.R McMaster gần đây cũng nói: “Đài Loan đang ở vào thời điểm ‘cực kỳ nguy hiểm’ và thời điểm then chốt sẽ là sau Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh năm 2022 và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Truyền thông Mỹ VOA ngày 27/4 đưa tin ông McMaster đã nói trong một cuộc thảo luận gần đây của Viện Hoover về "Trung Quốc nguy hiểm như thế nào", nói rằng Đài Loan là điểm nóng lớn nhất liên quan đến Trung Quốc đại lục, và hiện đang là "thời điểm nguy hiểm tối đa” (maximun danger).

Ngoài ra, giai đoạn suy diễn bàn cờ (diễn tập suy diễn giả tưởng trên sa bàn)của cuộc tập trận quân sự Đài Loan "Hán Quang 37" chính thức bắt đầu vào ngày 23/4 kéo dài đến ngày 30/4 trong 8 ngày 7 đêm, được coi là một lần tập trận suy diễn giả tưởng sa bàn kéo dài nhất trong chuỗi cuộc tập trận "Hán Quang" của quân đội Đài Loan trong lịch sử.

PLA diễn tập xe tăng tác chiến trên đường phố nhằm vào Đài Loan (Ảnh: CCTV)

PLA diễn tập xe tăng tác chiến trên đường phố nhằm vào Đài Loan (Ảnh: CCTV)

Theo báo chí Đài Loan đưa tin ngày 26/4, đợt diễn tập suy diễn giả tưởng sa bàn này cũng là lần đầu tiên cơ quan quốc phòng Đài Loan lấy "tác chiến phòng thủ Đài Loan và Bành Hồ" có thể "kéo dài một tuần" làm giả định cơ bản.

Các cơ quan truyền thông Đài Loan trông đợi vào cuộc tập trận "Hán Quang" lần này, cho rằng nó có thể trở thành một "cơ hội tuyệt vời" để đảo ngược hình ảnh của quân đội Đài Loan. Nhưng gần đây, quân đội Hoa Kỳ cũng đã tiến hành các cuộc tập trận kiểu tương tự. David Ochmanek, cựu phó trợ lý Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ, tuyên bố rằng hỏa lực của Trung Quốc đại lục đã gia tăng đáng kinh ngạc trong cuộc tập trận mô phỏng "Lực lượng vũ trang Đại Lục tấn công Đài Loan". Sau khi Không quân bị tiêu diệt ở chỉ sau vài phút, các tàu chiến và máy bay của Mỹ cũng có nguy cơ bị thất bại.

Ngoài ra, theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 7/5, trong một cuộc trả lời phỏng vấn hôm thứ Năm (6/5), Thủ tướng Australia Scott Morrison khi được hỏi liệu Australia có ủng hộ Đài Loan nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan bằng vũ lực hay không, đã không trả lời trực tiếp câu hỏi, chỉ nói rằng chính phủ luôn ủng hộ tự do, tuân thủ các thỏa thuận trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và liên minh với Mỹ. Cùng ngày, bài xã luận của truyền thông Australia chỉ ra rằng nếu nổ ra chiến tranh ở eo biển Đài Loan, Australia có thể thực hiện "Hiệp ước An ninh Thái Bình Dương" (ANZUS) để hỗ trợ Mỹ bảo vệ Đài Loan.

Khi ông Morrison tham dự một chương trình phát thanh ở Melbourne, người dẫn chương trình đã hỏi ông rằng liệu Australia có hỗ trợ Đài Loan hay không. Ông không trả lời trực tiếp mà nói Australia đã và đang thực hiện thỏa thuận khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và mối quan hệ đồng minh với Mỹ. Ông nhận thức rất rõ về sự không chắc chắn ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Ông không giải thích thêm, để tránh thêm nhiều biến số vào tình huống. Ông nói rằng Australia hiểu rõ về "một quốc gia, hai chế độ" và sẽ tiếp tục theo đuổi các chính sách liên quan. Khi người dẫn chương trình hỏi lại Morrison liệu ông có ủng hộ Đài Loan hay không, Morrison nói Australia luôn ủng hộ tự do.

Khi được hỏi liệu ông có cho rằng Trung Quốc là một nhân tố gây ra bất ổn toàn cầu hay không, Morrison hy vọng rằng Trung Quốc, Australia và toàn bộ khu vực cùng nhau tôn trọng luật thương mại nhằm đảm bảo quyền tự do và cởi mở giao thông vận tải ở Biển Đông, đồng thời duy trì sự tự do và rộng mở của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Tờ Australian Financial Review cùng ngày đăng một bài xã luận với tiêu đề "Australia phải bảo vệ Đài Loan trong cuộc chiến tranh ở eo biển", chỉ ra rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục tấn công trong "vùng xám của tình trạng mấp mé chiến tranh", nhưng nếu xảy ra chiến tranh ở eo biển Đài Loan, Australia có thể cần thực hiện "Hiệp ước An ninh Thái Bình Dương" (ANZUS), cùng với Mỹ giúp bảo vệ Đài Loan.

Thủ tướng Australia Scott Morrison: nếu xảy ra chiến tranh ở eo biển Đài Loan, Australia có thể cần thực hiện "Hiệp ước An ninh Thái Bình Dương" (ANZUS), cùng với Mỹ giúp bảo vệ Đài Loan (Ảnh: AP).

Thủ tướng Australia Scott Morrison: nếu xảy ra chiến tranh ở eo biển Đài Loan, Australia có thể cần thực hiện "Hiệp ước An ninh Thái Bình Dương" (ANZUS), cùng với Mỹ giúp bảo vệ Đài Loan (Ảnh: AP).

Bài báo cho rằng tình hình hiện tại ở eo biển Đài Loan đang ngày càng trở nên căng thẳng, nhưng Trung Quốc đại lục thiếu vũ khí trang bị để tiến hành một cuộc tấn công đổ bộ chống Đài Loan. Do đó, một cuộc chiến tranh toàn diện sẽ không nổ ra trong thời gian ngắn mà sẽ tiếp tục tấn công và đến gần bờ vực nguy hiểm trong "vùng xám của tình trạng mấp mé trạng thái chiến tranh", đồng thời sử dụng nhiều phương pháp uy hiếp khác nhau để tạo ra bầu không khí về quyền bá chủ trong khu vực. Về chiến lược, Trung Quốc đại lục đang cố gắng buộc Mỹ rút khỏi Tây Thái Bình Dương, buộc các nước trong khu vực phải khuất phục.

Bài báo viết mặc dù chính phủ Australia theo đuổi chính sách "Một Trung Quốc", nhưng họ đã bày tỏ nếu Mỹ gửi quân đến bảo vệ Đài Loan, Australia cũng sẽ ủng hộ. Khi đó, quân đội có thể được huy động phù hợp với “Hiệp ước An ninh Thái Bình Dương” (ANZUS) ký năm 1951. Bài báo cho rằng Mỹ khó có thể duy trì sự mơ hồ chiến lược trong vấn đề có hỗ trợ phòng thủ Đài Loan hay không, và nước này cần phải thể hiện một thái độ rõ ràng. Nếu Australia có chiến tranh với Trung Quốc thì sẽ mang lại thảm họa cho nền kinh tế, nhưng nếu để Đài Loan đơn độc không được giúp đỡ cũng sẽ gây ra một thảm họa chiến lược, vì vậy Australia phải thận trọng đối mặt với tình hình ở Đài Loan.