Phát hiện thủy ngân ở nơi sâu nhất thế giới

VietTimes – Việc phát hiện thủy ngân ở nơi sâu nhất địa cầu cho thấy ô nhiễm môi trường do con người gây ra đã lan đến những nơi hoang vu nhất tưởng chừng như không bao giờ chịu tác động của con người.
Ảnh: TechTimes

Các nhà khoa học đã phát hiện thủy ngân nhân tạo ở đáy Rãnh Mariana, rãnh đại dương sâu nhất hành tinh.

Cụ thể, một nhóm các khoa học đã xác định chất methylmercury – một dạng thủy ngân độc hại có khả năng tích tụ trong cơ thể một số loài động vật một cách dễ dàng, trong đó có cá và động vật giáp xác sống trong rãnh đại dương với độ sâu gần 11km.

Thủy ngân có thể bị tràn ra môi trường từ các nguồn tự nhiên như núi lửa phun trào. Tuy nhiên, đa phần chúng tràn xuống đại dương do các hoạt động của con người như đốt than, khai thác dầu mỏ hoặc khai thác và sản xuất kim loại.

Thủy ngân là một chất độc thần kinh cực mạnh có thể tích tụ và gây hại đối với một số loài sinh vật biển. Hoạt động của con người đã khiến lượng chất độc này tăng gấp ba lần trong khí quyển hoặc lắng đọng trên bề mặt Trái Đất và đại dương mỗi năm.

Rãnh Marianas là điểm sâu nhất ở Thái Bình Dương. Ảnh: News Yahoo

Theo một nghiên cứu được công bố tại hội nghị Goldschmidt Geochemistry, một nhóm các nhà khoa học đứng đầu là ông Joel Blum của Đại học Michigan muốn tìm hiểu thêm về cách thủy ngân nhân tạo “thẩm thấu” xuống đại dương với mục đích có thể đưa ra dự đoán chính xác hơn về sự ảnh hưởng của thủy ngân đến môi trường biển và trong cả những loài cá mà chúng ta ăn.


Trong nghiên cứu, ông Blum và các đồng nghiệp đã thu thập các mẫu cá và động vật giáp xác ở độ sâu 7 và 10km ở rãnh Mariana gần Philippines và rãnh Kermadec ở vùng biển New Zealand, nơi đạt tới độ sâu khoảng 10km.

Các nhà khoa học đã phát hiện thấy thủy ngân trong cơ thể một số loài động vật mà họ lấy mẫu, các dấu hiệu hóa học đặc trưng cho thấy nó có nguồn gốc chủ yếu trong khí quyển và rơi xuống đại dương thông qua những trận mưa.

Theo ông Blum, một lượng thủy ngân được nhóm phát hiện có thể đến từ những nguồn tự nhiên, nhưng phần lớn chúng bắt nguồn từ các hoạt động của con người.

Các phân tích của nhóm nghiên cứu cho thấy thông qua các cơn mưa, thủy ngân lắng đọng vào phần bề mặt của đại dương. Phần lớn chất độc này tích tụ trong các loài cá và động vật có vú sống ở biển. Sau khi chúng chết, xác chìm xuống đáy đại dương, trở thành thức ăn cho các loài cá và động vật giáp xác sống ở các rãnh đại dương.

Cá “ma” snailfish sống ở rãnh Kermadec. Ảnh: Newsweek.

“Điều quan trọng ở đây là thủy ngân do hoạt động của con người đã lắng đọng từ bầu khí quyển xuống bề mặt đại dương và lan xuống những khu vực xa xôi nhất và sâu nhất trong đại dương”  - ông Blum nói với Newsweek.

Trước đây, thủy ngân nhân tạo mới chỉ được tìm thấy ở một số hệ sinh thái trên đất liền xa xôi nhất của Trái Đất như Bắc Cực và Nam Cực, chưa từng có phát hiên về chất độc này ở các rãnh sâu nhất đại dương.

Một nhóm nhà các nhà khoa học khác, đứng đầu bởi ông Ruoyu Sun đến từ Đại học Thiên Tân, Trung Quốc cũng đã phát hiện ra thủy ngân trong các loài sinh vật sống ở nơi sâu nhất của rãnh Mariana, theo một nghiên cứu khác cũng được báo cáo tại hội nghị Goldschmidt Geochemistry.

“Hai nghiên cứu trên đã cho chúng tôi có cái nhìn sâu sắc về tác động từ các hoạt động của con người trên hành tinh này” – nhà khoa học Ken Rubin của đại học Hawaii, người không tham gia vào nghiên cứu của cả hai nhóm cho biết trong một tuyên bố.

Trong môi trường tự nhiên, thủy ngân thường bị vi khuẩn tác động và chuyển thành dạng methylmercury. Dạng thủy ngân này gây ra sự tích lũy chất độc trong chuỗi thức ăn. Ví dụ, cá săn mồi lớn thường có hàm lượng thủy ngân cao do ăn phải nhiều loại cá nhỏ hơn đã nhiễm độc thủy ngân thông qua việc ăn các sinh vật phù du nhỏ hơn nữa.

Trên thực tế, con người ăn nhiều cá chứa hàm lượng thủy ngân cao có thể dẫn đến tổn thương hệ thần kinh, nguy cơ các bệnh tim mạch và các ảnh hưởng sức khỏe khác.

Theo Newsweek