Các nhà khoa học Australia và Mỹ đã phát minh một tấm màng, được lấy ý tưởng từ xương và sụn trong cơ thể con người, có thể sản xuất điện năng từ nước mặn.
Năng lượng đại dương là loại năng lượng được tạo ra nhờ sóng biển, thủy triều, độ mặn và sự chênh lệch về nhiệt độ đại dương.
Tuy nhiên, nghiên cứu cho biết các vật liệu nano thường được sử dụng trong các tấm màng thường dễ gãy vụn và tan rã trong nước biển.
Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Joule, các nhà khoa học thuộc Đại học Deakin của Australia và Đại học Michigan của Mỹ cho biết tấm màng mới này có độ rắn chắc như xương và phù hợp cho việc vận chuyển ion như sụn.
Nó có thể thu được năng lượng từ đại dương để tạo ra một dạng năng lượng tái tạo thân thiện với môi trường.
Các nhà nghiên cứu đã bắt đầu tạo ra các mô của các sinh vật sống. Họ lưu ý rằng các mô liên kết mềm dẻo như sụn trong cơ thể con người cho phép các ion dễ dàng đi qua, song lại yếu và mỏng manh.
Ngược lại, xương có ưu điểm đặc biệt chắc khỏe, nhưng không có lợi ích trong việc vận chuyển ion hiệu quả. Do đó, các nhà nghiên cứu đã tìm ra cách "kết hợp" hai loại vật liệu này để có được cả hai ưu điểm cùng một lúc.
Theo đó, họ đã kết hợp các sợi nano aramid tạo ra các vật liệu sợi linh hoạt tương tự như sụn với boron nitride tạo ra tiểu cầu tương tự như xương.
Tiếp đó, họ liên tục rửa tấm màng này bằng nước muối để theo dõi sự ổn định của nó và nhận thấy rằng nó vẫn tiếp tục hoạt động tối ưu sau 200 giờ.
Theo các nhà khoa học, tấm màng tổng hợp mới này có độ dày linh hoạt và độ ổn định cao trong nhiệt độ từ 0 tới 95 độ C và độ pH từ 2,8 tới 10,8.
Khai thác năng lượng đại dương được xem là một giải pháp cho vấn đề năng lượng hiện nay. Loại năng lượng này có thể được khai thác để sản xuất điện cung cấp cho gia đình, vận tải và các nền công nghiệp.
Năng lượng đại dương cũng có nhiều tiềm năng hơn năng lượng gió vì nước có tỷ trọng cao hơn không khí. Công nghệ sản xuất điện từ đại dương được chia thành 2 dạng chính là năng lượng thủy triều và năng lượng sóng./.